Dự án Trường Sơn Xanh giai đoạn 2018 - 2020: Cải thiện sinh kế, hướng tới tương lai

HÀ SẤU 26/11/2020 04:27

Ngày 25.11, tại TP.Đà Nẵng, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội thảo tổng kết dự án Trường Sơn Xanh do USAID tài trợ. Gần 3 năm triển khai trên địa bàn tỉnh là khoảng thời gian chưa dài nhưng đủ để cảm nhận rõ những dấu ấn tích cực mà dự án Trường Sơn Xanh mang lại cho đời sống đồng bào vùng cao.

Nhiều loại dược liệu của đồng bào vùng cao đã định vị được thương hiệu với sự hỗ trợ của dự án Trường Sơn Xanh. Ảnh: H.S
Nhiều loại dược liệu của đồng bào vùng cao đã định vị được thương hiệu với sự hỗ trợ của dự án Trường Sơn Xanh. Ảnh: H.S

Những kết quả ngoài mong đợi

Là một trong hai tỉnh tham gia thực hiện dự án Trường Sơn Xanh do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ. Ngày 21.3.2018, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 976/QĐ-UBND phê duyệt dự án với phạm vi triển khai tại 10 huyện: Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Đại Lộc, Nông Sơn, Hiệp Đức, Phước Sơn, Tiên Phước, Phú Ninh, Núi Thành.

Mục tiêu tổng thể của dự án này nhằm thúc đẩy và hỗ trợ Quảng Nam chuyển đổi áp dụng các phương thức sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp thông minh đối với khí hậu, giảm phát thải và tăng cường khả năng phục hồi nhằm bảo vệ con người, cảnh quan rừng, đa dạng sinh học đồng thời hỗ trợ phát triển kinh tế của tỉnh.

Dự án Trường Sơn Xanh đã góp phần không nhỏ mang lại một diện mạo mới cho vùng cao Quảng Nam. Qua thống kê, dự án đã giúp giảm thiểu 7,49 triệu tấn CO2, hỗ trợ 24 cơ quan được nâng cao năng lực về cảnh quan bền vững; có 9.103 người hưởng lợi về sinh kế và 8.120 người được cải thiện thu nhập; đã có 35 triệu USD được huy động cho các hoạt động cảnh quan bền vững, cùng với 337 nghìn héc ta rừng được cải thiện về quản lý tài nguyên.

Ông Daniel Lopez - Giám đốc dự án Trường Sơn Xanh cho hay, các chỉ số trên đều vượt từ 1,5 đến 2 lần so với mục tiêu đề ra ban đầu. Điều này có được nhờ vào cách triển khai sáng tạo, hướng đến đúng đối tượng, hiểu rõ các chuẩn mực bản địa và luôn lồng ghép, phối hợp chặt chẽ với phía chính quyền địa phương.

Thông qua dự án Trường Sơn Xanh, các chuỗi giá trị tiềm năng như trồng rừng gỗ lớn, dược liệu, mây đã được định hình, phát triển, thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân, tạo được mối liên kết bền vững giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và người sản xuất.

Dự án cũng tạo thêm cơ hội phát triển sinh kế mới cho người dân từ khai thác và chế biến nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên mà từ lâu chưa được khai thác ở Quảng Nam thông qua các hợp đồng thu mua có giá trị lớn. Với sự trợ lực này, thời gian qua nhiều sản phẩm dược liệu tại các huyện vùng cao của tỉnh như đẳng sâm, ba kích, chè dây đã được cấp chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng: “Dự án Trường Sơn Xanh không chỉ tạo ra dấu ấn tích cực mặt kinh tế mà còn thúc đẩy sự thay đổi trong cách nhìn nhận về môi trường, lợi ích xã hội và tính bền vững. Có thể nói thời gian 3 năm triển khai là tương đối ngắn nhưng hiệu quả về nhiều mặt của dự án trên địa bàn tỉnh là rất lớn”.

Đồng hành dài lâu

Chia sẻ tại buổi tổng kết, chị Coor Thị Ích - Tổ trưởng sản xuất Tổ hợp tác dược liệu xã Ga Ry (huyện Tây Giang) bộc bạch: “Từ lúc tiếp nhận dự án hỗ trợ đến nay, sinh kế của người dân bản địa đã cải thiện vượt bậc. Như thu nhập trước kia của một hộ trong tổ hợp tác chỉ vài triệu đồng/sào đất sản xuất thì năm rồi lên tới 16 triệu đồng. Lần đầu tiên chúng tôi được hỗ trợ tiếp cận các doanh nghiệp lớn, thương thảo đầu ra cho sản phẩm”.

Dự án Trường Sơn Xanh khơi dậy, định hình việc sản xuất thủ công mỹ nghệ truyền thống theo chuỗi. Ảnh: H.S
Dự án Trường Sơn Xanh khơi dậy, định hình việc sản xuất thủ công mỹ nghệ truyền thống theo chuỗi. Ảnh: H.S

Tuy vậy, chị Coor Thị Ích cũng như những người dân khác nằm trong diện được hỗ trợ vẫn còn nhiều lo lắng về rủi ro thời tiết trong sản xuất, về tính lâu dài của dự án. Trước những trăn trở này, bà Ann Marie Yastisock - Giám đốc USAID chia sẻ: “Chúng tôi hiểu được tâm tư của người dân và cam kết tiếp tục hỗ trợ trong giai đoạn 5 năm tiếp theo. Trong khả năng của mình, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để mở ra thêm sinh kế cho cư dân sống ở vùng đệm của đại ngàn, nhất là phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số”.   

Rút kinh nghiệm từ sự thành công bước đầu của dự án, phương pháp tiếp cận chuỗi giá trị sẽ được  UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục khuyến khích áp dụng để hỗ trợ sinh kế cho người dân từ các nguồn vốn khác nhau. Sở NN&PT-NT cũng đang phối hợp với các ngành tham mưu đề án kinh doanh tín chỉ các bon để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Đây hứa hẹn là nguồn tài chính bền vững cho việc thực hiện các hoạt động quản lý rừng bền vững trong giai đoạn 2020 - 2030.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, để đảm bảo tính bền vững UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tập trung nguồn lực từ các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để tiếp tục hỗ trợ duy trì và nhân rộng các mô hình thành công kể cả sau khi dự án kết thúc.

HÀ SẤU