Doanh nghiệp đầu tư vào vùng sâm
Cùng với hơn 2.000 hộ trồng sâm ở 7 xã của huyện Nam Trà My, hiện có hơn 20 doanh nghiệp thuê môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh.
Hỗ trợ sản xuất
Công ty TNHH Tân Nghĩa Sơn tham gia thuê môi trường rừng và trồng sâm Ngọc Linh tại thôn 2, xã Trà Linh gần 5 năm nay. Với diện tích hơn 10ha, mỗi năm công ty gieo ươm, trồng mới hơn 10.000 cây sâm các loại. Mặc dù tiếp cận với một lĩnh vực hoàn toàn mới, song nhận thấy giá trị kinh tế cao mà cây sâm Ngọc Linh mang lại nên công ty đang đầu tư mở rộng diện tích trồng, hợp đồng với nhiều thanh niên Xê Đăng bản địa để giữ rừng, chăm sóc sâm.
Ông Phạm Quốc Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Tân Nghĩa Sơn cho biết: “Việc trồng sâm vừa tạo điều kiện cho bà con thấy được giá trị kinh tế, nâng cao thu nhập, vừa giữ gìn và bảo tồn diện tích rừng già hiện có. Tham gia trồng sâm, công ty đã giải quyết được việc làm cho 20 lao động, với mức lương ổn định 4 - 5 triệu đồng/người/tháng”.
Còn Công ty TNHH MTV Sâm Sâm, không chỉ mở rộng diện tích vùng trồng sâm 100ha tại xã Trà Linh, đơn vị này còn đầu tư nhà máy hiện đại để nghiên cứu nhân giống cây sâm và sản xuất dược phẩm có nguồn gốc từ sâm Ngọc Linh.
Sâm Sâm đã đưa vào sử dụng Trung tâm Công nghệ sinh học với diện tích 5ha tại Khu công nghiệp Tam Thăng, tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng. Trung tâm này có nhiệm vụ nhân giống cây sâm Ngọc Linh với quy mô sản xuất mỗi năm có thể lên đến 5 triệu cây giống.
Ngoài ra, thực hiện chiết xuất cao dược liệu, sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe và dược phẩm có nguồn gốc từ sâm Ngọc Linh với quy mô 40 tấn sản phẩm/năm. Công ty TNHH MTV Sâm Sâm đang hướng tới mục tiêu phục vụ cho ngành công nghiệp sâm không chỉ của tỉnh Quảng Nam mà cả nước.
Ông Nguyễn Đức Lực - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Sâm Sâm cho hay, bên cạnh nhân giống cây sâm Ngọc Linh bằng phương pháp nuôi cấy mô, công ty còn bảo tồn nguồn gen quý của cây sâm này tại vùng trồng và triển khai quy trình trồng sâm theo phương pháp khoa học.
“Khép kín từ nuôi cấy trong phòng thí nghiệm đến việc chăm sóc, di thực ra vùng trồng, kiểm soát dịch bệnh, dinh dưỡng… để cho cây sâm sinh trưởng và phát triển như cây sâm nhân giống tự nhiên. Phương pháp này sẽ giúp giải bài toán chủ động được nguồn giống cho các vùng trồng sâm quy mô công nghiệp. Hỗ trợ người dân mở rộng diện tích sản xuất, kiểm soát dịch bệnh, nâng cao năng xuất lao động phục vụ đời sống con người” - ông Lực chia sẻ.
Vươn tầm thế giới
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nhận định, trồng sâm để giữ rừng, giải quyết việc làm tại chỗ cho đồng bào thiểu số, nghiên cứu đưa khoa học công nghệ để chủ động nguồn giống, bảo tồn gen giống sâm Ngọc Linh quý hiếm,… được coi là hiệu quả ban đầu mà các doanh nghiệp tham gia phát triển sâm Ngọc Linh. Tại huyện Nam Trà My có hơn 20 doanh nghiệp đã và đang trồng cây sâm này, giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động địa phương.
Ngoài ra, có nhiều doanh nghiệp sản xuất những sản phẩm cao cấp từ sâm Ngọc Linh, liên kết với doanh nghiệp nước ngoài cùng nghiên cứu phát triển sâm. Các doanh nghiệp còn hợp tác nghiên cứu với các nhà khoa học của Nga, Nhật, Hàn Quốc, Canada, đưa ra những dòng sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu hiện nay trên thị trường Việt Nam. Điều này sẽ giúp Quảng Nam có định hướng chiến lược hơn trong phát triển sâu về ngành công nghiệp sâm Ngọc Linh trong giai đoạn tiếp theo.
Ông Hồ Quang Bửu cho biết, tỉnh đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị xây dựng và phê duyệt “Chương trình quốc gia phát triển Sâm Ngọc Linh - Sâm Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng đến 2045”. Với kỳ vọng, từ năm 2025 - 2030, Quảng Nam phấn đấu trở thành trung tâm giống sâm Ngọc Linh quốc gia, có 50 - 100 doanh nghiệp đầu tư trồng sâm, dược liệu và chế biến sản phẩm, đón 5 - 10 triệu lượt khách đến tham quan vùng sâm, thu nhập bình quân đầu người từ 3.000 - 4.000 USD/năm.
“Để làm được điều này, ngoài sự vào cuộc của Chính phủ, tỉnh Quảng Nam và người dân trồng sâm, cũng cần có sự tham gia tích cực, trách nhiệm cao của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh… Chính sự vào cuộc tích cực và bằng nhiều chiến lược của mình, các doanh nghiệp sẽ tạo nên sự chuyển dịch lớn trong phát triển cây sâm Ngọc Linh, chung tay đưa sản phẩm sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam xứng tầm “quốc bảo”, vươn ra thị trường thế giới” - ông Bửu nói.