Triển khai kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính: Giảm nguy cơ suy thoái rừng

TRẦN HỮU 12/10/2020 06:51

Quảng Nam đang khôi phục những khu vực đất trống đồi trọc và tình trạng suy thoái rừng bằng kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính cùng với cơ chế quản lý bền vững tài nguyên rừng.

Thực hiện chương trình REDD+ sẽ tạo thêm sinh kế từ rừng cho người dân địa phương. TRONG ẢNH: Các chuyên gia khảo sát mô hình REDD+ tại tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: T.H
Thực hiện chương trình REDD+ sẽ tạo thêm sinh kế từ rừng cho người dân địa phương. TRONG ẢNH: Các chuyên gia khảo sát mô hình REDD+ tại tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: T.H

Nhiều năm qua, ngành nông nghiệp đã triển khai các chương trình, kế hoạch hành động để nâng cao giá trị kinh tế, hiệu quả xã hội, bảo vệ môi trường từ tài nguyên rừng. Cuộc hội thảo do UBND tỉnh tổ chức với chủ đề “Khởi động và triển khai Kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các bon rừng (REDD+) tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2020 - 2030” mới đây nhằm lắng nghe ý kiến đa chiều về thực hiện chương trình  REDD+ trên địa bàn tỉnh.

Đa dạng sinh kế rừng

Các tỉnh Bắc Trung Bộ nhiều năm nay đã triển khai và hưởng lợi từ cơ chế REDD+, nhưng Quảng Nam thì mới phê duyệt kế hoạch hành động từ năm 2020. Theo Tổng cục Lâm nghiệp, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) ổn định và có thể cung cấp nguồn tài chính lớn cho việc bảo vệ hơn 5 triệu héc ta rừng, giúp các nhà hoạch định chính sách có thể quyết định cách sử dụng nguồn vốn REDD+ hiệu quả. Tại Quảng Nam, chính sách chi trả DVMTR mở ra cơ hội cho đồng bào miền núi cải thiện đời sống, giúp cộng đồng bảo vệ rừng có trách nhiệm hơn.

Hầu hết đơn vị sản xuất thủy điện, nước sạch, du lịch dịch vụ đến nay đều đóng góp tiền chi trả DVMTR. Năm 2020, hai đơn vị sản xuất, kinh doanh gây phát thải khí nhà kính lớn là nhà máy sản xuất than điện của Công ty CP Than - điện Nông Sơn và nhà máy sản xuất xi măng Thạnh Mỹ (đóng tại huyện Nam Giang) thuộc đối tượng trả phí khí thải CO2 ra môi trường cũng tiếp tục chi trả. Ước tính 2 doanh nghiệp này bình quân mỗi năm phải chi trả DVMTR hơn 2,4 tỷ đồng về phát thải khí CO2.  Theo Sở NN&PTNT, Quảng Nam sẽ chọn cách phát triển mô hình nông - lâm nghiệp kết hợp lồng ghép vào REDD+ bởi thực tiễn cho thấy các vườn rừng nông -  lâm kết hợp có khả năng hấp thụ các bon cao gấp 4 lần so với trồng thuần loài.

Tại các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Núi Thành và Phước Sơn, đồng bào dân tộc thiểu số đã được tập huấn cách sản xuất và biết tiêu thụ các sản phẩm bản địa sau khi đã khai thác lâm sản phụ trong rừng. Hơn 1 năm qua, Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VietCraft) và Dự án Trường Sơn Xanh do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ phối hợp tổ chức khởi động tiểu dự án “Cải thiện sinh kế bền vững cho các cộng đồng dân tộc thiểu số thông qua phát triển chuỗi giá trị mây tre đan và cây dược liệu nhằm tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Quảng Nam”.

Theo Sở NN&PTNT, qua dự án này các địa phương đã trồng mới 100ha mây, bảo vệ khai thác bền vững 50ha mây dưới tán rừng tự nhiên hiện có; trồng dưới tán rừng nhiều héc ta dược liệu quý (đảng sâm, chè dây, ba kích tím…). Ngoài ra, Dự án Trường Sơn Xanh của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hoa Kỳ và Tổ chức Tầm nhìn thế giới hỗ trợ cải thiện sinh kế cho 75 hộ dân ở xã Phước Xuân và Phước Mỹ (Phước Sơn) phát triển chuỗi giá trị cây dược liệu trồng dưới tán rừng tự nhiên do cộng đồng quản lý. Theo đó có hàng chục hộ thoát nghèo bền vững từ các mô hình trồng ba kích, sản xuất, chăn nuôi. Tại xã Phước Chánh (Phước Sơn), từ khi phát hiện cây ba kích tím, chủ rừng và chính quyền địa phương đã xây dựng kế hoạch bảo tồn và nhân giống đại trà nhằm cung cấp cho người dân trồng ở những khu rừng khác trên địa bàn huyện. Chính nhờ sự đa dạng sinh kế dưới tán rừng mà đồng bào đã hạn chế tối đa vào rừng tự nhiên khai thác gỗ trái phép.

