Cẩn trọng thanh lý gỗ rừng trồng ven biển
Đang mùa nắng nóng cao điểm, người dân ở nhiều địa phương tất bật xử lý thực bì, khai thác cây trồng đổ ngã do thiên tai năm 2020. Nhiều khu rừng hơn 10 năm tuổi đã khai thác toàn bộ để dọn đất trồng lại rừng thay thế, nhưng cũng có những cánh rừng ít bị thiệt hại cần được bảo vệ.
Dọn sạch để trồng rừng mới
Hơn tháng nay, rừng keo lưỡi liềm thuộc dự án rừng trồng Pacsa do Nhật Bản tài trợ trước đây nằm phía sau khu “cài dân” của 2 thôn Phú Đông, Phú Bình (xã Tam Phú, Tam Kỳ) đã được khai thác trắng từ phương án thanh lý rừng trồng của Sở NN&PTNT. Tiếp giáp với đất của Trung tâm Giống đà điểu Khatoo Quảng Nam, một khoảnh keo lưỡi liềm trồng hàng chục năm nay được khai thác hết. Nhiều cây gỗ có đường kính trung bình 2 gang tay người lớn.
Phó Chủ tịch UBND xã Tam Phú - Nguyễn Quang Cư cho biết, có hơn 30ha rừng keo lưỡi liềm thuộc dự án Pacsa và dự án trồng rừng thay thế qua các năm 2016, 2017, 2018 đã được thanh lý gỗ.
“Hiện nay, việc khai thác gỗ đã hoàn tất, các bên liên quan gồm Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ, Ban quản lý Dự án trồng rừng trên cát ven biển (chủ quản lý rừng), Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam, UBND xã đang tiến hành kiểm tra, làm thủ tục thanh lý, bàn giao hiện trạng” - ông Cư nói.
Tại khu rừng sau khu vực dân cư thôn Phú Đông, theo quan sát, đơn vị trúng thầu đã tận thu toàn bộ diện tích cây trồng hư hại, đổ ngã, trốc gốc lẫn cây xanh còn sống sót với tỷ lệ rất thấp. Hiện, cành nhánh, lá khô ngổn ngang rất nhiều, đơn vị thi công chuẩn bị xử lý thực bì.
Tại xã Tam Thăng, khu vực rừng bị thiệt hại ít nhất 70% nằm kề với rừng trồng hơn 5 - 7 năm tuổi đang phát triển, sinh trưởng tốt nên việc khai thác, xử lý thực bì đòi hỏi các quy trình tận thu lâm sản chặt chẽ hơn, để phòng ngừa cháy lan. Giữa tháng 3.2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu ký Quyết định (số 669) thanh lý rừng trồng phòng hộ ven biển bị thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2020 tại các xã Tam Phú và Tam Thăng.
Theo đó, thanh lý hơn 46ha rừng trồng phòng hộ ven biển không thành rừng thuộc dự án Pacsa, dự án bảo vệ và phát triển rừng, dự án trồng rừng thay thế các năm 2016, 2017, 2018. Trong đó, đất quy hoạch rừng phòng hộ gần 42ha và ngoài quy hoạch lâm nghiệp hơn 4,3ha, với chủng loại cây keo lưỡi liềm, phi lao. Sản lượng lâm sản ước tính hơn 1.834m3 gỗ; giá trị thiệt hại hơn 529 triệu đồng, trong khi giá trị lâm sản tận thu 958 triệu đồng. Việc thanh lý lâm sản tận thu theo hình thức bán đấu giá.
Chính quyền xã Tam Tiến (Núi Thành) thống nhất chọn Công ty Đấu giá Hợp danh Quảng Việt (địa chỉ số 102 đường Nguyễn Văn Trỗi, TP.Tam Kỳ) làm đơn vị thực hiện tổ chức đấu giá tài sản là rừng trồng dự án Pacsa không thành rừng.
Chủ tịch UBND xã Tam Tiến - Nguyễn Văn Luận thông tin, thời điểm này địa phương đã khai thác cây, xử lý thực bì hơn 15ha rừng keo lưỡi liềm dự án Pacsa đã trồng năm 2003. Toàn bộ diện tích đã được khai thác hết để trồng lại rừng mới. Mức độ thiệt hại cây trồng khoảng hơn 70%, nhưng khai thác thì luôn cả cây trồng còn sống sót nhưng không thành rừng.
