Trả lại rừng xanh
(Xuân Tân Sửu) - Nhiều cánh rừng bị biến mất - do chuyển đổi mục đích để xây dựng các nhà máy thủy điện - đã được phục hồi nhanh từ việc trồng rừng thay thế (TRTT). Màu xanh đang trở lại với... rừng.
Gây rừng tự nhiên
Tại huyện Phước Sơn, sự xuất hiện của nhiều nhà máy thủy điện (Đắk Mi 2, Đắk Mi, Đắk Mi 4) đã làm “biến mất” hàng trăm héc ta rừng tự nhiên. Nhà máy thủy điện Đắk Mi 4 có trách nhiệm đóng góp tài chính về Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh để TRTT diện tích hơn 96ha tại xã Phước Lộc (Phước Sơn).
Đầu năm 2015, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Mi lựa chọn cây giống bản địa (gồm lim xanh, lát hoa và sao đen) để TRTT với kinh phí hơn 9 tỷ đồng. Ngoài thủy điện Đắk Mi 4, các dự án thủy điện Đăk Mi 2, Đăk Mi 3 cũng nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh để chủ rừng TRTT tại các xã Phước Lộc, Phước Kim với diện tích 176ha.
Kết quả nghiệm thu cho thấy, diện tích TRTT ở lâm phận rừng phòng hộ Phước Sơn có tỷ lệ cây sống cao (bình quân hơn 75% so với mật độ thiết kế). Qua 4 năm trồng, tỷ lệ cây sống sau khi kết thúc chăm sóc năm đầu tiên đạt mức cao nhất với tỷ lệ 86,4%, trong khi kết thúc chăm sóc năm thứ tư đạt 77,8%.
Hơn 5 năm nay, khu rừng thay thế có diện tích 65ha ở khoảnh 3 và 6 tiểu khu 304 (xã Tà Bhing, Nam Giang) nằm trong lâm phận quản lý của Vườn quốc gia Sông Thanh sinh trưởng nhanh. Các loại cây bản địa sao đen, lim, lát hoa trồng vào năm 2014 hiện phát triển tốt.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, nhiều loại cây có chiều cao dưới 1m đối với rừng trồng năm thứ ba và năm thứ tư, tỷ lệ cây sống chiếm hơn 80%. Trước đây, nhiều cây chò TRTT tại Vườn quốc gia Sông Thanh bị chết, nên UBND tỉnh thống nhất cho phép trồng giặm bằng cây lim xanh. Đến nay, nhiều cây lim cao hơn 3m, tán lá rộng.
Theo Vườn quốc gia Sông Thanh, khu vực rừng trồng cây lim xanh phát triển mạnh từ giai đoạn 3 năm tuổi nhờ chủ đầu tư đã yêu cầu đơn vị thi công phát dọn thực bì, cộng với việc thường xuyên chăm sóc, không để cây bị chèn ép.
Ông Lê Tự Tuấn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho rằng, TRTT ở Nam Giang, Phước Sơn nhìn chung đảm bảo diện tích, chủng loại cây trồng phòng hộ. Mặc dù mới trồng với chu kỳ ngắn, nhưng tương lai các khu vực đã trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ nghiêm ngặt sẽ phục hồi nhanh hệ sinh thái, gây rừng tự nhiên, bảo vệ hiệu quả đất và mạch nước ngầm.
Trồng vượt diện tích
Giai đoạn 2013 – 2019, Vườn quốc gia Sông Thanh TRTT được 130ha rừng, riêng năm 2020 trồng 100ha. Các loại cây trồng bản địa phát triển tốt, góp phần đáng kể nâng cao độ che phủ rừng.
Ông Đinh Văn Hồng – Giám đốc Vườn quốc gia Sông Thanh nói: “Khu vực thi công trồng rừng đều nằm ở phân khu phục hồi sinh thái của rừng đặc dụng nhưng lại xa khu dân cư, nên chúng tôi kiến nghị Sở NN&PTNT xem xét mở tuyến đường đủ 1 xe mô tô di chuyển nhằm phục vụ cho việc TRTT cũng như quản lý, bảo vệ rừng sau này”. Tại Vườn quốc gia Sông Thanh chủ yếu TRTT trên diện tích đã chuyển mục đích sử dụng để xây dựng các công trình thủy điện Sông Bung 4, Đăk Mi 2, thi công trụ điện đường dây 220kV Xêkaman 3 - Thạnh Mỹ.
Mới đây, qua kiểm tra, thanh tra ngẫu nhiên các khoảnh TRTT giai đoạn năm 2015 - 2016 tại Vườn quốc gia Sông Thanh, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) kết luận, chủ đầu tư đã tổ chức trồng rừng đúng vị trí, loài cây và mật độ trồng, đủ diện tích phù hợp với hồ sơ thiết kế. Công tác chăm sóc rừng sau khi trồng được thực hiện nghiêm túc. Theo Sở NN&PTNT, tổng diện tích TRTT trên địa bàn tỉnh tính đến cuối mùa vụ trồng rừng năm 2020 ước đạt 100% so với phương án phê duyệt.
UBND tỉnh phê duyệt các phương án TRTT với diện tích hơn 2.388ha, trong đó diện tích TRTT đối với các công trình thủy điện chiếm hơn 1.604ha. Về phê duyệt phương án TRTT tăng so với diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng (2.148ha), Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Minh Hưng lý giải, một số công trình có chuyển mục đích sử dụng rừng là rừng tự nhiên, khi phê duyệt phương án trồng tăng lên 3 lần so với diện tích chuyển mục đích sử dụng vì chiếu theo quy định của Luật Lâm nghiệp. Cạnh đó, phê duyệt phương án nộp tiền về Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh tại các huyện miền núi, nhưng khi triển khai trồng rừng tại các huyện đồng bằng thì diện tích tăng thêm do chênh lệch đơn giá.