Làm lại "khai sinh" cho chè Đức Phú
Tuy đã bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng ông Nguyễn Văn Hùng (thôn Đức Phú, xã Tam Sơn, Núi Thành) vẫn cần mẫn trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến sản phẩm chè Đức Phú. Ông không chỉ giữ được hồn cốt của cây chè mà còn cố công làm lại “khai sinh” cho cây chè Đức Phú vang bóng một thời.
Trong căn nhà nằm bên triền đồi lộng gió ở xóm Chùa (thôn Đức Phú), ông Nguyễn Văn Hùng tiếp chúng tôi bằng những ly nước chè ngút khói. Ông kể, mình sinh năm 1950, trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở thôn Đức Phú. Năm 1920, ông nội của ông Hùng là ông Nguyễn Công Chánh mua 6 sào đất đồi để trồng chè. Năm 1930, ông Nguyễn Kỉnh - cha ông Hùng tiếp tục quản lý, chăm bón, thu hoạch bán cho nhà máy chế biến chè của một người Pháp có tên là Ký Bồn. Chè Đức Phú vốn là cây bản địa có từ lâu đời, không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn ở các nước phương Tây. Cây chè đã đi vào ca dao như “Nhớ chè Đức Phú ngát hương, Bàu Tre thuốc lá, Danh Sơn nếp bầu”, hay như “Nhất thuốc Bàu Tre, nhì chè Đức Phú”...
Kỹ thuật nhân giống chè Đức Phú trước đây chủ yếu là ươm từ hột. Sau khi ươm được một năm, đến tiết Đông chí đem ra trồng. Khoảng 8 tháng sau, thân chè nhảy được 2 mụt, ngắt bỏ, đến mùa xuân lại, hái lượt chính vụ đầu tiên. Mùa hè nếu có mưa chè sẽ nhảy nhánh non cũng hái bỏ, đến tháng 8 hái lượt thứ hai, bình quân mỗi năm hái 3 - 4 lượt. Nếu thực hiện đúng quy trình thì chè trồng được 3 - 4 năm, thân cây không cao, dễ hái, chồi nhánh đâm ra nhiều và chất lượng chè được tốt hơn.
Gần cả đời gắn bó với cây chè Đức Phú, ông Hùng đã nhiều lần đầu tư khôi phục nghề trồng và chế biến chè nhưng đều bị thất bại. Trong những năm gần đây ông hạ quyết tâm, về quê xây dựng căn nhà trên nền nhà cũ, tìm kiếm những cây chè bản địa về trồng tập trung. Đến nay trong vườn nhà của ông có hơn 4.000 cây chè từ 30 năm tuổi trở lên.
Để phát triển nguồn giống, ông Hùng huy động khá đông lao động tìm kiếm những cây chè con bản địa tự mọc rải rác ở các khu rừng về trồng tập trung với giá 50 nghìn đồng/cây. Ông còn đứng ra thành lập Tổ hợp tác chè Đức Phú, đầu tư mua máy móc, thiết bị để chế biến chè.
Đầu năm 2020, UBND xã Tam Sơn hỗ trợ tổ hợp tác một máy diệt men, máy xay và một máy sấy trà với tổng kinh phí hơn 100 triệu đồng từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới. Với máy móc, thiết bị hiện có đủ điều kiện để Tổ hợp tác chè Đức Phú sản xuất bình quân 500kg chè khô/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 6 lao động. Sản phẩm chè Đức Phú đang có mặt trên thị trường Quảng Nam, Đà Nẵng và một số địa phương lân cận với giá 180 nghìn đồng/kg.
Theo kế hoạch, thời gian đến, ông Hùng sẽ trồng thêm 100.000 cây chè (tương ứng 5ha đất), kêu gọi đầu tư, mua thêm máy móc, thiết bị, nâng cấp nhà xưởng, phát triển quy mô sản xuất, in bao bì, nhãn mác, đăng ký bảo hộ sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Tổ hợp tác cũng dự kiến chuyển đổi thành hợp tác xã trong thời gian đến nhằm giải quyết nhiều việc làm cho người địa phương.