Sinh kế bền vững dưới tán rừng
Từ nguồn vốn vay đầu tư cho lĩnh vực môi trường, nhiều khu rừng ở dãy Trường Sơn đã được bảo tồn hành lang đa dạng sinh học, vừa tạo không gian sinh kế rộng lớn cho người dân bản địa.
Trồng dược liệu dưới tán rừng
Nhiều cánh rừng ở vùng cao Tây Giang gần như còn nguyên vẹn, ít bị tác động bởi con người. Theo thống kê, địa phương này còn ít nhất 92.000ha rừng già. Từ hơn 10 năm nay, Tây Giang được biết đến là “điểm sáng” điển hình của cả tỉnh về hiệu quả bảo vệ rừng, bởi nơi đây mỗi người dân là một “kiểm lâm viên”.
Ngoài hương ước giữ rừng thiêng, hiệu quả bảo vệ rừng của Tây Giang là xác lập phạm vi ranh giới quy hoạch rừng rất rõ ràng. Các khu vực nằm trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt, hầu như không để xảy ra tình trạng mất rừng.
Từ các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Tây Giang tập trung ổn định sinh kế lâu dài cho người dân. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Giang - Trần Văn Ta cho biết, từ Quyết định 2950 của UBND tỉnh, chương trình 135, 30a, nông thôn mới…, đến nay các mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng góp phần giảm nghèo cho địa phương.
Thống kê cho thấy, diện tích trồng cây dược liệu khác ngoài ba kích, đảng sâm hơn 163ha, trong đó sả chanh 24,4ha, táo mèo 89ha, đinh lăng 49,7ha.
“Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tạo điều kiện để người dân làm chủ rừng, sống và làm giàu từ rừng. Muốn vậy, cần làm tốt công tác giao đất lâm nghiệp, giao rừng cho cộng đồng, nhóm hộ để quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế rừng, hạn chế đốt nương làm rẫy” - ông Ta nói.
Sau khi có được nguồn vốn vay ODA từ dự án “Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học tiểu vùng Mê Kông mở rộng, giai đoạn 2” (dự án BCC), UBND tỉnh đã điều chỉnh, quy hoạch lại 3 loại rừng tại xã Chơ Chun (Nam Giang) và các xã Lăng, A Xan, Ga Ri (Tây Giang) để tổ chức triển khai mô hình rừng cộng đồng.
Chính quyền hai địa phương này đẩy nhanh tiến độ đo đạc, điều tra lập địa, lập thủ tục hồ sơ cấp hơn 200 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình và cộng đồng tham gia dự án.
Theo Sở NN&PTNT, từ các chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 75 năm 2015 của Chính phủ, Quyết định số 38 của Thủ tướng, dự án KFW10 do Chính phủ Đức tài trợ, dự án Trường Sơn Xanh, dự án BBC, đến nay có ít nhất 30.000 hộ dân khu vực miền núi được hưởng lợi thông qua công tác giao khoán, phát triển rừng, các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ.
Thiết lập hành lang xanh
Kết nối sinh cảnh tạo ra không gian đủ rộng để bảo tồn hệ sinh thái rừng là nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho dự án BBC tại Quảng Nam. Nguồn vốn vay này tạo điều kiện cho công tác bảo tồn loài mục tiêu vượn má vàng Trung Bộ; đồng thời là cơ hội để UBND tỉnh thành lập Khu dự trữ thiên nhiên Ngọc Linh.
Khu dự trữ thiên nhiên Ngọc Linh nằm trên địa phận các xã Trà Linh, Trà Cang, Trà Tập, Trà Dơn và Trà Leng của huyện Nam Trà My, có tổng diện tích hơn 14.800ha; trong đó hơn 5.300ha là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, diện tích còn lại thuộc phân khu phục hồi sinh thái.
Theo ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Khu dự trữ thiên nhiên Ngọc Linh được thành lập với mục tiêu bảo vệ, duy trì và phát triển toàn vẹn hệ sinh thái rừng tự nhiên; bảo tồn các loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm.
Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học liên quan đến các vấn đề như tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng, tài nguyên động thực vật, tính đa dạng sinh học, bảo tồn các nguồn gen quý hiếm. Hướng đến đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đệm bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống góp phần xóa đói giảm nghèo. Tiến hành giao khoán và thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Từ việc lồng ghép dự án bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý bền vững cảnh quan Trung Trường Sơn, các địa phương đã khoanh vùng được phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, xác lập hành lang xanh.
Tại các huyện Nam Trà My, Tây Giang, Nam Giang, từ các mô hình dự án cộng đồng, người dân đã đầu tư trồng cây dược liệu dưới tán rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ, phát triển các mô hình nâng cao chuỗi sản xuất nông - lâm nghiệp. Sở TN-MT đánh giá, các dự án lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý bền vững cảnh quan Trung Trường Sơn đã thúc đẩy phục hồi hệ sinh thái cũng như tạo sinh kế ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đặc biệt hai huyện Nam Giang và Tây Giang.