Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Thường xuyên kiểm tra, giám sát

TRẦN HỮU 30/06/2021 07:36

Quảng Nam và một số địa phương khác trong cả nước đang đứng trước cơ hội có thêm nguồn lực tài chính đáng kể từ mở rộng đối tượng chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Để quản lý, sử dụng nguồn tiền này có hiệu quả, cần xây dựng bản đồ chi trả, thường xuyên giám sát và cập nhật diễn biến trạng thái rừng.

Tuần tra, kiểm tra rừng trong Vườn quốc gia Sông Thanh. Ảnh: H.P
Tuần tra, kiểm tra rừng trong Vườn quốc gia Sông Thanh. Ảnh: H.P

Quản lý rừng bền vững

Năm 2017, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 42 để khuyến khích các tổ chức doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân thuê môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh. Tại huyện Nam Trà My, sau hơn 3 năm triển khai nghị quyết, đến nay có 15 doanh nghiệp thuê 286,3ha đất rừng để trồng sâm Ngọc Linh; 453 hộ gia đình, cá nhân ở 6 xã Trà Linh, Trà Leng, Trà Cang, Trà Nam, Trà Dơn và Trà Tập thuê gần 429ha rừng. Nếu so với quy hoạch diện tích trồng 40.000ha, thì diện tích thực tế thuê môi trường rừng là không lớn.

88 công ty lâm nghiệp được hưởng lợi chính sách DVMTR

Theo thống kê, cả nước có 88 công ty lâm nghiệp được hưởng lợi từ chính sách DVMTR. Nguồn tiền DVMTR chi trả cho các công ty lâm nghiệp là từ dịch vụ sản xuất thủy điện được chi trả ủy thác từ Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng của tỉnh theo hình thức chi trả gián tiếp. Nhiều công ty dùng tiền DVMTR để khoán bảo vệ rừng cho các hộ dân hoặc cộng đồng gần rừng. Giai đoạn 2011 - 2020, tổng số tiền DVMTR đã trả cho các công ty lâm nghiệp là 1.617 tỷ đồng (bình quân mỗi năm khoảng 160 tỷ đồng). Mỗi công ty hàng năm nhận được tiền DVMTR dao động từ vài trăm triệu đồng đến 5 tỷ đồng.

Tại Quảng Nam, hiện không còn mô hình hoạt động của công ty lâm nghiệp, thay vào đó là các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên. Tuy nhiên, vướng mắc của phần lớn địa phương là vẫn còn xảy ra tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai giữa công ty lâm nghiệp và người dân địa phương, trong khi việc cắm mốc thực địa diện tích rừng của chủ rừng chưa được triển khai đồng bộ, dẫn đến khó khăn trong quá trình chi trả DVMTR.

Theo UBND huyện Nam Trà My, địa phương gấp rút quy hoạch chi tiết vùng trồng sâm, phân định rõ ràng khu vực trồng sâm của người dân và các tổ chức để không bị chồng chéo, dẫn đến tranh chấp khi thực hiện dự án. Khi thuê môi trường rừng có nhiều cái lợi, đó là hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp phát triển dược liệu dưới tán rừng; Nhà nước có thêm nguồn lực để phục hồi, bảo tồn đa dạng hệ sinh thái rừng.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ nguồn tiền chi trả DVMTR cộng với các nguồn lực khác, bình quân hàng năm Quảng Nam đầu tư khoảng 100 tỷ đồng để tổ chức bảo vệ, cung ứng DVMTR với diện tích chiếm 65% diện tích rừng tự nhiên của tỉnh.

Một cơ hội lớn là mới đây Chính phủ đã đồng ý cho Quảng Nam thí điểm kinh doanh tín chỉ các-bon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua dự án hoạt động chống mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng (REDD+).

Các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên, đơn vị, tổ chức, cá nhân trồng rừng… sẽ được hưởng lợi khi tham gia thị trường các-bon rừng. Bởi các chủ rừng này có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý ra lượng hấp thụ khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính. Giá giao dịch thông thường của thị trường quốc tế theo thời điểm hiện tại là 5 USD/tấn CO2. Theo tính toán, mỗi năm Quảng Nam có thể thu về khoảng 5 triệu USD từ việc bán tín chỉ các-bon rừng.

Hiện nay, có 5 công ty nước ngoài đăng ký mua lại giấy phép/tín chỉ các-bon rừng. Ước tính nếu kinh doanh tín chỉ các-bon rừng, bình quân mỗi năm sẽ mang lại cho tỉnh nguồn thu từ 110 - 130 tỷ đồng, cao hơn nguồn thu DVMTR hiện nay. Sở NN&PTNT cho rằng, khi kinh doanh tín chỉ các-bon rừng, miền núi sẽ hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, đồng thời quản lý bền vững tài nguyên rừng.

