Thay đổi tư duy phát triển kinh tế rừng
Ngành lâm nghiệp và các địa phương trong cả nước (trong đó có Quảng Nam) đã tái cấu trúc toàn diện mô hình phát triển kinh tế rừng và chế biến lâm sản, nhưng trước sân chơi hội nhập đòi hỏi phải “cởi trói” các cơ chế chính sách còn chưa sát thực tiễn.
Chuyển hóa rừng trồng
Từ chính sách miễn giảm tiền thuê đất trồng rừng, phát triển mạnh rừng trồng gỗ lớn, tỉnh Bình Định nổi lên là vùng cung cấp nguyên liệu gỗ rừng trồng và là một trong những trung tâm chế biến lâm sản lớn của cả nước. Ước tính, Bình Định có 240 doanh nghiệp chế biến gỗ, các sản phẩm gỗ của địa phương này xuất khẩu 80 quốc gia. Giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Sở dĩ Bình Định giàu mạnh về kinh tế rừng và chế biến lâm sản là ngay từ đầu đã đi đúng hướng, bằng xây dựng các trung tâm ươm cây giống lâm nghiệp hiện đại, theo hướng phục vụ thị trường trồng rừng gỗ lớn; giúp các doanh nghiệp thuê đất đủ lớn (miễn phí) để có được vùng nguyên liệu đủ quy mô công nghiệp. Các doanh nghiệp ở đây còn mở rộng liên kết với nhiều tỉnh lân cận vùng Trung Trung Bộ và Tây Nguyên để hợp tác liên kết trồng rừng gỗ lớn.
Để vươn ra “sân chơi” hội nhập, từ 10 năm trước, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định đã chủ động việc truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp từ rừng trồng của các tổ chức doanh nghiệp và nhân dân. Lợi thế của tỉnh này là cửa ngõ của Tây Nguyên, thông với vùng nguyên liệu gỗ từ Nam Lào và Bắc Campuchia nối với cảng biển Quy Nhơn. Nơi đây lại sớm hình thành các nhà máy chế biến gỗ tập trung ở Khu công nghiệp Phú Tài và Long Mỹ với gần 40 nhà máy. Từ việc hiểu “luật chơi” của các hiệp định thương mại tự do về xuất khẩu đồ gỗ, các doanh nghiệp ở Bình Định đã xây dựng được chiến lược phát triển, sản xuất kinh doanh hiệu quả, xuất khẩu đồ gỗ sang các nước EU - vốn là thị trường khó tính.
Tại Quảng Nam, kinh tế lâm nghiệp vẫn phát triển ì ạch do vùng nguyên liệu phân tán, thiếu tập trung; trong khi thiếu lực lượng doanh nghiệp trồng, chế biến lâm sản. Các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu ít, trong khi vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng (mỗi năm khai thác khoảng hơn 10.000ha) chủ yếu phục vụ cho các nhà máy sản xuất dăm gỗ. Các tổ chức quốc tế đồng hành nhiều năm gần đây đã mở ra cơ hội phát triển chuỗi giá trị rừng gỗ lớn, cũng như chế biến, xuất khẩu đồ gỗ.
Đơn cử, dự án Trường Sơn Xanh đã hỗ trợ nhiều địa phương của tỉnh trồng rừng gỗ lớn theo tiêu chuẩn quốc tế (FSC), từ việc đầu tư vườn ươm nuôi cấy mô đến sản phẩm hoàn thiện cuối cùng phân phối đến tay người tiêu dùng. Theo dự án Trường Sơn Xanh, đến năm 2020, tổng diện tích rừng gỗ lớn hướng đến quản lý bền vững theo tiêu chuẩn FSC sẽ đạt 4.560ha, trong đó rừng trồng mới là 2.760ha và rừng chuyển đổi sang rừng gỗ lớn là 1.800ha. Bên cạnh đó, các nhà máy, doanh nghiệp chủ động liên kết với người dân để trồng rừng và chuyển hóa rừng từ chu kỳ khai thác ngắn (4 - 5 năm) sang tối thiểu 10 năm.
Dự án Trường Sơn Xanh đã hỗ trợ các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nông Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My và Núi Thành tiếp cận được phương pháp quản lý rừng hiện đại, kết hợp ổn định sinh kế cho cư dân bản địa từ các mô hình.
Đa dạng cơ chế hỗ trợ
Tổng cục Lâm nghiệp thông tin, giai đoạn 2016 - 2020, tổng kinh phí huy động để phát triển lâm nghiệp đạt 50.231 tỷ đồng; giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng bình quân 5,73%/năm; giá trị sản xuất đồ gỗ và lâm sản tăng từ 7,1 tỷ USD (năm 2015) lên 11,3 tỷ (năm 2019) và dự kiến năm 2020 ước đạt 12 tỷ USD. Tuy nhiên, cũng theo Tổng cục Lâm nghiệp, mức đầu tư cho trồng, chăm sóc, khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng thấp, không phù hợp với điều kiện thực tế. Nguồn ngân sách nhà nước chủ yếu ưu tiên hỗ trợ cho các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ mà chưa bố trí đến rừng sản xuất. Các địa phương thì chậm ra đời các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển rừng gỗ lớn, phát triển lâm đặc sản.
Tại Quảng Nam, mức hỗ trợ 1ha rừng trồng gỗ lớn của Nhà nước thấp hơn nhiều so với chi phí đầu tư trồng rừng (dao động 50 - 70 triệu đồng/ha). Theo quyết định phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn theo Quyết định số 38 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2019 - 2020, mức hỗ trợ đối với các xã trong khu vực biên giới là 10 triệu đồng/ha, các xã ngoài khu vực biên giới 8 triệu đồng/ha. Ngoài ra, hỗ trợ chi phí cho công tác khuyến lâm 500 nghìn đồng/ha/4 năm (1 năm trồng và 3 năm chăm sóc); hỗ trợ một lần chi phí khảo sát, thiết kế, ký kết hợp đồng trồng rừng 300 nghìn đồng/ha.
Chính quyền tỉnh cũng có cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng vườn ươm cây giống lâm nghiệp tại địa bàn miền núi. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, ngoài các cơ chế phát triển mạnh rừng gỗ lớn, các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường cũng rất quan trọng, không chỉ phát triển thị trường xuất khẩu mà còn quan tâm đến thị trường nội địa. Ngoài ra, cần phát triển mạnh cơ chế, chính sách về lâm sản phụ, vì lâm sản phụ cho giá trị lớn gấp 3 - 4 lần cây gỗ, nhất là sản phẩm dược liệu.
“Sắp đến ngành chế biến gỗ sẽ phát triển theo theo hướng hiện đại, không chỉ đảm bảo phát triển kinh tế mà còn đảm bảo an sinh xã hội, phát triển rừng trên địa bàn” - ông Tuấn nói.