Đai rừng nơi "đầu sóng ngọn gió"

HỮU PHÚC 22/06/2020 04:49

Quy hoạch rừng cũng như nhiều loại quy hoạch ngành, lĩnh vực khác không bao giờ là bất biến ở từng giai đoạn mà có sự điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội từ cấp trung ương đến địa phương. Sự đầu tư hàng loạt dự án phục vụ phát triển kinh tế, du lịch, đô thị thời gian qua ở vùng đông ít nhiều tác động đến đai rừng phòng hộ ven biển; nhưng với nỗ lực trồng rừng thay thế và giữ lại không gian xanh tối thiểu, kỳ vọng sẽ hạn chế được rủi ro của thiên tai nơi “đầu sóng ngọn gió”.

 
 Thời gian qua, nhiều dự án tác động vào đai rừng phòng hộ ven biển. Ảnh:H.P

THAY ĐỔI CHỨC NĂNG SỬ DỤNG ĐẤT

Việc điều chỉnh cơ cấu sử dụng đất ở các địa phương vùng đông của tỉnh trong quy hoạch chung Khu kinh tế mở Chu Lai được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để đáp ứng làn sóng đầu tư nhộn nhịp.

Theo thống kê, tại Khu kinh tế mở Chu Lai có ít nhất 170 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 116 nghìn tỷ đồng (tương đương hơn 5,3 tỷ USD). Trong số này có 50 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký hơn 772 triệu USD, 120 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 98,9 nghìn tỷ đồng. Tỉnh ủy xác định được 6 nhóm dự án đầu tư phát triển trọng điểm vùng đông nam, xem đây vừa là động lực vừa là mục tiêu phát triển. Để vùng ven biển xứng đáng là nơi “chọn mặt gửi vàng” cho nhà đầu tư chiến lược, dễ nhận thấy “chiếc áo hạ tầng” được thay mới khá tươm tất.

Con đường “xương sống” ven biển 129 kéo dài từ Hội An đến Tam Kỳ đã đưa vào sử dụng và theo kế hoạch năm nay sẽ tiếp tục khớp nối đến điểm cuối sân bay Chu Lai (Núi Thành). Hiện, các nhà thầu tập trung thi công nối dài đường 129 từ Tam Kỳ đến sân bay Chu Lai và các tuyến nối từ đường 129 lên ngã ba Cây Cốc (Thăng Bình) nối với quốc lộ 1, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, dự kiến hoàn thành trong năm 2020.

Vệt ven biển từ Duy Xuyên đến Thăng Bình vốn là “vùng đất chết” giờ đã thành các khu du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí, đô thị sầm uất. Gần 1.000ha đất nông nghiệp, nhà ở, trồng cây lâu năm, cả rừng phòng hộ của 2 xã Duy Hải, Duy Nghĩa (Duy Xuyên) và xã Bình Dương (Thăng Bình) đã thu hồi để xây dựng các tòa nhà cao tầng phục vụ cho các dự án nằm trong khu phức hợp Nam Hội An. Rồi khu vui chơi giải trí Vinpearl Nam Hội An đưa vào hoạt động vài năm nay.

Dưới chân cầu Cửa Đại, phía Duy Hải các dự án đô thị nhìn ra sông trông thật thơ mộng. Theo kế hoạch, chính quyền tỉnh sẽ bàn giao 2.000ha đất sạch cho nhà đầu tư, thì phần lớn diện tích đất ở xã Duy Hải và một phần xã Bình Dương sẽ hoàn toàn thay đổi chức năng sử dụng đất. Theo quy hoạch, sau khi thu hồi toàn bộ đất của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án thì nơi đây sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất phát triển đô thị, thương mại – dịch vụ và đất ở tái định cư.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, nhiều dự án lớn đã có chủ trương đầu tư như dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp của Công ty CP Ô tô Trường Hải với tổng vốn đăng ký hơn 2.000 tỷ đồng; dự án nhà máy điện tuabia khí hỗn hợp miền Trung I và II của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Ngoài ra, Khu kinh tế mở Chu Lai đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 19 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 45,1 nghìn tỷ đồng, tương đương 1,93 tỷ USD; trong đó, có 9 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 135 triệu USD.

