Đồng bào Giẻ Triêng đổi đời từ cây quế

TẤN SỸ 17/04/2020 10:34

Cũng như ở Bắc Trà My và Nam Trà My, cây quế đã đang mang lại cuộc sống ấm no cho hàng nghìn hộ đồng bào Giẻ Triêng ở huyện Phước Sơn. Trồng quế không chỉ giúp bà con giữ gìn nguồn giống lâu đời, làm giàu chính đáng mà còn góp phần quan trọng là giữ rừng nơi đầu nguồn.

Đồng bào Giẻ Trêng ở thôn 1, xã Phước Thành, thu hoạch quế. Ảnh: TẤN SỸ
Đồng bào Giẻ Trêng ở thôn 1, xã Phước Thành, thu hoạch quế. Ảnh: TẤN SỸ

Vào mùa thu hoạch

Sau 15 năm chăm sóc, giờ đây vườn quế rộng 2ha của gia đình anh Hồ Văn Đông ở thôn 2, xã Phước Thành đến kỳ thu hoạch. Nếu như trước đây chỉ bán mỗi vỏ quế, thì nay anh Đông đã tận thu tất cả sản phẩm từ cây quế như: ngọn, lá, cành, thân và vỏ quế… để bán cho tư thương; giá quế đầu mùa đang cao nên bình quân mỗi héc ta quế mang lại nguồn thu 300 - 350 triệu đồng.

“Ngoài 2ha đang thu hoạch, gia đình cũng đã trồng mới 3ha quế. Do cây quế thường có thời gian 10 - 15 năm mới khai thác nên giúp bà con vừa giữ được rừng, giữ được nguồn nước, lại có thời gian thâm canh các loại hoa màu khác. Cuộc sống giờ cũng ổn định, có ti vi, xe máy, làm nhà mới, cho con ăn học” - anh Đông nói.

Cũng ở thôn 2, xã Phước Thành, gia đình ông Hồ Văn Ngòi vừa bán trọn gói vườn quế gần 1ha cho tư thương với giá 280 triệu đồng. Ông Ngòi có hơn 25ha quế, trong đó có 7ha đã đến kỳ khai thác.

“Cây quế đã gắn bó với bà con Giẻ Triêng chúng tôi từ thời cha ông. Không những trồng quế, chúng tôi còn có phong tục tặng quế cho con, cháu… Cây quế giờ đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Giẻ Triêng quê tôi” - ông Hồ Văn Ngòi chia sẻ.

Gần một tháng nay, tổ thu mua quế của ông Dương Ngọc Long ở thôn 1, xã Phước Chánh thường xuyên có mặt ở các vườn quế của bà con. Tổ có 16 người, chủ yếu là bà con Giẻ Triêng ở xã Phước Chánh. Các thành viên tham gia ở nhiều công đoạn, lột vỏ, tỉa cành, hạ cây, đập vỏ và phơi quế. Bình quân mỗi lao động một ngày được ông Long chi trả 200 nghìn đồng tiền công.

“Mùa này đi lột quế được chủ bao cơm ăn, một tháng nhận được 5 - 6 triệu đồng, có tiền chăm lo cho gia đình, mà công việc cũng không nặng nhọc lắm” - bà Hồ Thị Hương ở thôn 1, xã Phước Chánh cho hay.

Bảo tồn giống quế bản địa

Theo thống kê của huyện Phước Sơn, toàn huyện có hơn 800ha quế, tập trung tại các xã Phước Kim, Phước Thành và Phước Lộc. Trong mùa thu hoạch năm nay, có hơn 90ha đến kỳ khai thác. Và với giá thị trường hiện nay thì đến cuối vụ mùa sẽ mang lại nguồn thu nhập cho bà con từ 25 - 27 tỷ đồng.

Từ năm 2018 đến nay, huyện Phước Sơn đã xét chọn được 30 cây quế cổ thụ để bảo tồn nguồn giống. Mỗi năm thu hoạch 60kg hạt giống và tiến hành gieo ươm được 60 nghìn cây quế con. Từ giống quế trội này, huyện Phước Sơn cấp phát để bà con Giẻ Triêng mở rộng diện tích trồng hàng năm. Ngoài ra, người dân cũng đã tự gieo ươm, trồng hơn 20ha mỗi năm.

“Huyện cũng tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp có tiềm năng để liên kết sản xuất. Trên tinh thần nhân dân có đất, có công lao động và doanh nghiệp chịu trách nhiệm về đầu ra cho sản phẩm. Với tinh thần đó huyện sẽ có định hướng trồng quế với mật độ dày hơn và sẽ khai thác chặt tỉa theo từng chu kỳ. Vừa tạo thu nhập cho bà con, vừa phát triển cây quế và bảo tồn được giống quế địa phương” - ông Nguyễn Quảng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết.

TẤN SỸ