“Việc địa phương đề nghị thanh lý và trồng lại rừng, được cơ quan có thẩm quyền đồng ý là phù hợp với yêu cầu thực tế và công tác bảo vệ, phát triển rừng tại địa phương” - ông Luận nói.
Cần xử lý tận thu đúng quy định
Thời điểm này, các xã vùng đông Tam Kỳ và Núi Thành đã, đang hoàn tất dọn mặt bằng, xử lý đốt thực bì để chuẩn bị cho mùa trồng rừng mới. Tuy nhiên, nan giải là những khu vực này nằm ở “họng gió”, nếu không tuân thủ nghiêm ngặt quy trình xử lý thực bì thì nguy cơ cháy lan sang các cánh rừng còn sống sẽ rất cao.
Theo ông Lê Tự Tuấn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, diện tích rừng trồng trên đất cát ven biển đề nghị thanh lý chủ yếu là từ dự án Pacsa do Nhật Bản tài trợ trồng trước đây. Theo quy định, với diện tích rừng trồng bị thiệt hại 70 - 80% thì thanh lý toàn bộ để tổ chức trồng mới.
Ngoài ra, cây keo lưỡi liềm đã trồng gần 20 năm đủ thời gian khai thác, phần lớn bị trốc gốc ngã đổ; cây không bị trốc gốc cũng bị tước thân, cành nhánh chiếm nhiều, mật độ cây sống không đều không còn khả năng thành rừng. Sau các cơn bão năm 2020, cán bộ lâm nghiệp, lực lượng kiểm lâm, Ban quản lý Dự án trồng rừng trên cát ven biển, chính quyền sở tại đều đến hiện trường kiểm kê đo đếm cây trồng, diện tích bị thiệt hại. Tuy nhiên, do thủ tục thanh lý rườm rà, quá trình đấu giá tài sản mất nhiều thời gian nên dẫn đến khai thác và thanh lý chậm.
Tại huyện Thăng BÌnh, theo thống kê, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2021, cả tỉnh xảy ra ít nhất 8 vụ cháy gây thiệt hại gần 70ha rừng không thể phục hồi. Trong đó liên tục xảy ra nhiều vụ cháy rừng phòng hộ ở các xã ven biển Bình Nam, Bình Minh, mà một trong những nguyên nhân được xác định là do gỗ đổ ngã chằng chịt chưa khai thác, cộng với cành nhánh lá khô chưa được xử lý. Ngày 29.6.2021, UBND tỉnh ra Quyết định (số 1782) về thanh lý rừng trồng bị thiệt hại do thiên tai năm 2020 tại xã Bình Nam.
Theo đó gần 9ha rừng trồng tái tạo bằng nguồn vốn thu được từ tận thu sản phẩm rừng dự án PAM không thành rừng do nguyên nhân bất khả kháng. Chủng loại cây trồng chủ yếu là keo lưỡi liềm, trồng năm 2010. UBND huyện Thăng Bình có trách nhiệm chỉ đạo UBND xã Bình Nam và các phòng ban liên quan lập thủ tục bán đấu giá lâm sản tận thu trên diện tích rừng trồng thanh lý; xây dựng phương án trồng lại rừng năm 2021 theo tiêu chí rừng phòng hộ.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND xã Bình Nam - Phạm Công Quốc cho biết, ngày 6.7, đơn vị tổ chức thực hiện đấu giá tài sản mới ra thông báo công khai đấu giá thanh lý gỗ. Hiện nay vẫn còn trong thời gian mời các tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá.
“Chưa bao giờ chính quyền lại lo lắng về nguy cơ cháy rừng phòng hộ trên đất cát ven biển như mùa khô năm nay, bởi thực tế địa bàn đã xảy ra một số vụ cháy. Chính quyền sẽ cắt cử cán bộ giám sát việc tận thu gỗ thanh lý và xử lý thực bì trước khi chuẩn bị trồng rừng thay thế” - ông Phạm Công Quốc nói.
Lý giải việc huyện Thăng Bình chậm thanh lý gỗ thiệt hại so với TP.Tam Kỳ và Núi Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lê Tự Tuấn khẳng định, do thời điểm quyết định thanh lý thì các quy định hướng dẫn khai thác gỗ thanh lý của Bộ NN&PTNT có thay đổi nên Thăng Bình phê duyệt chậm hơn một số địa phương khác. Tuy nhiên, đến nay tỉnh đã cho phép Thăng Bình thanh lý gỗ thiệt hại do thiên tai.