Áp lực giữ rừng tự nhiên

TRẦN HỮU 18/02/2021 06:14

Ngành nông nghiệp vừa xác định những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2021, trong đó tập trung xử lý triệt để các hành vi xâm hại tài nguyên rừng trong dịp trước, trong và sau Tết Tân Sửu 2021.

Phát triển mạnh rừng trồng gỗ lớn phục vụ chế biến là chủ trương được ngành lâm nghiệp tiếp tục quan tâm trong năm 2021. Ảnh: H.P
Phát triển mạnh rừng trồng gỗ lớn phục vụ chế biến là chủ trương được ngành lâm nghiệp tiếp tục quan tâm trong năm 2021. Ảnh: H.P

Rừng vẫn bị xâm hại

Năm 2020, Chi cục Kiểm lâm tỉnh và Công an tỉnh lập hồ sơ 55 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, tịch thu 125m3 gỗ các loại, tạm giữa 21 xe ô tô vi phạm. Còn hạt kiểm lâm các huyện, công an huyện, các ban quản lý rừng, UBND xã) lập hồ sơ 516 vụ vi phạm lâm nghiệp, tịch thu hơn 400m3 gỗ các loại; tạm giữ 36 ô tô và 22 xe máy tham gia vận chuyển gỗ lậu.

Năm 2020, ngành lâm nghiệp đối mặt với các thách thức như để một số nơi xảy ra cháy rừng tự nhiên, khai thác gỗ trái pháp luật. Trong đó, tình trạng cháy hơn 33,2ha rừng tự nhiên tại tiểu khu 160, xã Mà Cooih (Đông Giang); khai thác rừng tự nhiên trái pháp luật xảy ra tại các huyện Bắc Trà My, Phước Sơn. Thêm vào đó, nạn phá rừng để trồng rừng, phát rừng làm nương rẫy vẫn tái diễn tại các huyện Hiệp Đức, Núi Thành, Thăng Bình, Đông Giang, Nông Sơn.

Ông Trần Văn Thu - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam nói, nhiều vụ vi phạm chậm phát hiện và không phát hiện quả tang đối tượng vi phạm nên công tác điều tra, xác minh truy tìm đối tượng mất nhiều thời gian, gây khó khăn đối với cơ quan kiểm lâm và cơ quan cảnh sát điều tra. Đây là lý do khiến nhiều vụ buộc phải tạm đình chỉ điều tra và số vụ đưa ra xét xử còn ít. Chi cục Kiểm lâm tỉnh thống kê, năm 2020, có 17 vụ vi phạm lâm luật có dấu hiệu hình sự nhưng chưa khởi tố do các chứng cứ để xác định thiệt hại còn mơ hồ. Trong đó, Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam 2 vụ, Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam 10 vụ; Hạt Kiểm lâm Nam Trà My 2 vụ; Hạt Kiểm lâm Đông Giang 3 vụ.

Theo cơ quan kiểm lâm, phần lớn các vụ vi phạm do chủ rừng lập hồ sơ đều không phát hiện đối tượng vi phạm, chỉ xử lý tịch thu tang vật vô chủ; nhiều vụ vi phạm về khai thác rừng xảy ra trên diện tích rừng giao khoán (từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99, Nghị định 75 của Chính phủ). Bất cập hiện nay là các tổ chức được giao rừng không có phương án quản lý rừng bền vững theo quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý rừng, việc xử lý trách nhiệm khi để xảy ra mất rừng còn thiếu triệt để. Trong khi đó, áp lực của miền núi là nhu cầu gỗ làm nhà rất lớn. Mặt khác, hoạt động canh tác nương rẫy, chuyển đất canh tác nương rẫy sang trồng cây nguyên liệu cũng là nguyên nhân gây áp lực lên nguồn tài nguyên rừng.

Nhiệm vụ then chốt

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Minh Hưng cho biết, ngành phối hợp với Bộ NN&PTNT xây dựng quy hoạch lâm nghiệp quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 và tiểu dự án phát triển sinh kế lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập người dân; quản lý quy hoạch 3 loại rừng. Xây dựng các đề án trình HĐND tỉnh, gồm Đề án quản lý rừng bền vững và thúc đẩy chứng chỉ rừng tỉnh giai đoạn 2021 - 2030; Đề án hỗ trợ trồng rừng sản xuất gỗ lớn giai đoạn 2021 - 2025; Đề án trồng cây phân tán và tập trung để lấy gỗ làm nhà cho nhân dân.

Đồng thời xây dựng và triển khai Đề án hình thành chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản, các sản phẩm lợi thế của các địa phương trong vùng; Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp và phát triển nông nghiệp, nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Theo các địa phương miền núi, Sở NN&PTNT cần sớm hoàn thiện cập nhật biến động rừng để phê duyệt công bố hiện trạng rừng năm 2020. Ngành nông nghiệp khẩn trương tập huấn, đào tạo sử dụng có hiệu quả trang thiết bị, phần mềm cảnh báo mất rừng, cháy rừng kết hợp công tác theo dõi diễn biến tài nguyên rừng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu yêu cầu, năm 2021 ngành nông nghiệp xây dựng kế hoạch tăng cường các biện pháp đẩy lùi tình trạng lấn chiếm đất rừng; xóa bỏ các “điểm nóng” về khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép để phấn đấu giảm 20% số vụ vi phạm và 50% số vụ không xác định được đối tượng so với năm 2020 theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 7657 ngày 28.12.2020. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch triển khai Nghị định số 102, ngày 1.9.2020 của Chính phủ về quy định hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam.

TRẦN HỮU