Phát triển kinh tế rừng vùng tây bắc của tỉnh: Nhiều rào cản

TRẦN HỮU 08/05/2020 12:20

Vùng tây bắc của tỉnh (gồm 3 huyện Tây Giang, Nam Giang và Đông Giang) hội tụ các điều kiện cho phát triển kinh tế rừng và bảo tồn các loại dược liệu quý. Thế nhưng, việc phát triển theo mô hình liên kết không gian vùng chỉ mới dừng lại ở ý tưởng.

Sản phẩm rừng trồng tại vùng tây bắc của tỉnh hiện vẫn gặp khó khăn trong việc vận chuyển, tiêu thụ. Ảnh: H.P
Sản phẩm rừng trồng tại vùng tây bắc của tỉnh hiện vẫn gặp khó khăn trong việc vận chuyển, tiêu thụ. Ảnh: H.P

Rào cản giao thông

Có lần trò chuyện với Phó Tổng Giám đốc phụ trách truyền thông Tập đoàn FVG Nguyễn Thị Phương Nhung (nhà đầu tư dự án khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang), bà than vắn thở dài rằng, dự án không thể theo mong muốn chủ quan được. Cản lực lớn không phải là vốn, giải phóng mặt bằng mà là đường sá quá tệ. Đường lên “cổng trời” Đông Giang hiện duy nhất bằng quốc lộ 14G nhưng lòng đường quá nhỏ hẹp, quanh co.

“Bản thân mình sau nhiều giờ đi xe tới chỗ đã mệt nhừ tử, do đường sá cách trở, nhỏ và xấu còn đâu sức để thưởng thức du lịch chứ. Nhà đầu tư tiên phong lên vùng cao khai phá làm ăn chỉ mong Nhà nước sớm đầu tư hạ tầng giao thông thuận lợi” – bà Nhung nói.

Nhiều năm nay, chính quyền 3 huyện Tây Giang, Đông Giang và Nam Giang phối hợp tìm kế phát triển kinh tế theo phương châm “3 trong 1”. Chiếm hơn 50% diện tích rừng tự nhiên của tỉnh, nhưng giá trị kinh tế lâm nghiệp mà vùng tây bắc đóng góp vẫn còn quá nhỏ so với các huyện trung du.

Theo ông Bling Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, nếu trồng rừng gỗ lớn thì cũng phải phát triển mạnh hạ tầng giao thông kết nối từ trung tâm các xã, các huyện với vùng nguyên liệu. Nếu không tổ chức liên kết sản xuất thì trồng rừng gỗ lớn theo chứng chỉ quốc tế (FSC) sẽ không bao giờ hiện thực hóa được, bởi thực tế rừng phân bố rải rác nhiều nơi, cả ngàn héc ta không liên vùng, liên thửa.

Đến nay, huyện Tây Giang bảo tồn thành công nhiều loại dược liệu quý dưới tán rừng. Các xã Gari, Ch’ơm, Axan của huyện phát triển mạnh đảng sâm; các xã Tr’hy, Lăng, Anông thì trồng ba kích. Ngoài 2 cơ sở sản xuất, tiêu thụ, thu mua cung ứng nguồn dược liệu bản địa trên địa bàn còn có Công ty CP Thương mại dược sâm Ngọc Linh đầu tư phát triển vùng dược liệu dưới tán rừng.

Tại huyện Đông Giang, phát triển bảo tồn vùng dược liệu bản địa, liên kết trồng rừng gỗ lớn đang gặp rào cản từ các chính sách tích tụ đất đai bởi phần lớn đất lâm nghiệp đều chưa rõ ràng về địa vị pháp lý, trong khi nhà đầu tư gặp khó khăn trong liên kết tìm quỹ đất đủ lớn để hình thành vùng nguyên liệu đáp ứng sản xuất quy mô công nghiệp.

Còn tại huyện Nam Giang, đến nay có hơn 1.300ha cao su đại điền và tiểu điền nhưng chưa cho thu nhập đáng kể; dù cây keo cho thu nhập bình quân trên dưới 50 triệu đồng/ha, nhưng số diện tích đưa vào khai thác mỗi năm khoảng dưới 200ha khiến địa phương này cũng chưa thực sự giàu mạnh về kinh tế rừng. Ngoài đường Hồ Chí Minh đi ngang qua 3 huyện thì các tuyến giao thông liên huyện chưa được đầu tư đúng mức, nên việc vận chuyển, tiêu thụ lâm sản gặp khó khăn.

