Nhiều hộ trồng cao su và keo ở Hiệp Đức trắng tay sau bão
(QNO) - Ảnh hưởng của bão số 9 không chỉ làm hàng trăm ngôi nhà tại huyện Hiệp Đức bị tốc mái, mà còn khiến nhiều diện tích cao su và rừng keo của người dân bị hư hại. Nhiều hộ gần như trắng tay sau bão.
Đã nhiều ngày sau khi cơn bão số 9 đi qua nhưng tại vườn nhà anh Vũ Tấn Tài (khối phố Bình Hòa, thị trấn Tân Bình) mọi thứ vẫn rất ngổn ngang… Trong số 500 cây cao su hơn 10 năm tuổi đang trong giai đoạn thu hoạch cho năng suất cao của gia đình anh Tài, đã có gần 250 cây bị gió bão quật ngã. Anh Vũ Tấn Tài cho biết: “Mỗi cây cao su trong kỳ lấy mủ ước tính cho thu nhập hơn 1 triệu đồng, vậy mà giờ đây hết nửa vườn chỉ có thể làm củi đốt, tận dụng làm ván cốt pha”.
Đáng nói hơn, cách đây 7 năm, vào năm 2013, cơn bão số 10 đã xóa sổ nhiều héc ta cao su trên địa bàn huyện Hiệp Đức. Nhưng vì tin tưởng vào giá trị kinh tế mà cây cao su đem lại, nhiều gia đình tiếp tục vay vốn ngân hàng để tái đầu tư. Và một lần nữa, thiên tai lại khiến họ lâm vào cảnh trắng tay.
Chị Võ Thị Thao ở khối phố Bình Hòa, thị trấn Tân Bình, chia sẻ: “Gia đình tôi mới đầu tư trồng lại cao su, đến năm ngoái cây mới bắt đầu cho thu hoạch thì nay bị gió bão làm đổ hết. Người dân trong thôn chúng tôi chủ yếu vay vốn ngân hàng để đầu tư lại mà bây giờ trắng tay hết”.
Được xem là vùng trọng điểm trồng cây cao su của tỉnh, trên địa bàn Hiệp Đức có hàng nghìn héc ta cao su. Theo thống kê của huyện, ngoài 5.000 ngôi nhà bị tốc mái, hư hại, cơn bão số 9 đã làm ngã đổ, bật gốc hơn 1.400ha cao su tiểu điền và đại điền; gần 10.000ha keo cũng bị gió bão là gãy đổ hoàn toàn… Nhiều hộ trồng cao su và keo bỗng chốc trắng tay, đứng trước nguy cơ vỡ nợ vay ngân hàng.
Lâm nghiệp nhiều năm qua được xem là hướng phát triển kinh tế chủ lực của huyện Hiệp Đức. Nhiều nông dân đã thực sự đổi đời nhờ đầu tư trồng cao su và keo… Thế nhưng, liên tiếp thiên tai ập đến những năm qua, và gần đây nhất là cơn bão số 9 gây thiệt hại nặng, khiến phải đặt ra vấn đề: Trồng cây gì để có thể phát triển kinh tế bền vững?
Tại buổi làm việc với UBND huyện Hiệp Đức mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết đã giao cho Sở NN&PTNT phối hợp với Chi hội Dăm gỗ tiến hành thu mua keo kịp thời và đúng giá để giúp bà con lúc khó khăn này. Tỉnh cũng sẽ làm việc với các tổ chức tín dụng kiến nghị giảm, giãn nợ cho bà con bị ảnh hưởng nặng.
Về định hướng phát triển lâu dài, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng: “Huyện Hiệp Đức cần tính toán lại việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng: chăn nuôi tập trung, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao; trồng rừng gỗ lớn. Tương lai Hiệp Đức hướng tới trở thành trung tâm phát triển công nghiệp chế biến nông nghiệp và lâm nghiệp của tỉnh”.