Theo quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, tổng diện tích tự nhiên ở khu vực này là 27.040ha. Trong đó, đất khu phi thuế quan 1.012ha; đất xây dựng các khu công nghiệp 5.010ha; đất khu cảng và logistic 315ha; đất các khu du lịch, dịch vụ, hỗn hợp 2.475ha; đất xây dựng các khu chức năng đô thị 4.525ha; đất cây xanh sinh thái, cách ly 750ha; đất các khu dân cư nông thôn và sản xuất nông nghiệp 4.970ha; đất giao thông đối ngoại 1.445ha. Và đặc biệt đất quy hoạch rừng phòng hộ là 2.613ha. Như vậy, đất rừng phòng hộ theo điều chỉnh quy hoạch của Thủ tưởng đã bị giảm đi một phần diện tích so với quy hoạch trước đó của UBND tỉnh.

ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH ĐẤT RỪNG PHÒNG HỘ

Trong điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế mở Chu Lai đã cắt giảm một phần diện tích so với quy hoạch trước đây, đồng thời phân loại cụ thể chức năng phòng hộ.

Phân loại theo chức năng

Tại huyện Thăng Bình, nơi còn diện tích rừng phòng hộ lớn nhất tỉnh là xã Bình Sa với hơn 439ha. Nơi đây trồng rừng phòng hộ chủ yếu với chức năng chắn sóng gió và cát bay. Xã Bình Dương với nhiều dự án triển khai trong khu phức hợp nghỉ dưỡng Nam Hội An đã thu hồi nhiều diện tích rừng phòng hộ, chỉ còn 246,7ha.

Trong khi đó, vùng đông Duy Xuyên (gồm 4 xã Duy Hải, Duy Nghĩa, Duy Thành và Duy Vinh) theo Quyết định số 120 ngày 11.1.2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh giai đoạn 2011 – 2020 (gọi tắt Quyết định số 120) còn gần 67ha. Trong đó xã Duy Hải đã hầu như bị biến mất hoàn toàn rừng phòng hộ. Theo UBND xã Duy Hải, sở dĩ không còn rừng phòng hộ vì đã thu hồi đất, giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư thực hiện các dự án thuộc khu phức hợp Nam Hội An như sòng bạc, dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng, đô thị…

Dọc đường ven biển 129 qua địa bàn xã Tam Phú (TP.Tam Kỳ), hàng trăm héc ta rừng keo hàng chục năm tuổi trải dài; dễ nhìn thấy ở các vạt đất cát nhiều cây keo lá tràm chừng 2 – 3 năm tuổi bắt đầu mơn mởn xanh, không còn bỏ đất hoang hóa. Vào khu vực phía nam, một thời các xã Tam Tiến, Tam Hòa (Núi Thành) rầm rộ với phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng nhưng nhiều nơi sát “họng gió” vẫn còn dãy rừng dương già. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, vùng đông của huyện Núi Thành hiện còn hơn 944ha rừng phòng hộ, riêng 2 xã Tam Hòa và Tam Tiến được giữ lại gần 700ha theo Quyết định số 120 của UBND tỉnh.

Sở NN&PTNT cho biết, diện tích đai rừng phòng hộ ven biển được thiết lập trên địa bàn 32 xã, phường, thị trấn của các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành, TP.Hội An và TP.Tam Kỳ với tổng diện tích 3.193ha, phân theo chức năng rừng phòng hộ cảnh quan,  bảo vệ môi trường phòng chống thiên tai. Trong đó, rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển được thiết lập trên địa bàn các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành và TP.Hội An với diện tích hơn 555ha; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay thuộc các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành và TP.Tam Kỳ với tổng diện tích 538,5ha.

