Cần cơ chế quản lý hệ sinh thái rừng ngập mặn
Ngân sách nhà nước, cộng với sự hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài đã giúp nhiều hệ sinh thái rừng ngập mặn phát triển và phục hồi nhanh. Tuy nhiên, cơ chế nào để quản lý có hiệu quả sau đầu tư trồng mới là vấn đề cần được các địa phương quan tâm thỏa đáng.
Người dân tự chăm sóc, khai thác
Rừng dừa nước thôn Tịch Tây, xã Tam Nghĩa (Núi Thành) hiện còn khoảng 45ha kể cả trồng mới và được phục hồi. Ngoài diện tích dân trồng, chính quyền còn giao cho cộng đồng bảo vệ, quản lý. Dù chưa có trong quy định, nhưng địa phương từng đưa ra quy chế khai thác rừng dừa để thuận lợi cho quản lý. Hộ dân nào muốn khai thác lá, đánh bắt cá tôm… phải có thẻ do Ban Quản lý, bảo vệ rừng dừa Tịch Tây cấp (đơn vị do địa phương thành lập).
Chỉ có 2 loại thẻ: thẻ xanh dùng cho đối tượng khai thác lá dừa, còn thẻ vàng được khai thác nguồn lợi thủy sản. Để được cấp thẻ xanh, phải là người có thâm niên trồng dừa, hoặc có đăng ký vốn và kế hoạch trồng dừa khả thi. Việc khai thác phải có quy trình theo kỹ thuật lâm sinh.
Trước đây, rừng dừa Tịch Tây được Bộ TN&MT chọn để triển khai hợp phần ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhiều héc ta rừng dừa được trồng mới, nhưng dự án đã kết thúc 5 năm nay. Đặc điểm của rừng dừa nước là sum xuê lá, muốn phát triển tốt phải chăm sóc chặt tỉa cành lá khô thường xuyên.
Bí thư Đảng ủy xã Tam Nghĩa Châu Ngọc Hồng cho biết, hiện nay địa phương chưa cần thiết phải mở rộng diện tích rừng dừa ngập mặn mà Nhà nước nên dùng nguồn vốn để hỗ trợ cho các hộ dân chăm sóc, bảo vệ giống như cơ chế của Chính phủ về chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99 của Chính phủ.
“Nếu dùng ngân sách thì địa phương đề xuất hỗ trợ cho người dân chăm sóc, bảo vệ hơn là đầu tư trồng mới, tốn rất nhiều tiền nhưng hiệu quả thua xa việc chăm sóc” – ông Hồng so sánh.
Thực tế tại khu vực rừng phòng hộ Pacsa ven biển qua các huyện Núi Thành, Thăng Bình, TP. Tam Kỳ do không bố trí nguồn chăm sóc, bảo vệ thời gian sau này mà cây trồng thường còi cọc, chậm phát triển.
Đánh thức hệ sinh thái rừng
Những năm qua, các dự án khôi phục rừng ngập mặn trải dài từ cửa biển An Hòa (Núi Thành) ra đến Cửa Đại (Hội An) với diện tích quy hoạch lên đến hàng trăm héc ta. Các loại cây bản địa (sú, mắm sừng, vẹt, bần…) từ chỗ trên đà sắp bị xóa sổ ở các khu vực này đã được hồi sinh.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT – ông Lê Minh Hưng cho biết, dọc theo tuyến biển, hàng chục héc ta rừng ngập mặn vừa được trồng mới theo kế hoạch phát triển rừng hàng năm đang sinh trưởng, phát triển tốt. Tình trạng sạt lở bờ biển do những trận gió bão chắc chắn sẽ được hạn chế tại các địa phương được phục hồi rừng phòng hộ.
Rừng dừa ngập mặn Cẩm Thanh (Hội An) trồng mới hơn 3 năm tuổi giờ đã thăm thẳm xanh, kéo dài dọc sông Thu Bồn nhiều cây số. Trong khi đó, các xã Tam Giang, Tam Hòa, Tam Hải (Núi Thành), hơn 100ha rừng ngập mặn phân bố tập trung lẫn rải rác ở cửa sông, cửa biển đang được bảo vệ nghiêm ngặt. Một tín hiệu vui khác, mới đây UBND tỉnh đã giao Tam Kỳ làm chủ đầu tư dự án trồng, phục hồi hệ sinh thái Sông Đầm nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp, tạo cảnh quan và cải thiện môi trường sống cho người dân khu vực.
Theo UBND TP.Tam Kỳ, với kinh phí đầu tư gần 9 tỷ đồng, địa phương sẽ trồng cây, chăm sóc, bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái Sông Đầm trên diện tích khoảng 22ha, thời gian thực hiện đến năm 2023. Được biết, Sông Đầm bãi sậy hiện nay rất đa dạng sinh học, thành phố chủ trương phát triển du lịch tại đây từ nhiều năm nay. Việc kêu gọi đầu tư du lịch cũng bằng con đường hợp tác làm giàu hệ sinh thái Sông Đầm.