Bảo tồn và phát triển các loại cây dược liệu: Nhiều khó khăn

NHÃ PHƯƠNG 03/12/2020 08:08

Việc thực hiện cơ chế khuyến khích bảo tồn và phát triển một số loại cây dược liệu trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết số 202/2016/NQ-HĐND (ngày 26.4.2016) của HĐND tỉnh mang lại những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn.

Những năm qua, người dân ở nhiều địa phương miền núi trong tỉnh đầu tư phát triển mạnh mô hình trồng cây sa nhân dưới tán rừng cao su. Ảnh: N.P
Những năm qua, người dân ở nhiều địa phương miền núi trong tỉnh đầu tư phát triển mạnh mô hình trồng cây sa nhân dưới tán rừng cao su. Ảnh: N.P

Thực hiện nhiều phần việc

Lãnh đạo Sở NN&PTNT cho biết, thực hiện Nghị quyết số 202 của HĐND tỉnh, từ năm 2016 - 2020 UBND tỉnh đã bố trí gần 24,7 tỷ đồng triển khai các hạng mục bảo tồn và phát triển 3 loại cây dược liệu gồm đảng sâm, sa nhân tím, ba kích.

Trên cơ sở nguồn vốn được phân bổ về hạng mục trồng bảo tồn dược liệu, Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam đã phối hợp với các đơn vị thực hiện trồng hoàn thành 25ha cây dược liệu (gồm 10ha ba kích tím, 7,5ha đảng sâm, 7,5ha sa nhân tím) thuộc địa bàn 4 huyện Nam Trà My, Đông Giang, Tây Giang, Phước Sơn với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng.

Nhìn chung, đến nay các cây dược liệu ở những vườn trồng bảo tồn sinh trưởng và phát triển tương đối tốt (tỷ lệ sống đạt 90 - 95%, trừ khu vực trồng bảo tồn cây đảng sâm tại Nam Trà My có tỷ lệ sống khoảng 60% và đang tiến hành trồng dặm). Hiện một số vườn ở Đông Giang và Tây Giang có thể tiến hành lấy hom để nhân giống.

Năm 2016 Trung tâm Giống nông - lâm nghiệp Quảng Nam được UBND tỉnh phân bổ 500 triệu đồng sửa chữa, nâng cấp cơ sở nuôi cấy mô và mua sắm một số trang thiết bị để thực hiện nghiên cứu, sản xuất giống dược liệu, bước đầu phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, lượng cây giống sản xuất còn thấp hơn so với công suất thiết kế là 5 triệu cây giống/năm, do nhu cầu thực tế chưa lớn.

Trong năm 2016, trung tâm này cũng nhận chuyển giao quy trình sản xuất cây ba kích Tây Giang nuôi cấy mô từ Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Trên cơ sở đó, trung tâm đã sản xuất và cung ứng cho huyện Tây Giang 30 nghìn cây ba kích nuôi cấy mô. Lượng cây giống vừa nêu được huyện Tây Giang phân bổ cho các xã trên địa bàn trồng với tỷ lệ sống đạt hơn 70%. Sau hơn 4 năm chăm sóc, đến thời điểm này năng suất bình quân mỗi cây đạt 0,7 - 1,2kg củ.

Mới đây, tại cuộc làm việc với Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh, ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, thực hiện Nghị quyết số 202 của HĐND tỉnh, từ năm 2016 - 2020 tại 8 huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức đã tổ chức trồng 3 loại cây dược liệu nêu trên với tổng diện tích hơn 872ha. Còn huyện Nông Sơn đang lập kế hoạch triển khai trồng 4,3ha ba kích và 12ha sa nhân, dự kiến hoàn thành trong năm 2020.

Theo ông Tích, trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 202, hầu hết địa phương chưa đánh giá được hiệu quả của việc trồng cây dược liệu trong dân. Riêng huyện Bắc Trà My có đánh giá bước đầu về việc bảo tồn và phát triển cây sa nhân tím. Theo đó, năm 2017 huyện này tổ chức trồng 43,18ha sa nhân tím tại thị trấn Trà My và các xã Trà Tân, Trà Sơn, Trà Nú, Trà Giác... với tổng cộng 40 hộ dân tham gia. Thực tế cho thấy, cây sa nhân tím khá phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở các xã, thị trấn nêu trên nên sinh trưởng, phát triển tốt. Đến thời điểm này, tổng sản lượng đã thu hái là 250kg quả, tư thương đến tận nhà dân thu mua sản phẩm với mức giá 70 - 80 nghìn đồng/kg tươi...

Hiệu quả chưa rõ nét

Lãnh đạo ngành nông nghiệp cho rằng, những năm qua vấn đề phát triển giống dược liệu gặp nhiều khó khăn, nhất là ở giai đoạn đầu thực hiện Nghị quyết số 202. Nguyên nhân quy mô sản xuất chỉ mới tập trung tại một số đơn vị, chưa có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế và những doanh nghiệp lớn. Việc sản xuất, quản lý giống cây dược liệu còn mới mẻ và còn nhiều bất cập nên rất khó trong công tác triển khai cũng như quản lý tại các địa phương. Vấn đề trồng và phát triển dược liệu cũng gặp không ít trở lực.

Trồng đảng sâm xen canh với bắp nếp giúp nhiều hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Tây Giang có thêm nguồn thu nhập. Ảnh: N.P
Trồng đảng sâm xen canh với bắp nếp giúp nhiều hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Tây Giang có thêm nguồn thu nhập. Ảnh: N.P

Cụ thể, những năm qua chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư liên kết với người dân từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, dẫn đến đầu ra của sản phẩm dược liệu bấp bênh. Bên cạnh đó, việc thẩm định khu vực, diện tích trồng của hộ dân chưa cụ thể nên phát triển trồng dược liệu ở nhiều vùng chưa phù hợp, trồng quá phân tán...

Theo ông Phạm Viết Tích, những năm qua việc hỗ trợ cây giống dược liệu cho nhân dân trồng và phát triển chưa mang lại hiệu quả rõ nét. Bởi, việc hỗ trợ cây giống trồng nhỏ lẻ (hỗ trợ toàn dân) nên sản xuất manh mún, đời sống kinh tế người dân miền núi còn khó khăn nên chưa quan tâm đầu tư chăm sóc, cùng với điều kiện thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài trong thời gian gần đây dẫn đến tỷ lệ cây dược liệu đã trồng bị chết rất nhiều, diện tích còn lại sinh trưởng và phát triển chậm.

“Từ thực tế trên, Sở NN&PTNT không đề xuất tiếp tục triển khai cơ chế này. Thay vào đó, các địa phương cần tăng cường xúc tiến, kêu gọi và thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc xây dựng các cơ sở sản xuất giống dược liệu; gắn việc sản xuất, cung ứng giống với tiêu thụ, chế biến sản phẩm dược liệu. Thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong phát triển cây dược liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm...” - ông Tích nói.

NHÃ PHƯƠNG