Chậm bứt phá

Nhiều doanh nghiệp trồng rừng và chế biến gỗ rừng trồng muốn lên vùng tây bắc đầu tư nhưng lại rút lui chỉ vì cơ sở hạ tầng nơi đây không đáp ứng cho khả năng phát triển sản xuất hàng hóa. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trồng rừng gỗ lớn thì chậm cụ thể hóa. Vùng tây bắc chưa thực sự mạnh mẽ trong tích tụ đất rừng từ quỹ đất mà địa phương quản lý để cho doanh nghiệp thuê trồng rừng gỗ lớn.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh từng đưa ra 3 vấn đề quyết định con đường giảm nghèo bền vững ở vùng tây bắc. Đó là hợp tác phát triển du lịch, trồng rừng gỗ lớn và mở rộng phát triển cây dược liệu. “Chìa khóa” để mở là cần huy động được các nguồn lực xã hội tham gia, tạo sự đồng lòng của người dân và xây dựng được phương thức sản xuất phù hợp với khu vực miền núi, tạo điều kiện để thu hút doanh nghiệp.

Thực hiện định hướng phát triển kinh tế - xã hội miền núi của Tỉnh ủy đến năm 2025, theo đánh giá riêng nhóm dự án bảo vệ, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, khai thác sản phẩm dưới tán rừng, đến nay 9 huyện miền núi (trong đó có cả vùng tây bắc) chỉ mới làm tốt khâu chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99 năm 2010 của Chính phủ để bảo đảm đạt mức tối thiểu 400 nghìn đồng/ha/năm.

Từ nguồn vốn hỗ trợ này, nhiều nơi đã đầu tư xây dựng trung tâm ứng dụng công nghệ, vườn ươm để sản xuất các loại giống mô, hom phục vụ phát triển rừng năng suất cao. Trong khi đó, các địa phương lại chậm chạp trong cấp quyền sử dụng đất rừng cho hộ, nhóm hộ để phát triển rừng và hưởng lợi từ rừng; diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC còn quá thấp so với kế hoạch đề ra. Số doanh nghiệp, tổ chức cá nhân lên vùng tây bắc đầu tư phát triển rừng theo cơ chế thu hút đầu tư của tỉnh còn rất ít ỏi.

Theo chính quyền 3 huyện Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang, vùng tây bắc muốn phát triển, ngoài khai thác lợi thế kinh tế bản địa, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, còn phải có “tiếng nói chung” trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của đồng bào. Không chỉ là cơ chế ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, mà “bệ phóng” cho phát triển là Nhà nước cần đầu tư đồng bộ hạ tầng, nhất là kết cấu giao thông liên huyện, liên xã, liên vùng.

Sở NN&PTNT nêu giải pháp, vùng tây bắc ngoài thu hút đầu tư trồng rừng còn phải đặt nhà máy chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ; liên kết mở rộng không gian phát triển dược liệu, trồng rừng liên huyện, hợp tác giữa doanh nghiệp, chủ rừng và hộ gia đình, cá nhân sẽ giúp người trồng rừng giảm được rủi ro...

Cả nước có 252ha đất rừng bị xâm hại

Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, 4 tháng đầu năm 2020, cả nước đã phát hiện 3.252 vụ vi phạm các quy định của Luật Lâm nghiệp (giảm 360 vụ, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2019). Trong đó, lực lượng chức năng đã xử lý 2.385 vụ; thu nộp ngân sách 25,3 tỷ đồng. Diện tích rừng bị thiệt hại 252ha, lực lượng chức năng tịch thu hơn 4.000m3 gỗ các loại. Riêng tháng 4.2020, cả nước đã phát hiện 1.080 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp (giảm 4% so với tháng 4.2019). Tổng số vụ vi phạm đã được xử lý trong tháng  4 là 826 vụ, trong đó xử phạt hành chính 795 vụ, xử lý hình sự 31 vụ và tịch thu 800m3 gỗ. Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các địa phương có “điểm nóng” phá rừng thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành đồng loạt kiểm tra công tác mua bán, kinh doanh, chế biến lâm sản của các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh, chế biến lâm sản trên địa bàn. (H.P)

Hơn 3.000ha rừng đạt chứng chỉ quốc tế

Theo Sở NN&PTNT, đến nay trên địa bàn tỉnh có hơn 3.019ha rừng được cấp chứng chỉ rừng quốc tế (FSC) tại xã Tiên Lãnh (Tiên Phước), xã Hiệp Thuận (Hiệp Đức) và xã Tam Lãnh (Phú Ninh). Đây là diện tích rừng của Công ty CP Lâm đặc sản Quảng Nam và các nhóm hộ trồng mây, tre, keo bền vững do dự án SBARP hỗ trợ. Theo đề án trồng rừng gỗ lớn của Sở NN&PTNT, đến năm 2025 cả tỉnh phấn đấu đạt ít nhất 10.000ha gỗ rừng trồng đạt chứng chỉ FSC. (T.H)