Đưa chủ rừng vào diện giám sát

Trong kế hoạch phát triển lâm nghiệp tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, điểm đáng chú ý là cơ chế DVMTR được triển khai đồng thời với chương trình phát triển sinh kế bản địa. Thực tế, hộ gia đình, cá nhân có nguồn thu nhập không đáng kể  từ DVMTR. Nguyên nhân chủ yếu là đơn giá chi trả cho một héc ta rừng ở một số địa phương thấp và phần lớn các hộ gia đình đều có ít rừng. Không ít bất cập của chính sách đã phát sinh trong quá trình thực hiện.

Tại các huyện miền núi, chủ rừng là các ban quản lý, khu bảo tồn thiên nhiên nắm giữ diện tích khá lớn trong khi việc cắm mốc diện tích rừng của chủ rừng chưa thực hiện được nhiều nên gặp khó khăn trong việc xác định chính xác diện tích rừng của từng chủ rừng làm căn cứ chi trả tiền DVMTR.

Các ban quản lý rừng đã thực hiện khoán rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân từ lâu, có bản đồ, nhưng không được cập nhật thường xuyên dẫn đến có sai khác diện tích so với thực tế. Vướng mắc nữa là nhiều ban quản lý rừng phòng hộ, khu bảo tồn thiên nhiên chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao đất, giao rừng, nên phải hoàn thiện hồ sơ, báo cáo giải trình làm cơ sở chi trả tiền DVMTR  mất nhiều thời gian.

Trong các giải pháp thực hiện DVMTR, ngành lâm nghiệp tỉnh đề xuất cần ứng dụng công nghệ viễn thám, công nghệ thông tin để cập nhật diễn biến rừng, phục vụ trực tiếp xác định diện tích rừng được chi trả tiền DVMTR hàng năm. Xây dựng bản đồ chi trả DVMTR, tổ chức chi trả và giám sát đánh giá rừng. Ứng dụng hệ thống WebGIS dùng trong công tác thu thập dữ liệu và báo cáo tuần tra, bảo vệ rừng, báo cáo giám sát. Điều quan trọng, để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách cần công khai, minh bạch, giảm bớt rủi ro và phòng chống tiêu cực trong chi trả DVMTR.

Hàng quý trong năm, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng đều đưa các chủ rừng vào diện giám sát. Đơn cử năm 2020, lực lượng chức năng phối hợp với Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh triển khai 2 đợt giám sát trực tiếp chi trả tiền DVMTR tại các xã Sông Kôn, Zơ Ngây, thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Giang; xã Tà Lu, thuộc Ban Quản lý Khu bảo tồn loài Sao La. 

Ông Huỳnh Đức - Giám đốc Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh cho biết, để có căn cứ xác định diện tích chi trả DVMTR, đơn vị phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hạt kiểm lâm các địa phương huyện, đơn vị chủ rừng, UBND các xã hỗ trợ cập nhật biến động rừng trong vùng chi trả DVMTR để làm cơ sở thanh toán tiền DVMTR. “Kiểm tra, giám sát, cập nhật diễn biến rừng thường xuyên là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của đơn vị, nhờ đó mà kịp thời phát hiện, đưa ra biện pháp khắc phục với các chủ rừng, đối tượng nếu để xảy ra sai sót” - ông Đức nói.

Khó khăn trong thanh toán qua hệ thống điện tử

Theo Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Việt Nam, trong 10 năm (2011 - 2020), tổng số tiền chi trả DVMTR đạt 16.758 tỷ đồng, chiếm 18,2% so với tổng đầu tư vào ngành lâm nghiệp. Diện tích rừng được nhận tiền DVMTR tăng từ gần 1,4 triệu héc ta  năm 2011 đến năm 2020 là hơn 6,8 triệu héc ta (rừng đặc dụng chiếm 18,8%, rừng phòng hộ 40,5%, rừng sản xuất 40,7%). Đối tượng được hưởng lợi DVMTR là hộ gia đình, cộng đồng, tổ chức nhận khoán bảo vệ rừng.

Báo cáo tổng kết 10 năm (2011 - 2020) thực hiện chính sách chi trả DVMTR và định hướng 2021 -2030 của Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Việt Nam cho thấy, từ năm 2019 đến tháng 6.2020, có 21.246 hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng, nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng chiếm 42% tổng số hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng, nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng được chi trả tiền DVMTR đã mở tài khoản với số tiền 899 tỷ đồng (chiếm 61% tổng số tiền).

Việc trả tiền qua tài khoản góp phần chi trả nhanh, kịp thời, minh bạch, giảm rủi ro, được người dân và cộng đồng ủng hộ. Tuy nhiên việc mở tài khoản và rút tiền qua tài khoản ở các địa phương miền núi gặp khó khăn. Nhiều gia đình không thể mở được tài khoản do ở vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí thấp. Thời điểm này chưa triển khai thanh toán DVMTR qua hệ thống điện tử (ATM, mobile banking, Viettel Pay...), mà chủ yếu qua bưu điện, hoặc chi trả trực tiếp bằng tiền mặt. 

TRẦN HỮU