Cần có chính sách trồng rừng lấy gỗ làm nhà

NGUYỄN TRẦN 24/05/2021 08:16

Quảng Nam mới hỗ trợ tượng trưng bước đầu cho người dân miền núi trồng rừng lấy gỗ làm nhà, tuy nhiên để chính sách này mang tính đột phá cần có nguồn lực, kế hoạch đầu tư theo lộ trình.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu kiểm tra vườn ươm cây giống tại Vườn quốc gia Sông Thanh.Ảnh: H.P
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu kiểm tra vườn ươm cây giống tại Vườn quốc gia Sông Thanh.Ảnh: H.P

Hồi năm ngoái, nhân dịp Vườn quốc gia Sông Thanh ra mắt lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, Sở NN&PTNT phối hợp với chủ rừng hỗ trợ cây giống (xoan) tượng trưng cho các hộ dân tại địa bàn huyện Nam Giang trồng rừng lấy gỗ làm nhà.

Ông Đinh Văn Hồng – Giám đốc Vườn quốc gia Sông Thanh cho biết, 400 nghìn cây xoan giống có nguồn gỗ từ tỉnh Bắc Cạn, đơn vị đã cấp đầy đủ cho người dân các huyện miền núi trồng để 8 năm sau có thể khai thác lấy gỗ tại chỗ làm nhà.

“Hiện nay, chúng ta vẫn chưa có văn bản, có chế hỗ trợ trồng rừng lấy gỗ làm nhà. Mọi việc chỉ mới ở ý tưởng ban đầu, nhưng đồng bào rất phấn khởi và ủng hộ cao. Do đó, chủ rừng mong muốn cần có một đề án hỗ trợ trồng cây lấy gỗ làm nhà cho người dân các huyện trung du, miền núi tỉnh giai đoạn sắp tới và được HĐND tỉnh thông qua chủ trương tương tự như Nghị quyết 46 ngày 6.12.2018 quy định mức chi hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên giai đoạn 2019 – 2020” – ông Hồng nói.

Cũng theo ông Hồng, năm nay Vườn quốc gia Sông Thanh đầu tư 200 - 300 cây lim xanh con có thể phục vụ cho mục đích trồng lấy gỗ làm nhà.

 Ngành lâm nghiệp đề xuất, với hình thức trồng cây phân tán đề nghị hỗ trợ mỗi hộ tối thiểu 100 cây giống/năm; đối với phương thức trồng tập trung tại các ban quản lý rừng, đăng ký theo kế hoạch trồng rừng, quỹ đất hiện có và khả năng cân đối nguồn vốn thực hiện. Các địa phương sẽ quyết định và chịu trách nhiệm về chủng loại cây hỗ trợ cho phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng đặc thù.

Trong khi đó, hưởng ứng phát động của Thủ tướng về trồng 1 tỷ cây xanh, theo kế hoạch, giai đoạn 2021 – 2025, Quảng Nam dự kiến trồng 51,6 triệu cây chiếm phần lớn cây xanh phân tán ở các khu đô thị, vùng nông thôn, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng trồng sản xuất. Việc trồng cây xanh khu vực nông thôn nhằm mục tiêu kết hợp chức năng tạo cảnh quan, đa dạng sinh học với lấy gỗ làm nhà.

Các giống cây lâm nghiệp trồng lấy gỗ làm nhà như gáo vàng, đàn hương, sưa, giổi xanh, tếch, quế, dó bầu, trẩu, xoan ta, keo tai tượng Úc… Sở NN&PTNT cho biết, kế hoạch trồng cây xanh phân tán lẫn tập trung giai đoạn 2021 – 2025 của tỉnh nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, và quan trọng giải quyết nhu cầu gỗ làm nhà cho người dân địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định, trồng rừng lấy gỗ làm nhà cho người dân miền núi là chủ trương rất nhân văn, được các địa phương và người dân đồng thuận cao. Sắp tới, khi triển khai đồng bộ chính sách trồng rừng lấy gỗ làm nhà thì áp lực phá rừng, xâm hại rừng tự nhiên tại miền núi sẽ giảm.

NGUYỄN TRẦN