Cần cơ cấu hợp lý cây trồng lâm nghiệp

HỮU PHÚC 16/11/2020 05:22

Sau bão số 9, nhiều vùng trung du lẫn miền núi, rừng keo trồng của nhân dân bị thiệt hại nặng, đòi hỏi ngành lâm nghiệp kịp thời cơ cấu lại vùng quy hoạch cây trồng hợp lý.

Cây keo mang lại giá trị kinh tế nhưng ít có tác dụng bảo vệ môi trường đất. Ảnh: H.P
Cây keo mang lại giá trị kinh tế nhưng ít có tác dụng bảo vệ môi trường đất. Ảnh: H.P

Thiệt hại nặng

Ông Lê Văn Tiến (thôn 3, xã Tiên Phong, Tiên Phước) đầu tư hơn 400 triệu đồng thuê nhân công trồng, chăm sóc rừng keo giâm hom có diện tích 26ha hơn 3 năm tuổi. Cơn bão số 9 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề, nhiều cây keo bị gãy đổ, bật gốc. Do cây có đường kính còn nhỏ nên 2 tuần nay vẫn không có người đến hỏi mua bán lại cho các nhà máy chế biến dăm gỗ. Nếu không gặp gió bão, số keo này chừng 1,5 năm nữa đến tuổi khai thác sẽ cho doanh thu khoảng 2 tỷ đồng. 

Ông Tiến nói: “Gió bão gây thiệt hại phần lớn rừng keo trên địa bàn xã. Với những cây  1 - 2 năm tuổi, chỉ còn cách để cho khô đốt rồi trồng lại; còn loại cây lớn hơn 3 năm tuổi có thể tận dụng khai thác bán được nhưng do núi sạt lở, không có đường vận chuyển nên bỏ ngổn ngang. Nhìn rừng keo xác xơ đổ gãy mà xót xa”.

Theo thống kê ban đầu của xã Tiên Phong, địa phương có hàng trăm héc ta keo trong giai đoạn sinh trưởng từ 2 - 5 năm tuổi bị hư hại. Tại nhiều xã như Tiên Thọ, Tiên Mỹ, Tiên Châu, Tiên Sơn, Tiên Lãnh (Tiên Phước), không ít rừng trồng gỗ lớn cũng bị đổ gãy hoặc bật gốc.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước – Nguyễn Hùng Anh cho biết, thiệt hại về nông nghiệp, lâm nghiệp trên địa bàn rất lớn. Qua báo cáo sơ bộ của 15 xã, thị trấn, có hơn 70% diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm có giá trị kinh tế trên địa bàn huyện bị hư hại, cây bị trốc gốc, ngã đổ với diện tích 2.000ha. Ngoài ra, địa phương còn bị thiệt hại 600ha cây trồng lâu năm và hơn 10.000ha rừng keo nguyên liệu.

Người dân thôn Phú Bình, xã Tam Phú (Tam Kỳ) bán tháo rừng keo trồng bị đổ gãy do bão số 9. Ảnh: H.P
Người dân thôn Phú Bình, xã Tam Phú (Tam Kỳ) bán tháo rừng keo trồng bị đổ gãy do bão số 9. Ảnh: H.P

Còn tại các xã vùng thấp lẫn vùng cao của huyện Bắc Trà My, Nam Giang, Hiệp Đức, Đông Giang…, sau bão số 9, hàng loạt cây keo bật gốc, gãy ngổn ngang, thậm chí bị vùi chung với lớp đất sạt lở.

Ông Nguyễn Đăng Chương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Giang cho biết, địa phương đang trồng 6.000ha rừng sản xuất, phần lớn là keo lai bị thiệt hại rất nặng. Ngành nông nghiệp tỉnh cho biết, vùng nguyên liệu keo bị thiệt hại nặng nề nhất tập trung ở các huyện Núi Thành, Phú Ninh, Thăng Bình, Hiệp Đức, Tiên Phước, Bắc Trà My, Quế Sơn, Duy Xuyên, Nông Sơn, Đại Lộc, Nam Giang, Đông Giang. Ước tính có hơn 70.000ha rừng nguyên liệu bị bão số 9 làm bật gốc và gãy đổ. Do diện tích keo hư hại quá lớn, trong khi nhiều nơi sạt lở, cô lập khiến các xe tải lớn không lưu thông được nên người trồng không thể tận dụng khai thác bán gỗ. Gần đây tỉnh chủ trương chuyển hóa hơn 10.000ha rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn, tuy nhiên bão số 9 vừa qua cũng gây thiệt hại nặng nề.

Hình thành rừng theo hướng đa dạng sinh học

Cây keo mang lại giá trị kinh tế nhưng ít có tác dụng bảo vệ môi trường đất, nước do loại cây này hút rất nhiều nước, bộ rễ bám yếu. Các chuyên gia lâm nghiệp đánh giá, độ che phủ rừng của cả nước nói chung, Quảng Nam nói riêng tăng lên mỗi năm, nhưng các cây có chức năng phòng hộ tham gia phủ xanh đất trống đồi trọc có xu hướng giảm so với cây trồng vì lợi ích kinh tế. Nếu phục vụ mục đích bảo vệ môi trường, rừng phải là một hệ sinh thái thì việc chống sạt lở đất mới đem lại hiệu quả, còn rừng trồng để che phủ thì khả năng chống chịu sạt lở, lũ quét rất kém. Một khu rừng đa dạng hệ sinh thái phải mất ít nhất 20 - 30 năm.

Theo ông Phan Văn Điển – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Nhà nước đã quy hoạch chi tiết 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ và sản xuất). Mỗi loại rừng có chức năng và giá trị kinh tế, bảo vệ môi trường khác nhau. Về rừng phòng hộ, ngành nông nghiệp chủ trương trồng hỗn giao cây bản địa. Với rừng đặc dụng, sẽ ưu tiên cây bản địa, có khả năng hình thành rừng làm nền tảng cho bảo tồn tính đa dạng sinh học.

Tại Quảng Nam, hơn 10 năm nay UBND tỉnh nhiều lần điều chỉnh, bổ sung quy hoạch 3 loại rừng. Tuy nhiên, do chủ rừng quản lý lỏng lẻo nên mặc dù Nhà nước quy hoạch rừng phòng hộ nhưng vẫn còn tình trạng người dân lén lút xâm hại để trồng rừng sản xuất, hoặc phát rừng làm rẫy trái phép. Đơn cử như tại khu vực rừng phòng hộ Phú Ninh, Đông Giang, Bắc Trà My, hiện vẫn còn hàng nghìn héc ta rừng keo của nhân dân trồng hỗn giao với các cây trồng của Nhà nước trong diện tích được quy hoạch rừng phòng hộ. Nhận diện được thực trạng phức tạp dai dẳng này, ngày 18.8.2015, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 17 về tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử lý các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép trên địa bàn tỉnh.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Minh Hưng cho rằng, Quảng Nam sẽ ưu tiên trồng các loại cây bản địa có khả năng hình thành rừng theo hướng đa dạng hệ sinh thái. Bộ NN&PTNT thông tin, trong số diện tích rừng được trồng lại hằng năm giai đoạn 2016 - 2020, có khoảng 85% là rừng trồng thuần loài keo, bạch đàn. Phần còn lại là rừng trồng thuần loài hoặc hỗn loài cây bản địa.

HỮU PHÚC