16.758 tỷ đồng chi trả dịch vụ môi trường rừng
Con số trên được đưa ra tại hội thảo quốc gia “Đánh giá 10 năm ảnh hưởng của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) tại Việt Nam” do Trường Đại học Lâm nghiệp phối hợp với Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế (CIFOR) tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội.
Theo Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam, tổng số tiền chi trả DVMTR 10 năm (2010 - 2020) đạt 16.758 tỷ đồng, chiếm 18,2% so với tổng đầu tư vào ngành lâm nghiệp. Diện tích rừng được nhận tiền DVMTR tăng từ gần 1,4 triệu héc ta năm 2011 lên hơn 6,8 triệu héc ta năm 2020. Chính sách chi trả DVMTR tạo ra nguồn tài chính bền vững, góp phần quản lý rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, tạo việc làm, sinh kế bền vững cũng như nâng cao nhận thức cho người dân.
Nhìn nhận hạn chế trong chính sách, Quỹ Bảo vệ phát triển rừng cho rằng, một số loại DVMTR chưa có quy định thu như dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon; mức chi trả vẫn còn thấp hơn so với giá trị dịch vụ môi trường rừng tạo ra như chỉ 36 đồng/kWh đối với cơ sở sản xuất thủy điện, 52 đồng/m3 đối với cơ sở sản xuất nước sạch; có sự chênh lệch mức chi trả giữa các tỉnh và lưu vực vì phụ thuộc vào người sử dụng môi trường rừng và vị trí lưu vực…