Cắt giảm diện tích rừng

Theo văn bản giải trình của Sở NN&PTNT (ngày 24.4.2020) về đề nghị của Bộ Xây dựng liên quan rà soát quy hoạch rừng phòng hộ ven biển để xúc tiến các dự án đầu tư tại vùng đông nam, Quyết định số 120 của UBND tỉnh, xác định đến năm 2020 nâng cao chất lượng 400.821ha rừng phòng hộ và rừng đặc dụng khu vực phía tây và 3.638ha rừng phòng hộ ven biển nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu như sạt lở bờ sông, bờ biển, chắn gió, chắn cát, tạo cảnh quan ở các đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch sinh thái. Các chủng loại cây trồng ven biển chủ yếu phi lao, keo, mắm, đước, dừa nước.

Tuy nhiên, từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 1737,  ngày 13.12.2018 điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 đã có nhiều biến động trong quy hoạch sử dụng đất rừng phòng hộ. Theo quy hoạch này, rừng phòng hộ ven biển tỉnh có diện tích tích 2.613ha, tại các vị trí dọc tuyến đường ven biển và đường 129; một số khu công nghiệp, khu đô thị Tam Anh và một số khu vực tập trung tại các xã Bình Đào, Bình Trung, Bình Sa, Bình Nam (Thăng Bình); các xã Tam Thăng, Tam Phú (Tam Kỳ), xã Tam Tiến (Núi Thành).

Như vậy, quy hoạch theo Quyết định số 120 của UBND tỉnh rừng phòng hộ ven biển là 3.638ha; trong khi điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế mở Chu Lai theo Quyết định 1737 của Thủ tướng giảm xuống còn 2.613ha. Tuy nhiên, qua kết quả rà soát diện tích rừng phòng hộ thực tế của ngành nông nghiệp thì chỉ có 1.709ha (giảm 904ha so với quy hoạch Khu kinh tế mở Chu Lai theo Quyết định 1737 của Thủ tướng).

Trong đó, diện tích đã có rừng 1.010ha, đất không có rừng 699ha. Diện tích rà soát để bổ sung cho quy hoạch rừng phòng hộ qua sự thống nhất giữa các địa phương và Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai là 822ha, còn thiếu so với quy hoạch của Chính phủ là 82ha. Có ý kiến cho rằng việc đưa vào quy hoạch rừng phòng hộ phù hợp nhất đối với diện tích đất chưa có rừng (699ha); bởi lẽ dễ triển khai trồng rừng bình thường do không phải bồi thường, giải phóng mặt bằng. 

BẤT CẬP VÀ CHỒNG CHÉO

Sự điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế mở Chu Lai kéo theo thay đổi quy hoạch kế hoạch sử dụng đất và từ đây cũng lộ diện những bất cập, chồng chéo trong quy hoạch rừng phòng hộ.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Minh Hưng cho rằng, qua kết quả khảo sát thực địa và làm việc với các địa phương, người dân xác định trong diện tích quy hoạch rừng phòng hộ theo Quyết định 1737 của Thủ tướng có nhiều vị trí quy hoạch rừng phòng hộ chưa phù hợp với thực tế. Theo thống kê, khoảng 180ha có hiện trạng là rừng trồng phi lao, rừng ngập mặn sinh trưởng phát triển tốt, được người dân trồng qua nhiều năm đang phát huy tác dụng bảo vệ môi trường, chống tình trạng cát bay, chắn sóng lấn biển và sạt lở, bảo vệ hoa màu. Nhưng việc điều chỉnh quy hoạch gần như chuyển đổi hoàn toàn đai rừng dọc theo các bãi biển qua xây dựng các công trình dự án. Bất cập khác là khoảng 20ha tại khu vực biển Tam Thanh, biển Tam Tiến đã, đang triển khai một số dự án resort cũng bị quy hoạch với chức năng rừng phòng hộ.

