Triển khai dịch vụ môi trường rừng: Đảm bảo nguồn thu theo kế hoạch
Đến nay các đơn vị trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm “trả nợ rừng” đã cơ bản hoàn thành đóng góp nguồn thu dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) năm 2020. Ở phạm vi quốc gia, chính sách này đã đem lại nguồn lực dồi dào, giúp tái đầu tư phát triển ngành lâm nghiệp.
Nguồn tài chính dồi dào
Theo Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng, tính đến tháng 11.2020, nguồn thu DVMTR trên địa bàn tỉnh là 86,5 tỷ đồng (đạt hơn 99% kế hoạch thu của cả năm 2020). Trong khi đó, số tiền chi là 53,1 tỷ đồng (chiếm hơn 66% kế hoạch). Diện tích chi trả DVMTR là 281.703ha (gồm chủ rừng là các tổ chức, ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và UBND các xã được giao trách nhiệm quản lý rừng). Sở dĩ số tiền chậm giải ngân là do các đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát, lũ chồng lũ, bão chồng lũ vào thời điểm tháng 10 và 11.
Nhiều năm qua, các doanh nghiệp thủy điện, đơn vị sản xuất nước sạch, sản xuất công nghiệp gây phát thải lớn nộp tiền ủy thác qua Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 156 của Chính phủ ngày 16.11.2018, thì đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí chi trả trực tiếp cho bên cung ứng DVMTR. Tại Quảng Nam, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh đã chuyển cho chủ rừng đàm phán ký kết hợp đồng chi trả tiền DVMTR trực tiếp với Công ty CP Du lịch Hùng Cường. Nhưng đến nay Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam (chủ rừng) vẫn chưa ký kết hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR với Công ty CP Du lịch Hùng Cường. Nguyên nhân chính được xác định là bên cung ứng DVMTR và bên sử dụng DVMTR chưa thống nhất mức chi trả DVMTR.
Trong khi đó, ở phạm vi cả nước, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Việt Nam thông tin, 10 năm (2010 – 2020), tổng số tiền chi trả DVMTR đạt 16.758 tỷ đồng, chiếm 18,2% so với tổng đầu tư vào ngành lâm nghiệp. Đóng góp nguồn thu lớn cho chính sách là các doanh nghiệp thủy điện. Nguồn lực tài chính dồi dào này đã hỗ trợ cho người dân, cộng đồng dân cư, lực lượng bảo vệ rừng giữ rừng tốt hơn; tạo việc làm, sinh kế bền vững cũng như nâng cao nhận thức cho người dân. Qua rà soát, diện tích rừng được nhận tiền DVMTR tăng từ gần 1,4 triệu héc ta (năm 2011) lên hơn 6,8 triệu héc ta (năm 2020).
Còn vướng mắc
Theo Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Việt Nam, kết quả nghiên cứu tại 4 tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang và Hà Giang cho thấy số vụ phá rừng trong lâm phận diện tích được chi trả DVMTR giảm hơn so với diện tích rừng không được chi trả DVMTR, đáng chú ý số vụ phá rừng ở các khu rừng được trả tiền DVMTR giảm 30% so với số vụ phá rừng ở những khu rừng không được chi trả DVMTR.
Nhìn nhận thách thức trong chính sách DVMTR 10 năm qua, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Việt Nam cho rằng, đến nay vẫn chưa có quy định thu như dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon; mức chi trả vẫn còn thấp hơn so với giá trị DVMTR tạo ra - chỉ 36 đồng/kWh đối với cơ sở sản xuất thủy điện, 52 đồng/ m3 đối với cơ sở sản xuất nước sạch; có sự chênh lệch mức chi trả giữa các tỉnh và lưu vực vì phụ thuộc vào người sử dụng môi trường rừng và vị trí lưu vực… Góp ý cho chính sách DVMTR giai đoạn 2021 - 2030, các địa phương kiến nghị, nhà nước cần thu hút cộng đồng địa phương vào các hoạt động bảo vệ, nâng cao chất lượng rừng và phục hồi rừng. Cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động hơn trong việc cụ thể hóa chính sách chi trả DVMTR theo đặc thù mỗi địa phương. Cơ chế DVMTR triển khai đồng thời với chương trình phát triển sinh kế khác.
Từ khi ra đời đến nay, chính sách chi trả DVMTR ngày càng quy định cụ thể hơn thông qua Luật Lâm nghiệp năm 2017. DVMTR là hoạt động cung ứng các giá trị sử dụng của môi trường rừng, bao gồm các loại dịch vụ bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối; điều tiết, duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội; hấp thụ và lưu giữ cácbon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh; bảo vệ, duy trì vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng cho kinh doanh dịch vụ du lịch… Thực tiễn chứng minh, thời gian qua, tuy còn một số địa phương buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng phá rừng, song với diện tích được chi trả DVMTR, thì có chiều hướng giảm rõ rệt số vụ vi phạm lẫn diện tích rừng bị thiệt hại.