Quản trị rừng bền vững

Đa dạng nguồn hỗ trợ cho chương trình REDD+

Giai đoạn 2017 – 2020, tổng ngân sách cần thiết để thực hiện REDD+ quốc gia là 10.942 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này dự kiến sẽ đến từ các khoản đóng góp ngân sách nhà nước, tín dụng, ODA, nguồn thu từ chi trả DVMTR và các nguồn khác. Các nguồn tài trợ tiềm năng cho REDD+ sau năm 2020 bao gồm các quỹ toàn cầu như GEF, Quỹ khí hậu xanh, chương trình đầu tư rừng cũng như nguồn thu bổ sung DVMTR từ việc mở rộng DVMTR.

Theo phê duyệt kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính thông qua phát triển bền vững tài nguyên rừng, giai đoạn 2020 – 2030, Quảng Nam dự kiến nhu cầu vốn hơn 4.000 tỷ đồng, từ các nguồn chính là ngân sách nhà nước, chi trả DVMTR, nguồn ODA, nguồn phi chính phủ và từ nguồn huy động các doanh nghiệp, cá nhân, hộ, cộng đồng…

Mục tiêu chính của REDD+ là quản lý và bảo tồn rừng hiệu quả, tăng trữ lượng các bon cho rừng. Tỉnh đã ban hành hàng loạt cơ chế chính sách phát triển ngành lâm nghiệp. Đáng chú ý là phát triển rừng sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế (FSC) và trồng rừng gỗ lớn. Đến nay, có khoảng 3.000ha gỗ đạt chứng chỉ rừng FSC và nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với người dân trồng rừng gỗ lớn, hoặc chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn chu kỳ khai thác ít nhất hơn 10 năm trồng. Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, độ che phủ rừng sẽ lên 61%. Năm 2030 có ít nhất 15% diện tích rừng trồng có chứng chỉ FSC, trong đó rừng trồng gỗ lớn đạt 28.000ha.

Những “lúng túng” về thực hiện REDD+ tại Quảng Nam đã được đặt ra tại hội thảo vừa qua như quy trình các bước triển khai, thời gian, kinh phí thực hiện REDD+ giai đoạn 2020 – 2030 sẽ ra sao? Kết quả xây dựng bản đồ rủi ro mất rừng, phục vụ đánh giá khả thi và thực hiện kế hoạch REDD+; kết quả tìm hiểu và đánh giá các nhà đầu tư tiềm năng cho kinh doanh, mua tín chỉ các bon rừng của tỉnh… Ngành lâm nghiệp tỉnh đề xuất, nên có đề án hình thành thị trường kinh doanh tín chỉ các bon rừng; giảm phát thải khí nhà kính, hạn chế mất rừng, quản lý rừng bền vững. Các khu vực triển khai hoạt động REDD+ được lựa chọn dựa trên tiêu chí như rừng tự nhiên giàu/giá trị trữ lượng các bon cao; đối mặt với đe dọa mất rừng/suy thoái rừng; có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học, giá trị dịch vụ hệ sinh thái; khu vực đất trống.

Ưu điểm khi triển khai chương trình REDD+ của tỉnh là hệ sinh thái rừng nằm ở các hệ thống lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn; đất lâm nghiệp có sẵn; phần lớn rừng ở khu vực miền núi đã được quy hoạch chi tiết 3 loại rừng (rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất). Nhà nước đang phân bổ nguồn lực tiếp tục đo đạc, lập thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài cho người dân. Triển khai REDD+ thời gian qua gặp vướng mắc lớn nhất là địa vị pháp lý đất rừng của cá nhân, hộ gia đình chưa rõ ràng; tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số vẫn diễn ra chậm chạp.

Theo ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT,  10 năm qua, ngành nông nghiệp chủ trương bảo vệ nghiêm ngặt rừng tự nhiên, tập trung vào phát triển rừng trồng và sử dụng các giá trị nhiều mặt về môi trường của rừng, trong đó có dịch vụ giảm phát thải, hấp thụ các bon rừng. Cho nên, để thực hiện sáng kiến REDD+, cần đánh giá, đúc kết thực tiễn về kết quả của các dự án, phân bổ nguồn tài chính hợp lý cho ngành lâm nghiệp. Các địa phương miền núi cho rằng, các cơ chế, chính sách hiện chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút sự tham gia của cộng đồng và người dân vào các hoạt động quản lý và bảo vệ rừng. Đơn cử tại huyện Phước Sơn, để bảo tồn và quản lý có hiệu quả rừng cây ba kích tím phân bổ tập trung lẫn rải rác ở rừng phòng hộ Đắc Mi, nhiều năm nay địa phương vẫn chưa thể thu hút doanh nghiệp vào đầu tư. Nguyên nhân là chưa có cơ chế chia sẻ lợi ích cụ thể của doanh nghiệp khi kết hợp khai thác, bảo tồn dược liệu quý dưới tán rừng.

Theo kế hoạch triển khai REDD+ được UBND tỉnh phê duyệt, năm 2030 sẽ giảm 14,17 triệu tấn CO2 từ rừng mỗi năm, trung bình giảm khoảng 1,18 triệu tấn CO2. Cải thiện và tăng cường quản trị rừng trong tỉnh, đặc biệt là thông qua các nỗ lực để giao và khoán 359.000ha rừng, trong đó giao 61.000ha rừng/đất rừng phù hợp cho các hộ, cộng đồng dân cư và giao 298.000ha rừng cho các ban quản lý rừng.

TRẦN HỮU