Ứng dụng công nghệ tuần tra, bảo vệ rừng
Những năm gần đây, Ban Quản lý (BQL) Khu bảo tồn loài Sao la Quảng Nam đã áp dụng ứng dụng Locus Map Free trong công tác quản lý, tuần tra rừng. Với tính hiệu quả cao, áp dụng mọi địa hình nên ứng dụng này được Chi cục Kiểm lâm tỉnh triển khai rộng khắp cho lực lượng kiểm lâm và các ban quản lý rừng.
Năm 2012, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) đã trang bị cho Khu bảo tồn loài Sao la Quảng Nam phầm mền smart để giám sát hoạt động tuần tra bảo vệ rừng, tuy nhiên trong quá trình tổ chức thực hiện phần mềm này đã bộc lộ những hạn chế. Rõ nhất là việc thu thập dữ liệu của các tổ tuần tra bảo vệ rừng để lập báo cáo gửi cho BQL khu bảo tồn phải mang theo phiếu dữ liệu, máy định vị GPS, máy ảnh, bút viết; dữ liệu track có thể sao chép và sửa đổi ngày tháng. Hiện nay WWF - Việt Nam đã hỗ trợ cải thiện phần mềm smart trên điện thoại thông minh nhưng độ ổn định vẫn chưa cao và đang tiếp tục cải thiện để đáp ứng yêu cầu của công tác giám sát hoạt động tuần tra tại các khu bảo tồn.
Ông Lê Hoàng Sơn - Phó Giám đốc BQL Khu bảo tồn loài Sao la Quảng Nam cho biết, để khắc phục những bất cập trên của phần mềm smart, góp phần nâng cao hiệu quả giám sát tuần tra, đơn vị đã tìm hiểu ứng dụng Locus Map Free có những tính năng ưu việt như: ứng dụng chạy trên hệ điều hành Android của smart phone, khả năng định vị và lưu tracklog có sai số thấp, hình ảnh chụp trên tuyến tuần tra từ ứng dụng này được gắn trên tracklog của đợt tuần tra. Từ giữa tháng 9.2018, khu bảo tồn triển khai tập huấn cho toàn lực lượng kiểm lâm và các tổ tuần tra bảo vệ rừng thuộc BQL (34 người ở 6 tổ tuần tra tham gia tập huấn); mua sắm, trang bị điện thoại smart phone chạy hệ điều hành Android có phiên bản từ 6.0 trở lên, sạc pin dự phòng, ban hành quy chế sử dụng, báo cáo kết quả và triển khai áp dụng vào thực tiễn tuần tra từ tháng 10.2018.
Đến nay có 25 công chức, viên chức, lao động thuộc khu bảo tồn sử dụng thành thạo ứng dụng này để thực hiện tuần tra bảo vệ rừng, đã thực hiện áp dụng cho 228 đợt tuần tra. “Ứng dụng Locus Map giúp quản lý và giám sát hoạt động tuần tra của các nhóm tuần tra bảo vệ rừng, bổ sung cho những khiếm khuyết của phần mềm smart tại khu bảo tồn đang sử dụng. Ứng dụng này dễ dàng sử dụng, thực hiện trong mọi địa hình, với đầu tư ban đầu chỉ một chiếc điện thoại thông minh chạy hệ điều hành Android có phiên bản từ 6.0 trở lên. Ứng dụng này cũng sẽ giúp cho lãnh đạo BQL rừng theo dõi, quản lý và giám sát hoạt động tuần tra của các nhóm/tổ tuần tra bảo vệ rừng, nâng cao hiệu quả tuần tra bảo vệ rừng cho đơn vị” - ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, ứng dụng trên không tốn phí, dễ sử dụng, GPS có độ nhạy và độ chính xác cao, gọn nhẹ và dễ dàng mang theo cho các chuyến tuần tra. Chính nhờ ứng dụng này, nhân viên kiểm lâm, lực lượng tuần tra bảo vệ rừng thuận tiện hơn trong việc ghi chép, thu thập dữ liệu, lưu trữ hình… giám sát hoạt động tuần tra bảo vệ rừng. Anh Lê Ka Thắng (cán bộ BQL Khu bảo tồn loài Sao la Quảng Nam) cho biết, ứng dụng Locus Map Free rất tiện lợi và dễ dàng trong việc ghi dữ liệu tuần tra và xuất, gửi dữ liệu đều được thao tác trực tiếp trên điện thoại thông minh. Ngoài ra còn hỗ trợ chức năng chụp ảnh (ảnh gắn liền trên điểm và được xem/kiểm tra ngay trên Locus Map hoặc Google Earth điện thoại của bộ phận quản lý hay lãnh dạo cơ quan). Ảnh cũng thể hiện rõ ràng thời gian, tọa độ điểm ảnh giúp cho việc theo dõi số lượng nhân viên trong đợt tuần tra được chính xác hơn.
Ông Trần Văn Thu - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, sáng kiến “Ứng dụng Locus Map Free và thực tiễn công tác tuần tra bảo vệ rừng tại Khu bảo tồn loài Sao la” đã được Sở NN&PTNT công nhận sáng kiến và Sở Nội vụ lựa chọn phổ biến, áp dụng và nhân rộng trên địa bàn tỉnh. “Vừa qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã có văn bản đề nghị thủ trưởng các đơn vị trực thuộc thực hiện triển khai áp dụng sáng kiến vào tuần tra bảo vệ rừng tại địa bàn quản lý. Báo cáo kết quả triển khai thực hiện áp dụng sáng kiến nêu trên trong công tác tuần tra bảo vệ rừng tại địa bàn quản lý” - ông Thu nói.