Cháy rừng đe dọa an ninh nguồn nước

BÍCH HẠNH 22/05/2020 13:53

Thời tiết nắng nóng khiến nền nhiệt độ tăng cao, cộng với các vụ cháy rừng phòng hộ khu vực đầu nguồn đã đặt nhiều địa phương miền núi đối mặt với nguy cơ bị đe dọa an ninh nguồn nước.

Cháy rừng ở xã Mà Cooih đã lan đến sát nhà máy thủy điện Sông Bung 5. Ảnh: H.P
Cháy rừng ở xã Mà Cooih đã lan đến sát nhà máy thủy điện Sông Bung 5. Ảnh: H.P

Các nhà máy thủy điện gần như phụ thuộc vào hệ sinh thái rừng, chính vì vậy mà khi xây dựng hệ thống pháp luật về dịch vụ môi trường rừng theo tinh thần Nghị định 99 của Chính phủ, thủy điện là một trong những đối tượng bắt buộc phải “trả nợ rừng”. Các nhà khoa học khẳng định, rừng có chức năng phòng hộ đầu nguồn, giữ đất, giữ nước, điều hòa dòng chảy, chống xói mòn, rửa trôi, thoái hóa đất, chống bồi đắp sông ngòi, hồ đập, giảm thiểu lũ lụt, hạn chế hạn hán, giữ gìn được nguồn thủy năng lớn cho các nhà máy thủy điện. Thế nhưng, những năm gần đây, vào mùa khô, “giặc lửa” liên tiếp tấn công các khu rừng phòng hộ, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế và môi trường.

Ông Lê Quốc Hữu – Phó Giám đốc Công ty Thủy điện sông Bung 5 cho biết, việc cháy rừng phòng hộ ở gần khu vực nhà máy thủy điện Sông Bung 5 trước mắt chưa ảnh hưởng nhiều về nguồn nước, nhưng về lâu dài, các hồ chứa của thủy điện bậc thang đều bị tác động tiêu cực. Vì đây là rừng phòng hộ đầu nguồn, là một trong những nơi giữ đất, trữ nước. Rừng phòng hộ tạo điều kiện dự trữ nguồn nước cho thủy điện và cả hệ thống sông Vu Gia. Các chuyên gia thủy lợi cảnh báo, hiện nay các hồ thủy lợi, thủy điện trong tỉnh đã tích nước, điều hành đảm bảo nước sinh hoạt và nước phục vụ sản xuất, nhưng cháy rừng với quy mô lớn chắc chắn sẽ gây hệ lụy dài lâu. Theo ông Hữu, rừng cháy rồi thì không thể phục hồi được ngay trong vài năm. Vì vậy rừng đầu nguồn có vai trò rất quan trọng về việc đảm bảo an ninh nguồn nước, đặc biệt rừng già.

Vụ cháy rừng phòng hộ ở xã Mà Cooih (Đông Giang) nằm trong lâm phận của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Giang quản lý vừa qua đã cháy lan đến gần sát khu vực nhà máy thủy điện Za Hung, nhà máy thủy điện Sông Bung 5. Chủ các nhà máy thủy điện đóng chân ở địa bàn Đông Giang cho rằng, các vụ cháy rừng xảy ra vừa qua, dù trực tiếp hay gián tiếp đều tác động tiêu cực đến hoạt động tích nước của thủy điện.

Hơn chục năm qua, Quảng Nam có tỷ lệ che phủ rừng đáng ghi nhận, bởi độ che phủ năm sau luôn cao hơn năm trước, nhưng chất lượng che phủ rừng mới là điều đáng bàn. Bởi lẽ việc xây dựng đồng loạt nhà máy thủy điện, làm đường giao thông đã “xóa sổ” hoàn toàn những khu rừng đặc dụng, phòng hộ - nơi vốn được xem là đa dạng sinh học bậc nhất. Mỗi năm diện tích rừng đều được mở rộng, nhưng chủ yếu tập trung ở rừng sản xuất và trồng rừng thay thế. Những vụ cháy rừng gần đây sẽ tác động lớn tới các dòng sông và động vật sống dưới nước. Tác động dễ thấy nhất của hệ lụy cháy rừng là làm tăng nhiệt độ ở các con sông. Nếu nằm trong khu vực bị cháy rừng, nhiệt độ của các dòng sông, suối chắc chắn sẽ tăng cao hơn mức bình thường. Nguy hiểm hơn, nhiệt độ tăng cao sẽ làm cho một số loài sinh vật sống dưới nước không thể thích nghi và chết.

Các nhà khoa học còn cho rằng, những cơn mưa sau khi xảy ra cháy rừng sẽ cuốn theo tro, các kim loại bị cháy, xác động vật xuống nước, gây ra tình trạng ô nhiễm trong thời gian dài đối với nguồn nước. Tiếp đó, khi tro và các vật bị cháy trôi xuống nước, tạo điều kiện để vi khuẩn sinh sôi, nảy nở. Hậu quả trong ngắn hạn của cháy rừng là có thể làm cho nước có mùi vị kém hơn trước và có thể bốc mùi, buộc một số khu vực sẽ phải sử dụng nước đun sôi hoặc dùng nước đóng chai. Về lâu dài, khu vực dự trữ nước nguồn cũng sẽ bị mất cân bằng.

BÍCH HẠNH