Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Suy giảm nguồn thu

TRẦN HỮU 26/11/2020 10:20

Nguồn thu chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) phụ thuộc vào hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các đơn vị hoạt động ở các lĩnh vực công nghiệp, thủy điện, nước, du lịch. Do đó, năm 2020 khi các nhà máy thủy điện gặp khó khăn đã kéo theo suy giảm nguồn lực tài chính của chính sách DVMTR.

Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách tuần tra trong Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi Nông Sơn. Ảnh: H.P
Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách tuần tra trong Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi Nông Sơn. Ảnh: H.P

Xác định đúng diện tích cần chi trả

Năm 2020, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh giám sát tình hình triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR tại các đơn vị chủ rừng gồm Ban Quản lý rừng phòng hộ các huyện Bắc Trà My, Tây Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Nam Giang, Phú Ninh và rừng phòng hộ ven biển Quảng Nam, Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, Sao La, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi, Vườn Quốc gia Bạch Mã và UBND các xã Tiên Lãnh, Tiên Ngọc (Tiên Phước), xã Phước Gia (Hiệp Đức), xã Đại Đồng, Đại Lãnh, Đại Quang, Đại Hưng, Đại Sơn (Đại Lộc) và xã Duy Sơn (Duy Xuyên). 

Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng nhận xét, phần lớn, các chủ rừng đã thực hiện việc quản lý, sử dụng và chi trả tiền DVMTR cho các nhóm hộ, cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng theo đúng quy định và kịp thời. Các đơn vị chủ rừng, nhóm hộ, cộng đồng đã sử dụng tiền DVMTR chi cho hoạt động tuần tra, bảo vệ và phát triển rừng, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác tuần tra rừng, công cụ, dụng cụ… đúng quy định. Số tiền nhận khoán được công khai, minh bạch trong nhóm cộng đồng, không xảy ra các trường hợp hộ nhận khoán thắc mắc, khiếu nại.

Đến nay, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng của Trung ương và Quảng Nam đã ký kết hợp đồng ủy quyền DVMTR với 80 đơn vị sử dụng DVMTR. Trong đó, có 28 đơn vị thủy điện, 9 đơn vị sản xuất cung ứng nước sạch, 43 đơn vị nước công nghiệp. Tính đến tháng 11.2020, nguồn thu DVMTR trên địa bàn tỉnh tạm tính là 78/86,5 tỷ đồng, đạt hơn 90% kế hoạch năm. Cũng trong năm 2020, lực lượng chức năng phối hợp với Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng triển khai 2 đợt giám sát trực tiếp chi trả tiền DVMTR tại các xã Sông Kôn, Zơ Ngây, thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Giang; xã Tà Lu, thuộc Ban Quản lý Khu bảo tồn loài Sao La.

Ông Huỳnh Đức - Giám đốc Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh cho biết, để có căn cứ xác định diện tích chi trả DVMTR, đơn vị phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hạt kiểm lâm các địa phương huyện, đơn vị chủ rừng, UBND các xã hỗ trợ cập nhật biến động rừng trong vùng chi trả DVMTR năm 2020 để làm cơ sở thanh toán tiền DVMTR, hoàn thành cuối tháng 11.2020 trên diện tích hơn 281.671ha (gồm chủ rừng là các tổ chức với diện tích 275.051ha và chủ rừng là UBND các xã với diện tích 6.619ha). Tuy nhiên, ông Đức nhìn nhận còn có những hạn chế trong tiến độ thực hiện chi trả DVMTR. Nguyên nhân chủ yếu do việc phê duyệt kế hoạch thu - chi năm 2020 của cơ quan có thẩm quyền chậm trễ (cuối tháng 5.2020) ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Thêm vào đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài nên phải thực hiện giãn cách xã hội và đặc biệt những tháng cuối năm xuất hiện mưa bão liên tục, ảnh hưởng rất nhiều đến việc thực hiện kế hoạch.

Nguồn thu giảm

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Lâm nghiệp, tính đến ngày 22.9.2020 cả nước thu được hơn 1.400 tỷ đồng từ phí DVMTR (đạt 50% kế hoạch thu năm 2020 và bằng 76% so với cùng kỳ năm 2019). Trong đó, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Việt Nam thu được hơn 926 tỷ đồng (đạt 50% kế hoạch năm 2020, bằng 72% so với cùng kỳ năm 2019), Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng các địa phương thu được xấp xỉ 500 tỷ đồng (đạt 51% kế hoạch năm 2020, bằng 83% so với cùng kỳ năm 2019).

Lý giải nguyên nhân khiến nguồn thu DVMTR năm nay giảm, Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, nguồn thu DVMTR chủ yếu từ các nhà máy thủy điện (hiện chiếm hơn 90% tổng nguồn thu các lĩnh vực cộng lại). Tổng thu năm 2020 giảm, do sản lượng điện thương phẩm tại các công ty thủy điện giảm so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra con số: 6 tháng đầu năm sản xuất thủy điện đạt hơn 15,7 tỷ kWh (giảm 33,77% so với cùng kỳ năm 2019).

Cạnh đó, tình hình thủy văn trong 6 tháng đầu năm 2020 có mưa lớn tại một số khu vực nhưng lượng nước về các hồ chứa vẫn ở mức thấp (chỉ bằng 30 - 60% trung bình nhiều năm), do mưa xảy ra chủ yếu ở vùng hạ lưu các hồ chứa. Tổng sản lượng thủy điện theo nước về các hồ thủy điện trên toàn hệ thống trong tháng 5.2020 là 2,23 tỷ kWh, (thấp hơn 0,84 tỷ kWh so với kế hoạch năm). Lũy kế 5 tháng đầu năm đạt 9,48 tỷ kWh, (thấp hơn 3,26 tỷ kWh so với kế hoạch năm).

Về trồng rừng thay thế, lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, Việt Nam trồng được hơn 3.100ha rừng phòng hộ (bằng 54% so với cùng kỳ năm 2019); rừng đặc dụng 635ha (bằng 127% so với cùng kỳ năm 2019); rừng sản xuất hơn 139.000ha (bằng 92% so với cùng kỳ năm 2019).

Theo thống kê, bình quân hàng năm Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam và các tỉnh (thành phố) thu được 1.300 tỷ đồng (chiếm 22% tổng đầu tư toàn xã hội cho ngành lâm nghiệp). Số tiền này, đã được chi trả cho 418.731 chủ rừng và hộ nhận khoán bảo vệ rừng, trong đó có 417.676 hộ gia đình cá nhân, cộng đồng dân cư và 1.055 tổ chức. Theo đó, quản lý hiệu quả khoảng gần 6 triệu héc ta rừng, chiếm 42% diện tích rừng cả nước. Tổng cục Lâm nghiệp đánh giá, độ che phủ rừng mỗi năm tăng lên đáng kể nhờ sự kích hoạt của chính sách DVMTR. Chính sách này thực sự cải thiện đời sống đồng bào, góp phần giảm nghèo và làm hồi sinh nhiều cánh rừng ở miền núi.

TRẦN HỮU