Đổi hướng kinh tế rừng
Tái cơ cấu rừng trồng, chuyển từ trồng keo lai ngắn hạn sang trồng rừng gỗ lớn đang được huyện Bắc Trà My tích cực triển khai.
Thực tiễn cần thay đổi
Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My, rừng trồng của người dân huyện Bắc Trà My với chu kỳ khai thác ngắn, từ 3 - 5 năm, tập trung chủ yếu là cây nguyên liệu giấy và dăm gỗ, giá cả thị trường luôn biến động. Loại hình kinh tế rừng này không chỉ giá trị thấp mà còn ảnh hưởng xấu đến môi trường, giảm độ che phủ rừng, tăng khả năng xói mòn, sạt lở đất. Năm 2017 tại các xã Trà Giang, Trà Sơn xảy ra thảm họa sạt lở núi, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Thực tế này được nhìn nhận và Bắc Trà My hiểu cần có sự thay đổi, và cũng bởi đó là xu thế phát triển chung theo định hướng của tỉnh.
Ông Huỳnh Ngọc Thiệu - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My cho hay, UBND huyện đã có dự án, khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn, với chu kỳ khai thác hơn 10 năm. Ông Thiệu chia sẻ: “Trồng rừng gỗ lớn vừa có hiệu quả kinh tế, vừa bảo vệ môi trường. Từ đó có thể đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản phẩm từ khai thác gỗ nhỏ để xuất khẩu dăm gỗ sang khai thác gỗ lớn nhằm tạo vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp nguyên liệu gỗ cho công nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu, giảm dần nhập khẩu gỗ nguyên liệu và phát triển rừng trồng có chứng chỉ. Đồng thời khả năng sinh lãi trên một đơn vị diện tích tăng cao hơn so với tập quán canh tác cũ của chu kỳ khai thác ngắn”.
Gắn với lợi ích người dân
Để khuyến khích người dân chuyển sang trồng rừng gỗ lớn, từ nguồn ngân sách Bắc Trà My sẽ hỗ trợ các hộ gia đình, cá nhân tự đầu tư trồng rừng gỗ lớn và các hạng mục cần thiết khác như chăm sóc, phát dọn, quản lý.., sau khi nghiệm thu kết quả đầu tư (từng phần hoặc toàn bộ kết quả). Người dân có nhu cầu vay vốn trồng rừng sẽ được hỗ trợ nguồn vốn vay từ các ngân hàng.
Giai đoạn 2019 - 2023, dự án của huyện đặt mục tiêu trồng rừng gỗ lớn tổng diện tích 5.726ha, với sự tham gia của 10.396 hộ dân, qua đó giải quyết việc làm cho gần 48.200 lao động. Xét về kinh tế, lợi nhuận của người dân khi trồng rừng gỗ nhỏ khoảng 2,4 triệu đồng/ha/năm, khi chuyển sang trồng rừng gỗ lớn có thể đạt đến hơn 12 triệu/ha/năm.
Bắc Trà My đã kêu gọi Công ty Lâm nghiệp Quảng Nam lập dự án, với quy mô trồng rừng gỗ lớn 4.000ha, vận động người dân tham gia. Ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết: “Huyện hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp liên doanh liên kết với các hộ gia đình để đầu tư trồng rừng gỗ lớn. Theo phương thức doanh nghiệp đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật, các hộ gia đình góp vốn bằng quyền sử dụng đất; khi có sản phẩm khai thác, các bên hưởng lợi theo tỷ lệ góp vốn. Cách làm này nhằm hình thành chuỗi giá trị của sản phẩm lâm nghiệp, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, các địa phương có rừng được cho phép thành lập hợp tác xã nhân giống cây trồng, chế biến tại chỗ để cung ứng cho doanh nghiệp. Sự hợp tác này giúp người dân từng bước được chuyển giao kỹ thuật về sử dụng giống đạt chất lượng theo quy định và kỹ thuật canh tác tiến bộ, từ đó có thể nhân rộng để tăng năng suất, chất lượng cây trồng, đồng thời tạo việc làm và thu nhập cao hơn cho người dân”.