Rừng keo chết khô do nắng nóng
Tại xã Bình Phú (Thăng Bình), nhiều diện tích keo trồng của người dân từ 2 - 3 năm tuổi bị chết khô do nắng nóng kéo dài. Theo thống kê, tính đến thời điểm này, xã Bình Phú có đến 40ha rừng trồng keo của người dân bị chết do khô hạn.
Năm 2002, ông Nguyễn Viết Trãi (thôn Linh Cang, xã Bình Phú) được giao gần 12ha đất rừng để sản xuất. Từ năm 2003 đến nay, keo lá tràm là cây trồng chủ lực của ông Trãi và nhiều hộ dân địa phương. Ông cho biết năm nay nắng nóng kéo dài, rừng keo khô lá và chết dần. Trong 12ha rừng keo của ông Trãi, đến nay có 7ha bị chết khô. Diện tích keo còn lại cũng đã bắt đầu vàng lá, có thể sẽ không sống được nếu nắng hạn kéo dài thêm ít ngày nữa.
Điều đáng nói, hiện toàn bộ rừng keo nhà ông Trãi đã 2 - 3 năm tuổi. Tính riêng công đầu tư ban đầu, mỗi héc ta keo trồng đã tốn từ 30 - 40 triệu đồng. Theo ông Trãi, khoảng 7 tháng nay, trên địa bàn xã chưa có trận mưa nào, khiến cây keo chết khô. Hơn nửa tháng nay, cây keo bắt đầu chết dần từ phần gốc rồi lên đến phần lá bên trên.
“Ở biển thì đánh bắt hải sản, còn những nông dân vùng núi chúng tôi thì chỉ có trồng rừng. Vậy mà năm nay nắng hạn kéo dài, khiến nhiều diện tích keo chết khô. Bao nhiêu công cán, tiền đầu tư xem ra mất trắng. Nông dân chúng tôi tiếc lắm, nhưng bây giờ biết làm sao?” - ông Trãi than thở.
Tương tự, ông Trần Xuân Liễu (thôn Linh Cang, xã Bình Phú) cũng đứng ngồi không yên bởi bao nhiêu vốn liếng đã đầu tư hết vào cây keo. Khó khăn ban đầu cũng đã khắc phục được, bây giờ chỉ chờ 1 - 2 năm nữa thì thu hoạch rừng keo thu hồi vốn và kiếm ít lãi. Vậy mà nắng hạn kéo dài, hơn 5ha keo trồng của gia đình ông Liễu bị chết khô. “Thời tiết nắng nóng như thế này thì không những 5ha keo đã chết, mà có thể còn lan rộng ra hết diện tích 10ha của gia đình, tôi lo lắng quá” - ông Liễu nói.
Tính đến thời điểm này, theo thống kê sơ bộ, toàn xã Bình Phú đã có đến 40ha keo trồng của người dân bị chết khô vì thiếu nước. Ông Nguyễn Văn Diên - Phó Ban nông nghiệp xã Bình Phú cho hay, toàn xã có hơn 800ha rừng sản xuất, trong đó chủ yếu là trồng keo.
“Hiện ngành nông nghiệp xã đang thống kê diện tích bị chết do nắng nóng. Tuy nhiên, địa phương lại không có cơ chế nào để hỗ trợ người dân. Trước mắt và quan trọng lúc này là chúng tôi tuyên truyền cho người dân phải thường xuyên thăm rừng, không được thu hoạch rừng keo đã bị chết mà phải tạm thời chờ đến mùa mưa. Nếu dọn, đốt thực bì vào lúc này thì nguy cơ cháy rừng rất cao” - ông Diên nói thêm.