Theo giải trình của Sở NN&PTNT, vướng mắc khi quy hoạch rừng phòng hộ hiện nay còn ở chỗ, nhiều khu dân cư sinh sống lâu đời của người dân, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích 120ha, nhưng vẫn được “chỉ điểm” là rừng phòng hộ. Việc quy hoạch như trên là không cần thiết, thậm chí khó khả thi bởi lẽ các khu dân cư tồn tại lâu đời, lại xây nhà ở kiên cố. Đó là chưa kể muốn đưa dân ra khỏi đất quy hoạch phải thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư rất tốn kém. Nhà nước sẽ lấy nguồn lực ở đâu để bồi thường đất có quyền sở hữu sử dụng của người dân để trồng rừng phòng hộ? Các quy hoạch trước đây của UBND tỉnh và ngành nông nghiệp sẽ bị vô hiệu lực khi Thủ tướng điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế mở Chu Lai.

Cũng theo Sở NN&PTNT, vướng mắc trong phát triển hệ thống rừng phòng hộ ven biển trong Khu kinh tế mở Chu Lai là đã biến đất nông nghiệp đang trồng lúa nước tập trung với hơn 260ha vào quy hoạch rừng phòng hộ, điều này chẳng khác nào tạo ra áp lực sinh kế cho người dân địa phương. Lẽ đương nhiên người dân lẫn chính quyền địa phương sẽ khó có thể đồng thuận khi bỗng dưng bị mất đi đất canh tác ổn định.

Diện tích quy hoạch trồng rừng phòng hộ hiện nay khả thi nhất là ở khu vực  đường giao thông, khu công nghiệp, khu dân cư, đai rừng phòng hộ dọc hành lang bảo vệ bờ biển. Ngược lại, theo quy hoạch điều chỉnh Khu kinh tế mở Chu Lai, trong số 2.613ha quy hoạch rừng phòng hộ có 976ha rừng, diện tích còn lại quy hoạch cho trồng rừng chỉ có hiện trạng như đất nông nghiệp, ngập nước, khu dân cư; muốn thay đổi chức năng sử dụng đất thì theo quy định phải bồi thường cho người dân.

Vì sao Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai lại tham mưu quy hoạch diện tích rừng phòng hộ có sự chồng lấn trên? Trong văn bản số 275, ngày 20.4.2020, Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cho rằng, trong quá trình lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 thì đơn vị đã lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, chính quyền cấp xã, huyện. Việc bố trí rừng phòng hộ ven biển theo Quyết định số 1737 của Thủ tướng tập trung phần lớn trên tuyến đường Võ Chí Công (đường 129) và một số khu công nghiệp, phù hợp với chủ trương của các cấp có thẩm quyền. Trong khi đó, Sở NN&PTNT khẳng định, trong quá trình rà soát thực tế để bố trí các đai rừng phòng hộ của đơn vị tư vấn lâm nghiệp và làm việc với các địa phương vẫn có một số vị trí chưa được địa phương thống nhất.

Chính quyền các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên băn khoăn, quy hoạch đai rừng phòng hộ ven biển là cần thiết và kịp thời, song phải rà soát chi tiết và hết sức thận trọng về thực tế sử dụng đất hiện nay. Không vì sự dẫn dắt chủ quan của ngành, đơn vị nào mà quy hoạch chồng lấn, đưa nhiều diện tích rừng vào chức năng phòng hộ, nhưng không có phương án bồi thường, đưa dân ra khỏi “vùng cấm”. Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ Nguyễn Minh Nam đề xuất, mở rộng thêm các đai rừng phòng hộ quanh các khu công nghiệp, khu nghĩa trang và giữ nguyên trạng thái rừng phòng hộ ven biển của dự án Pacsa; kịp thời điều chỉnh các vị trí quy hoạch rừng phòng hộ chồng lấn với khu vực quảng trường biển Tam Thanh và các tuyến đường nhánh.

