Phòng chống cháy rừng phòng hộ ven biển
Những ngày qua, ông Nguyễn Quang Vinh (trú thôn Đông Tác, xã Bình Nam, huyện Thăng Bình) thường xuyên kiểm tra khu vực rừng ven biển. Ông cho biết, cây keo ngã đổ vào mùa mưa năm trước quá nhiều, chưa được dọn dẹp, có thể xảy ra cháy bất cứ lúc nào.
“Cây ngã đổ nằm ngổn ngang, lá khô quá nhiều nên nguy cơ cháy rất cao. Đã có một vài vụ cháy xảy ra ở các cánh rừng ven biển huyện Thăng Bình” - ông Vinh nói. Mới đây, Phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình lập đoàn kiểm tra, qua đó ghi nhận khoảng 500ha rừng trồng trên địa bàn bị gãy đổ do ảnh hưởng của mưa bão vào cuối năm 2020.
Ông Nguyễn Ngọc Nguyên - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam cho biết, trên địa bàn huyện Thăng Bình gần đây xảy ra 2 vụ cháy rừng ven biển gây thiệt hại nhiều diện tích rừng trồng.
“Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam đã tham mưu huyện Thăng Bình xây dựng kế hoạch về công tác phòng cháy chữa cháy rừng, đến nay đã ban hành. Để nâng cao nhận thức cho người dân, chúng tôi tăng cường tổ chức tuyên truyền lưu động. Hiện nay mỗi tuần đều triển khai phương tiện tuyên truyền lưu động; lực lượng kiểm lâm cũng đến nhiều cụm dân cư để tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng” - ông Nguyên nói.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam, tổng diện tích rừng trồng ven biển trên địa bàn tỉnh hiện nay khoảng 5.600ha, tập trung tại các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành, TP.Hội An và TP.Tam Kỳ. Huyện Thăng Bình là một trong những địa phương ven biển có diện tích rừng trồng nhiều nhất (2.944ha).
Ông Hà Phước Phú - Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng (Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam) cho biết, để thực hiện có hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy rừng ven biển, Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam yêu cầu các đơn vị trực thuộc tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các công điện,văn bản chỉ đạo về phòng cháy chữa cháy rừng các cấp; củng cố các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng; chủ động nâng cao năng lực, xử lý kịp thời, hiệu quả công tác phòng và chữa cháy rừng. Trong những ngày nắng nóng kéo dài, nguy cơ cháy rừng cao cần bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ, kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng và hoạt động sử dụng lửa trong và gần rừng; không đốt xử lý thực bì trong suốt thời gian nguy cơ cháy rừng cao.