Kiến nghị hỗ trợ sản xuất lâm nghiệp
Trước thiệt hại về cây trồng nguyên liệu ở các tỉnh miền Trung, ngành lâm nghiệp đã kiến nghị Chính phủ có cơ chế hỗ trợ, phục hồi sản xuất.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, trên địa bàn tỉnh có hàng nghìn héc ta rừng nguyên liệu bị bão số 9 làm bật gốc và gãy đổ. Diện tích bị thiệt hại nặng nhất thuộc các huyện Nam Giang, Đông Giang, Đại Lộc, Núi Thành, Phú Ninh, Thăng Bình, Hiệp Đức, Tiên Phước, Bắc Trà My, Quế Sơn, Duy Xuyên, Nông Sơn.
Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) thông tin, ngoài thiệt hại nặng về cây giống thì 9 tỉnh miền Trung (trong đó có Quảng Nam) bị thiệt hại về rừng với tổng diện tích 149.295ha. Trong đó, có 1.221ha rừng tự nhiên và khoảng 148.074ha rừng trồng.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Phạm Văn Điển cho biết, với rừng trồng bị thiệt hại, ngành đề nghị áp dụng theo quy định Nghị định số 02 năm 2017 của Chính phủ để hỗ trợ. Riêng đối với diện tích rừng trồng được đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước, việc xử lý rừng bị thiệt hại áp dụng theo Thông tư số 18 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn trình tự, thủ tục thanh lý rừng trồng và quản lý, sử dụng số tiền thu được từ thanh lý rừng trồng không thành rừng, rừng trồng không có khả năng thành rừng.
Tuy nhiên, ông Điển cũng cho rằng, về lâu dài sẽ tiến hành phân vùng trọng điểm rủi ro, thiên tai trong lĩnh vực lâm nghiệp. Xây dựng tiêu chuẩn rừng có khả năng phòng hộ tốt, có sức chống chịu với bão, lũ, mưa lớn.
Về làm giàu hệ sinh thái rừng tự nhiên, Tổng cục Lâm nghiệp ưu tiên nâng cao chất lượng rừng thông qua việc bảo vệ, khoanh nuôi phục hồi rừng. Còn với rừng trồng, đầu tư năng suất, chất lượng rừng thông qua biện pháp kỹ thuật theo chuỗi từ khâu chọn loài cây trồng, đưa giống tốt vào sản xuất, thâm canh, bảo vệ rừng. Bố trí một số dự án ưu tiên cho phục hồi, bảo vệ rừng gắn với cải thiện sinh kế và phòng chống thiên tai tại các vùng rừng nhạy cảm, vùng đầu nguồn, cửa sông, ven biển.
Hiện nay, Bộ NN&PTNT đề xuất Chính phủ bố trí kinh phí hỗ trợ các địa phương khôi phục sản xuất lâm nghiệp (hỗ trợ thiệt hại về cây giống ở giai đoạn vườn ươm; kinh phí hỗ trợ thiệt hại rừng của hộ gia đình, cộng đồng, cá nhân). Ngành nông nghiệp tỉnh đang đôn đốc các địa phương khẩn trương thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại về các loại rừng và đưa ra giải pháp khôi phục sản xuất lâm nghiệp.