Tiềm năng nguồn thu từ lưu giữ các bon của rừng
Năm 2021 nếu Trung ương ban hành quy định mở rộng thêm nguồn thu từ hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng thì nhiều địa phương (trong đó có Quảng Nam) có thêm nguồn thu trong chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR).
Theo Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Việt Nam, năm 2020 tổng diện tích rừng được hỗ trợ quản lý bằng tiền DVMTR là 6,5 triệu héc ta (chiếm 44% tổng diện tích rừng toàn quốc). Trong đó 2,7 triệu héc ta của chủ rừng là tổ chức khoán quản lý bảo vệ cho 30.233 cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng, nhóm hộ và tổ chức khác.
Tại Quảng Nam, tính đến hết năm 2020, nguồn thu DVMTR trên địa bàn tỉnh là 87 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch). Trong khi đó, số tiền chi là 53,1 tỷ đồng (chiếm hơn 66% kế hoạch). Diện tích chi trả DVMTR 281.703ha, với chủ rừng gồm các tổ chức, ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và UBND các xã được giao trách nhiệm quản lý rừng. Sở dĩ số tiền chậm giải ngân là do các đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát, lũ chồng lũ, bão chồng lũ vào thời điểm tháng 10 và 11.2020.
Ông Nguyễn Quốc Trị - Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp kiêm Giám đốc Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Việt Nam đánh giá, quá trình triển khai chính sách chi trả DVMTR còn gặp một số tồn tại, như năm 2020 xảy ra đại dịch Covid-19, hạn hán khiến cho nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Cho nên, quyết định thí điểm chi trả DVMTR đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng chưa được ban hành; chưa thu được tiền DVMTR đối với cơ sở công nghiệp là các nhà máy nhiệt điện do sản phẩm của nhiệt điện là điện năng phải được Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh giá điện làm căn cứ triển khai. Bên cạnh đó, một số đơn vị sử dụng DVMTR chậm nộp tiền gây ảnh hưởng đến kế hoạch thu chi và kế hoạch bảo vệ phát triển rừng tại địa phương.
“DVMTR là một trong những tiềm năng lớn của rừng, đóng góp cho ngành lâm nghiệp phục vụ phát triển bền vững của đất nước. Nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021 của ngành lâm nghiệp là tiếp tục rà soát hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thí điểm chi trả DVMTR đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là việc chi trả tiền DVMTR đến tận người dân; đôn đốc, hướng dẫn thu các loại DVMTR mới; hoàn thiện cơ chế chia sẻ lợi ích đối với nguồn thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ” - ông Trị nói.