Hiệu quả kinh tế vườn, kinh tế trang trại ở Tiên Phước
Qua 3 năm triển khai Đề án 548 (nay gọi Đề án 03) về “Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng” giai đoạn 2017 - 2025, đã đưa kinh tế vườn Tiên Phước phát triển hiệu quả.
Mô hình tiêu Tiên Phước hơn 250 choái của hộ ông Nguyễn Đình Lăng (thôn 3), xã Tiên Hiệp được trồng trên khu vườn có bờ đá chống trôi rửa đất phát triển khá xanh tốt. Ông Lăng cho biết, đất ở đây trồng tiêu khá thích hợp, tuy nhiên để cây tiêu phát triển tốt cần chịu khó chăm sóc và đảm bảo nguồn nước tưới. Bình quân mỗi năm ông Lăng thu về khoảng 130 - 150kg tiêu khô, cho thu nhập hơn 70 triệu đồng.
Ông Nguyễn Đình Lăng nói: “Trước đây, vợ chồng tôi đã trồng tiêu nhưng chỉ trồng nhỏ lẻ. Sau thấy tiêu hạt khô có giá, tôi bắt tay vào cải tạo vườn tạp đầu tư trồng tiêu với quy mô lớn hơn. Đặc biệt, khi huyện triển khai Đề án 03 gia đình đã đầu tư cải tạo lại vườn, chăm sóc vườn tiêu, chất bờ đá, chỉnh sửa lại ao cá… tạo không gian vườn nhà xanh, sạch, đẹp hiệu quả”.
Theo thống kê, đến nay nhân dân toàn huyện trồng mới 324 mô hình trồng tiêu Tiên Phước; trong đó 4 mô hình có 500 đến 1.000 choái và một trang trại trồng tiêu quy mô 3ha. Vùng trồng tiêu nhiều nhất tại các xã Tiên Mỹ, Tiên Phong, Tiên Thọ, Tiên Cảnh, Tiên Lộc, Tiên Kỳ… chiếm hơn 70% diện tích. Tổng diện tích cây tiêu trên địa bàn huyện tăng từ 110ha năm 2015 lên 160ha năm 2020. Doanh thu bình quân hằng năm từ cây tiêu hơn 40 tỷ đồng.
Ông Trầm Quế Hương - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết, tổng diện tích vườn trên địa bàn huyện gần 6 nghìn héc ta, trong đó diện tích vườn được cải tạo chỉnh trang cơ cấu cây cây trồng hợp lý, hiệu quả kinh tế gần 4 nghìn héc ta. Thực hiện Đề án 03 toàn huyện có 724 hộ thực hiện cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang vườn nhà; trong đó có 522 vườn đạt tiêu chí vườn xanh, sạch, đẹp, hiệu quả, gần 1.200 hộ tham gia xây dựng mô hình trồng cây ăn quả, nhất là lòn bon, măng cụt, sầu riêng, cau, thanh trà, chuối, cam, quýt… Hiện đã tạo thành một số vùng cây ăn quả điển hình, có sản lượng và giá trị tương đối lớn trên địa bàn huyện.
Tuy nhiên theo ông Trầm Quế Hương, cái khó hiện nay của Tiên Phước là hệ thống thủy lợi manh mún, nhỏ lẻ trong khi đó thời tiết ngày càng khắc nghiệt, nắng hạn, bão lũ xảy ra thường xuyên. Riêng cơn bão số 9 vừa qua đã khiến hơn 2.450ha vườn cây ăn quả lâu năm bị thiệt hại từ 30% trở lên (1.200ha thiệt hại trên 70%). Ước tổng thiệt hại lĩnh vực kinh tế vườn, kinh tế trang trại khoảng 1.000 tỷ đồng.
“Qua ba năm triển khai thực hiện đề án đã mang lại kết quả tích cực. Tổng nguồn huy động lồng ghép, nguồn vốn đầu tư, nguồn vốn sự nghiệp để phát triển kinh tế vườn kinh tế trang trại trong 3 năm trên 55 tỷ đồng, bình quân mỗi năm hơn 18 tỷ đồng. Qua đó đã thúc đẩy phong trào làm vườn phát triển mạnh mẽ, lan rộng khắp các địa phương trên địa bàn huyện” - ông Trầm Quế Hương nói.