Thỏa thuận thuê môi trường rừng gần 113ha để trồng dược liệu

Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, thực hiện Nghị quyết số 42 ngày 7.12.2017 của HĐND tỉnh về quy định cho thuê môi trường rừng để trồng dược liệu, lâm sản ngoài gỗ và kinh doanh du lịch sinh thái, đến nay UBND tỉnh đã phê duyệt dự án thuê môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh tại xã Trà Linh (Nam Trà My) cho Công ty TNHH MTV Tân Nghĩa Sơn và Công ty TNHH Dược liệu Sâm Ngọc Linh Việt Nam với tổng diện tích đã thỏa thuận gần 113ha. (B.H)

Công nhận nguồn giống cây trồng lâm nghiệp

Sở NN&PTNT vừa công nhận nguồn giống cây trồng lâm nghiệp cho Công ty TNHH MTV Lâm Quốc Thịnh. Loại hình nguồn giống là vườn cây đầu dòng (vườn cung cấp hom) với loài cây keo lai, dòng BV71, BV73, BV75. Số lượng cây đầu dòng là 4.835 cây trên diện tích 1.395m2, địa điểm nguồn giống tại thôn 2, xã Tam Phước, huyện Phú Ninh. Cây con sản xuất ra dùng cho trồng rừng. Thời gian sử dụng nguồn giống 3 năm... (H.QUANG)


Cả nước có 252ha đất rừng bị xâm hại

Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, 4 tháng đầu năm 2020, cả nước đã phát hiện 3.252 vụ vi phạm các quy định của Luật Lâm nghiệp (giảm 360 vụ, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2019). Trong đó, lực lượng chức năng đã xử lý 2.385 vụ; thu nộp ngân sách 25,3 tỷ đồng. Diện tích rừng bị thiệt hại 252ha, lực lượng chức năng tịch thu hơn 4.000m3 gỗ các loại. Riêng tháng 4.2020, cả nước đã phát hiện 1.080 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp (giảm 4% so với tháng 4.2019). Tổng số vụ vi phạm đã được xử lý trong tháng  4 là 826 vụ, trong đó xử phạt hành chính 795 vụ, xử lý hình sự 31 vụ và tịch thu 800m3 gỗ. Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các địa phương có “điểm nóng” phá rừng thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành đồng loạt kiểm tra công tác mua bán, kinh doanh, chế biến lâm sản của các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh, chế biến lâm sản trên địa bàn.

H.P

Hơn 3.000ha rừng đạt chứng chỉ quốc tế

Theo Sở NN&PTNT, đến nay trên địa bàn tỉnh có hơn 3.019ha rừng được cấp chứng chỉ rừng quốc tế (FSC) tại xã Tiên Lãnh (Tiên Phước), xã Hiệp Thuận (Hiệp Đức) và xã Tam Lãnh (Phú Ninh). Đây là diện tích rừng của Công ty CP Lâm đặc sản Quảng Nam và các nhóm hộ trồng mây, tre, keo bền vững do dự án SBARP hỗ trợ. Theo đề án trồng rừng gỗ lớn của Sở NN&PTNT, đến năm 2025 cả tỉnh phấn đấu đạt ít nhất 10.000ha gỗ rừng trồng đạt chứng chỉ FSC.

T.H

Thỏa thuận thuê môi trường rừng gần 113ha để trồng dược liệu

Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, thực hiện Nghị quyết số 42 ngày 7.12.2017 của HĐND tỉnh về quy định cho thuê môi trường rừng để trồng dược liệu, lâm sản ngoài gỗ và kinh doanh du lịch sinh thái, đến nay UBND tỉnh đã phê duyệt dự án thuê môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh tại xã Trà Linh (Nam Trà My) cho Công ty TNHH MTV Tân Nghĩa Sơn và Công ty TNHH Dược liệu Sâm Ngọc Linh Việt Nam với tổng diện tích đã thỏa thuận gần 113ha.

B.H

Công nhận nguồn giống cây trồng lâm nghiệp

Sở NN&PTNT vừa công nhận nguồn giống cây trồng lâm nghiệp cho Công ty TNHH MTV Lâm Quốc Thịnh. Loại hình nguồn giống là vườn cây đầu dòng (vườn cung cấp hom) với loài cây keo lai, dòng BV71, BV73, BV75. Số lượng cây đầu dòng là 4.835 cây trên diện tích 1.395m2, địa điểm nguồn giống tại thôn 2, xã Tam Phước, huyện Phú Ninh. Cây con sản xuất ra dùng cho trồng rừng. Thời gian sử dụng nguồn giống 3 năm...

H.Quan

TRẦN HỮU