Nhiều mối đe dọa rừng

TRẦN HỮU 24/05/2021 06:41

Không ít diện tích rừng tự nhiên dần biến mất bởi người dân lấn chiếm làm không gian sinh kế; và thời tiết nắng nóng cực đoan gây nên các vụ cháy rừng gây thiệt hại đáng kể.

Vụ cháy rừng vào mùa khô năm ngoái thiêu rụi hơn 33ha rừng phòng hộ xã Mà Cooih (Đông Giang). Ảnh: H.P
Vụ cháy rừng vào mùa khô năm ngoái thiêu rụi hơn 33ha rừng phòng hộ xã Mà Cooih (Đông Giang). Ảnh: H.P

Chính sách rừng chưa hấp dẫn

Làng Pà Rum B, xã Zuôih (Nam Giang) nằm vắt vẻo giữa đại ngàn Trường Sơn. Ông Bnướch Tia (dân của làng) bảo, sau hơn 5 năm nhường đất xây dựng thủy điện Sông Bung, ra làng mới sinh sống tới bây giờ dần ổn định, nhưng phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số ở đây vẫn chưa thoát khỏi hộ nghèo.

Trước đây, mỗi hộ được bố trí 1,5ha đất tái định cư nhưng đất quá xấu không canh tác hết diện tích. Vì vậy, người dân vẫn bám rừng tự nhiên để khai thác mây, đót, mật ong, lâm sản phụ.

Thôn Pà Rum B có hơn 80 hộ, nhưng ít nhất có 10 hộ nghèo bỏ hoang đất sản xuất đã cấp vì đất quá cằn cỗi, khó cải tạo. Theo Ban Dân tộc tỉnh, thiếu đất sản xuất là một trong những nguyên nhân khiến rừng tự nhiên bị xâm hại.

Thời gian qua, các huyện Bắc Trà My, Nam Giang, Nam Trà My, Phước Sơn… dai dẳng tình trạng phá rừng phòng hộ để lấy đất sản xuất. Người dân miền núi sống dựa vào cây keo nguyên liệu, nhưng diện tích trồng keo của các nông hộ nhỏ bắt đầu có xu hướng lấn vào rừng phòng hộ.

Theo Quyết định số 38 của Thủ tướng Chính phủ, hộ gia đình được hỗ trợ trồng rừng tối đa là 8 triệu đồng/ha (đối với rừng trồng gỗ lớn trên 10 năm) và 5 triệu đồng/ha (đối với rừng trồng dưới 10 năm). Trong khi đó, theo đơn giá trồng rừng hiện nay, tổng chi phí tăng lên hơn 30 triệu đồng/ha/7 năm.

Thiếu vốn đầu tư, các hộ phải đi vay ngân hàng để bù lại phần kinh phí trồng rừng còn thiếu. Thêm vào đó chính sách bảo hiểm trong trồng cây lâm nghiệp chưa triển khai. Chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 75 của Chính phủ chỉ hỗ trợ một phần tài chính, chứ không thể giúp người dân ổn định đời sống. Ước tính với mức hỗ trợ bình quân 400 nghìn đồng/ha/năm, nếu mỗi hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng tối đa 30ha thì chỉ nhận được 12 triệu đồng/năm.

“Giặc lửa” tàn phá

Quảng Nam nằm trong vùng “cảnh báo đỏ”

Trong Công điện (số 568, ngày 11.5.2021) của Tổng cục Lâm nghiệp về phòng cháy chữa cháy rừng mới đây, thì Quảng Nam là địa phương đối mặt với nguy cơ cháy rừng rất cao, cùng với tỉnh Hòa Bình, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và  Đà Nẵng. Điểm lưu ý của công điện này là yêu cầu các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn phải thực hiện đăng ký thời gian đốt xử lý thực bì trồng rừng và đốt nương làm rẫy tại UBND cấp xã (trưởng thôn, kiểm lâm địa bàn) để theo dõi, chỉ đạo nhằm kiểm soát quá trình sử dụng lửa trong xử lý đốt thực bì.

Chưa vào cao điểm mùa khô nhưng khu vực ven biển đến vùng trung du của tỉnh đã xảy ra nhiều vụ cháy rừng. Mới nhất là vụ cháy rừng thông ở xã Duy Hòa (Duy Xuyên) xảy ra chiều 18.5. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ cùng người dân được huy động nhưng phải mất hơn 10 tiếng đồng hồ mới có thể khống chế ngọn lửa. Vào đầu mùa khô năm ngoái, một vụ cháy rừng phòng hộ nghiêm trọng cũng xảy ra tại xã Mà Cooih (Đông Giang), đã thiêu rụi toàn hộ hệ sinh thái rừng phòng hộ với diện tích hơn 33ha.

Số liệu của ngành kiểm lâm thể hiện, năm 2020, toàn tỉnh xảy ra ít nhất 12 vụ cháy rừng gây thiệt hại hơn 77,6ha. Ông Từ Văn Khánh – Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, cháy rừng còn gây hậu quả nghiêm trọng hơn chặt đốn cây lấy gỗ.

Bởi, khi cháy lớn xuất hiện tại các cánh rừng nguyên sinh, nếu chậm khống chế có thể mất đi hàng trăm héc ta rừng có tuổi đời cả trăm năm, hệ sinh thái khu vực hầu như khó phục hồi, tái sinh. Việc khắc phục tốn nhiều tiền của, công sức và hậu quả nặng nề hơn là làm giảm hoặc mất đi khả năng hấp thụ khí cac-bon (CO2), lọc không khí của rừng.

Ở phạm vi quốc gia, giai đoạn 2009 - 2018, “giặc lửa” đã thiêu rụi gần 22 nghìn héc ta rừng. Các tháng cao điểm mùa khô hạn, đã đặt nhiều khu rừng trong tình trạng cảnh báo ở cấp cực kỳ nguy hiểm. Trong khi đó, lo ngại nhất hiện nay là năng lực dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng theo các cấp dự báo cháy còn rất nhiều hạn chế. Dụng cụ, thiết bị dập lửa còn thô sơ, phụ thuộc quá lớn vào lực lượng phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp. Trong khi đó, người dân còn thói quen đốt rừng, nương rẫy và địa phương, chủ rừng khó kiểm soát nguồn phát lửa trong các chuyến đi rừng.

TRẦN HỮU