Dự trữ tài nguyên rừng
Việc thành lập Khu dự trữ thiên nhiên Ngọc Linh (Nam Trà My) ở vùng tây nam của tỉnh nhằm thiết lập vùng quản lý bảo tồn nghiêm ngặt, tạo ra hành lang đa dạng sinh học liên kết xuyên suốt ở dãy Trung Trường Sơn.
Cuối tuần qua, Ban quản lý Dự án hành lang bảo tồn đa dạng sinh học Tiểu vùng Mê Công mở rộng - giai đoạn 2 tỉnh Quảng Nam, phối hợp với Sở Tài nguyên và môi trường, Ngân hàng châu Á (ADB) và Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Nam Trà My tổ chức lễ công bố quyết định phê duyệt dự án thành lập Khu dự trữ thiên nhiên Ngọc Linh (Quyết định số 1681, ngày 22.6.2020, của UBND tỉnh). Khu dự trữ nằm trên địa bàn các xã Trà Linh, Trà Cang, Trà Tập, Trà Dơn và Trà Leng, huyện Nam Trà My.
Thiết lập vùng bất khả xâm phạm
Với đồng bào Ca Dong, Xê Đăng “luật bất thành văn” là không bao giờ khai thác gỗ ở các “khu rừng thiêng”, bởi họ cho rằng ở khu vực đó có các vị thần che chở cho dân làng. Mặc dù Luật Lâm nghiệp năm 2017 có những quy định cụ thể về bảo vệ rừng (BVR), nhưng thực tế đồng bào vẫn còn thói quen giữ rừng theo luật tục, tập quán bản địa. Tuyến quốc lộ 40B mở ra kéo theo tình trạng vận chuyển gỗ lậu khá phức tạp, trong khi lực lượng kiểm lâm tuần tra truy quét lại mỏng. Vì vậy, đồng bào đứng ra lập chốt tuần tra, để bảo vệ những vườn sâm Ngọc Linh dưới tán rừng.
Gần đây, chính quyền tỉnh chủ trương chuyển từ hình thức giao khoán BVR cho nhóm hộ, cộng đồng dân cư sang thành lập lực lượng BVR chuyên trách theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã giúp cho bà con có trách nhiệm quản lý BVR hơn trước đây. Ông Đinh Văn Hiếm (trú thôn 3, xã Trà Dơn) cho biết, từ ngày thành lập chốt BVR các thành viên trong nhóm hộ được giao khoán bảo vệ của ông sớm phát hiện và ngăn chặn kịp thời nhiều vụ chặt phá gỗ, cháy rừng xảy ra trên địa bàn.
Theo quyết định của UBND tỉnh, Khu dự trữ thiên nhiên Ngọc Linh có diện tích 14.883ha, trong đó khu bảo vệ nghiêm ngặt chiếm 5.308ha; còn lại là phân khu phục hồi sinh thái. Sắp tới diện tích rừng thuộc diện quản lý nghiêm ngặt sẽ được cắm mốc ranh giới, trở thành vùng bất khả xâm phạm. Tuy dự án mở đường lên vùng phát triển sâm Ngọc Linh tuyến Măng Lùng - Đăk Lây (Nam Trà My) chỉ ảnh hưởng một ít diện tích rừng tự nhiên do chuyển đổi mục đích sử dụng, nhưng mới đây Bộ NN&PTNT cũng đã yêu cầu Quảng Nam cân nhắc cẩn trọng trước khi đầu tư dự án.
Theo Bộ NN&PTNT, tỉnh chưa làm rõ diện tích rừng tự nhiên đề nghị quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng của dự án thuộc phân khu nào của Khu dự trữ thiên nhiên Ngọc Linh, nên chưa có cơ sở để xác định dự án thuộc tiêu chí xác định dự án được chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên theo quy định Nghị định số 83 năm 2020 của Chính phủ.
Kết nối xuyên suốt hành lang
Theo quyết định của UBND tỉnh, Khu dự trữ thiên nhiên Ngọc Linh là đơn vị sự nghiệp thuộc UBND huyện Nam Trà My, nay đổi thành tên gọi Ban quản lý Rừng phòng hộ Nam Trà My. Ban quản lý Rừng phòng hộ Nam Trà My cho biết, hiện đơn vị quản lý gần 32.000ha rừng nằm trong ranh giới hành chính của các xã Trà Linh, Trà Cang, Trà Tập, Trà Dơn và Trà Leng. Ngoài 12 viên chức, đơn vị còn hợp đồng với hơn 60 nhân viên lực lượng BVR chuyên trách. Lực lượng BVR được chi trả lương, hưởng lợi các chế độ chính sách từ chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Vì sao phải lập khu dự trữ thiên nhiên Ngọc Linh? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Vĩnh Hiền - Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ Nam Trà My cho rằng, việc lập khu dự trữ để quản lý nghiêm ngặt hơn vùng lõi, có biện pháp cấp bách giải cứu các loài sinh học quý hiếm đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Điều quan trọng nhất là tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ cho hoạt động bảo tồn, quản lý bền vững cảnh quan Trung Trường Sơn (dự án BCC).
“Về bản chất, khu dự trữ thiên nhiên giống khu bảo tồn thiên nhiên ở chỗ hướng đến quản lý, bảo vệ, phục hồi sinh thái rừng; thực hiện nghiên cứu khoa học; đầu tư cơ sở hạ tầng; nâng cao nhận thức cộng đồng trong bảo tồn đa dạng sinh học” - ông Hiền giải thích.
Năm qua, dự án BCC đã hỗ trợ gần 1 tỷ đồng giúp cán bộ, nhân viên BVR thuộc Ban quản lý Rừng phòng hộ Nam Trà My mua máy tính bảng giám sát đa dạng sinh học, bảo vệ và phát triển toàn vẹn hệ sinh thái rừng tự nhiên; tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo cho người dân vùng đệm khu dự trữ. Như vậy, cùng với Vườn quốc gia Sông Thanh, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi, Khu bảo tồn sao la, thì việc thành lập Khu dự trữ thiên nhiên Ngọc Linh tạo ra hành lang đa dạng sinh học liên tục kéo dài với không gian rộng lớn ở dãy Trung Trường Sơn.