CẦN TRỒNG RỪNG THAY THẾ

Thấy được tầm quan trọng của đai rừng phòng hộ trong phòng chống thiên tai nên một số địa phương ven biển yêu cầu chủ dự án phải trồng lại rừng thay thế nếu tác động vào rừng.

Trồng rừng ngập mặn ven biển ở Núi Thành.
Trồng rừng ngập mặn ven biển ở Núi Thành.

Tại các xã Bình Dương, Bình Minh (Thăng Bình) và Tam Tiến (Núi Thành) phía tây đường ven biển còn giữ lại gần như nguyên vẹn rừng phòng hộ. Tại Thăng Bình, các dự án có chủ trương đầu tư như dự án khu đô thị ven biển xã Bình Dương, làng biển nhiệt đới đang triển khai thi công và một số dự án đã công bố quy hoạch chi tiết 1/500 như khu phức hợp nghỉ dưỡng quốc tế An Thịnh - PPC, dự án thành phố giáo dục quốc tế - Nam Hội An, nhóm dự án của Công ty CP Tập đoàn BRG... 

Theo UBND huyện Thăng Bình, địa phương đề nghị giữ nguyên hiện trạng đối với khu vực hành lang bảo vệ bờ biển và triển khai công tác trồng rừng bổ sung trên khu vực hành lang bảo vệ bờ biển; đảm bảo kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các khu vực đưa vào quy hoạch rừng phòng hộ. Đồng thời điều chỉnh một số vị trí quy hoạch rừng phòng hộ theo Quyết định số 1737 của Thủ tướng chưa phù hợp với thực tế như tại khu vực dự án BRG để giữ nguyên đai rừng phòng hộ ven biển.

Theo ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, địa phương thống nhất bảo toàn nguyên vẹn diện tích rừng phòng hộ ven biển, trồng rừng thay thế ở một số vị trí cần thiết. Trước đây làn sóng tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng để nuôi tôm lót bạt trên cát, các cấp chính quyền đã rốt ráo vào cuộc. Theo phương án tổ chức lại nuôi trồng thủy sản vùng đông giai đoạn 2018 – 2030 thì quy hoạch một số vùng nuôi thủy sản tập trung không chồng lấn quy hoạch khác. Chính vì không gia hạn cho thuê đất nuôi tôm trên cát sau ngày 31.12.2018 đối với vùng nuôi tôm lót bạt trên cát quy hoạch tạm thời tại 2 huyện Núi Thành và Thăng Bình nên nhiều địa phương có cơ hội phục hồi rừng phòng hộ.

Theo UBND tỉnh, để quản lý, bảo vệ khu vực rừng phòng hộ ven biển gắn với phát triển các dự án theo quyết định mở rộng Khu kinh tế mở Chu Lai của Thủ tướng Chính phủ, cần phải sắp xếp, thiết lập các đai rừng phòng hộ. Mục đích vừa phát triển được các khu chức năng, khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, sắp xếp bố trí lại dân cư để đảm bảo an toàn khi xảy ra thiên tai. Đồng thời giữ được hệ thống rừng trước biến đổi khí hậu, chống chịu gió bão, vừa tạo ra cảnh quan, sinh thái ở khu vực ven biển.

Thời gian qua, cùng với nhiều dự án đầu tư xây dựng phục vụ các nhóm dự án vùng đông nam, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án khôi phục rừng ngập mặn ven biển trải dài từ cửa biển An Hòa của huyện Núi Thành ra đến Cửa Đại của TP.Hội An. Cùng với chính quyền các cấp, người dân vùng ven biển khấp khởi khôi phục rừng ngập mặn. Quan điểm xuyên suốt của tỉnh là phải hạn chế tối đa các dự án tác động lớn vào đai rừng phòng hộ; định hướng khi dự án làm ảnh hưởng đến rừng phòng hộ thì nhà đầu tư phải trồng rừng thay thế.

HỮU PHÚC