Người trồng keo gặp khó

TRIÊU NHAN - GIA KHANG 10/11/2020 05:24

Nhiều rừng keo của người dân trên địa bàn tỉnh bị ngã đổ, hư hại hoàn toàn do bão số 9. Với những rừng keo đến kỳ thu hoạch, việc tiêu thụ dù khó khăn, giá bán thấp song nông dân có thể vớt vát được ít nhiều, còn những rừng keo non thì chỉ có cách bỏ khô làm củi…

Nông dân gặp khó khăn khi nhiều rừng keo bị ngã đổ do bão số 9. Ảnh: NHAN KHANG
Nông dân gặp khó khăn khi nhiều rừng keo bị ngã đổ do bão số 9. Ảnh: NHAN KHANG

Giá keo sụt giảm

Đã 10 ngày, kể từ khi bão số 9 quét qua nhưng gần 7ha keo 5 năm tuổi của anh Nguyễn Văn Phương (xã Hiệp Thuận, Hiệp Đức) vẫn chưa bán được do thương lái trả giá thấp, chỉ bằng một nửa so với ngày thường bởi trận bão đã làm rừng keo chuẩn bị thu hoạch gãy tan tành. Hơn nữa, do rừng keo của anh Phương nằm cách xa đường đi, khâu vận chuyển khó khăn nên thương lái không mặn mà đến thu mua.

“Tôi dự định qua tết sẽ thu hoạch lứa keo này để có tiền trang trải, trả bớt nợ nần nhưng bây giờ gió bão quật ngã tan nát hết rồi. Chừ keo càng để lâu sẽ khô và thiệt hại càng nhiều hơn. Ai nấy rất mệt mỏi khi keo rớt giá mà việc thu mua lại chậm chạp” - anh Phương nói.

Ông Nguyễn Nghĩa (thôn 2, xã Đại Hưng, Đại Lộc) từ sau bão tới nay phải bỏ tiền thuê người đốn keo, bóc vỏ rồi vận chuyển ra sát đường chờ thương lái đến mua nhưng giá cũng rẻ bèo.

Ông Nghĩa nói: “Nếu trước đây giá keo khoảng 900 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/tấn thì bây giờ chỉ còn 400 - 500 nghìn đồng. Những rừng keo ở xa hơn giá chỉ còn khoảng 300 nghìn đồng/tấn”. Gia đình ông Nghĩa có 8ha keo hơn 5 năm tuổi, sau bão, chỉ bán được những cây keo lớn, những cây keo nhỏ thương lái không mua. “Chỗ nào cũng bán keo vì ngã đổ quá nhiều nên thương lái kén chọn dữ lắm. Họ chỉ mua keo to, keo nhỏ không bán được” - ông Nghĩa nói.

Nông dân gặp khó khăn khi nhiều rừng keo bị ngã đổ do bão số 9. Ảnh: NHAN KHANG
Nông dân gặp khó khăn khi nhiều rừng keo bị ngã đổ do bão số 9. Ảnh: NHAN KHANG

Rừng keo của ông Nguyễn Ngọc Tuân (thôn Đại Mỹ, Đại Hưng) dù được gần 3 năm tuổi nhưng vẫn bị thương lái chê không mua nên ông chờ trời nắng để phát làm củi, còn lại phát đốt để trồng lại. “Khi chưa có bão, cây keo nhỏ cỡ 3 năm mình bán cũng được vài ba chục triệu một héc ta, nay tận dụng lắm chỉ bán được 5 - 7 triệu đồng, thậm chí có người mong thu hoạch được để có tiền đầu tư giống cây trồng lại” - ông Tuân nói.

Thiệt hại trên diện rộng

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Đại Lộc, toàn huyện có hàng trăm héc ta cây ăn quả, cây lâu năm bị thiệt hại, ngã đổ do bão số 9, trong đó chiếm phần lớn là diện tích cây keo. Còn tại phường An Phú (TP.Tam Kỳ), bão số 9 đã làm hơn 50ha cây lâu năm bị ngã đổ và cây keo cũng chiếm phần lớn. Tại Nam Giang, thống kê sơ bộ có gần 60ha keo bị ngã đổ, hư hại trong bão số 9.

Ông Nguyễn Đăng Chương - Trưởng phòng NN&PTNT Nam Giang cho biết, việc tiêu thụ keo ngã đổ hiện rất khó khăn vì nơi đâu cũng có keo ngã đổ, đặc biệt đường vào rẫy bị hư hại, chia cắt nên việc vận chuyển thêm cách trở, dẫn đến thương lái ép giá, mua rẻ. “Cái này thì phụ thuộc vào thị trường mình cũng khó thể làm gì được. Nhiệm vụ của chúng tôi bây giờ là phối hợp với các đơn vị liên quan thống kê số lượng cụ thể, chính xác gửi về huyện, tỉnh để xem xét hỗ trợ những hộ dân bị thiệt hại” - ông Chương nói.

Tại Nông Sơn, sau bão số 9, ông Phạm Thùy Diệu (thôn Tân Phong, xã Quế Lộc) rầu lòng khi thấy toàn bộ rừng keo của mình và các gia đình xung quanh gãy đổ nằm la liệt. Trước bão, rừng keo của ông được thương lái trả giá 180 triệu đồng song chưa muốn bán, chờ qua tết khai thác để trả bớt các khoản nợ. Nào ngờ, trận bão ập xuống khiến mọi thứ gần như tiêu tan.

Theo ông Trần Thiện Thắng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nông Sơn, toàn huyện có hơn 11.000ha đất rừng sản xuất, trong đó có khoảng 8.000ha trồng keo. Qua thống kê sơ bộ, bão số 9 đã làm hư hại, ngã đổ khoảng 50% diện tích nói trên, bao gồm cả keo mới trồng và cả diện tích keo đã vài ba năm tuổi. Nhiều rừng keo chuẩn bị xuất bán cũng bị thiệt hại từ 30 - 70%.

“Nông Sơn nằm trong hướng đi của bão nên thiệt hại rất nặng. Huyện đã lập 2 đoàn kiểm tra xuống các xã, phối hợp với địa phương thống kê, kiểm tra lại số diện tích và tỷ lệ thiệt hại chính xác ở cơ sở để lập danh sách cụ thể, trình UBND huyện có cơ chế, chính sách hỗ trợ người trồng cây lâu năm bị thiệt hại theo quy định của Nhà nước. Cùng với cây keo, cây cao su, chúng tôi cũng đánh giá, thống kê cụ thể con số thiệt hại đối với diện tích cây ăn quả, niêm yết công khai ở các xã, từ đó đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp” - ông Thắng nói.

TRIÊU NHAN - GIA KHANG