Ngăn chặn nhiều vụ vận chuyển gỗ trái phép

TRẦN NGUYỄN 31/03/2020 10:45

Gần đây, lợi dụng các ngành và các cấp chính quyền tập trung nhân lực chống dịch Covid-19, nhiều đối tượng đã vận chuyển lâm sản trái phép tại địa bàn huyện Phước Sơn.

Phước Sơn nằm giáp ranh nhiều huyện miền núi của tỉnh và các địa phương của Tây Nguyên theo trục đường Hồ Chí Minh, nên trở thành cửa ngõ vận chuyển gỗ lậu. Bởi vậy, dịp Tết Nguyên đán hằng năm, quốc lộ 14E, đường Hồ Chí Minh qua địa bàn huyện luôn nằm trong kế hoạch truy quét của lực lượng chức năng. Trong tháng 3, nhiều vụ chở gỗ lậu đã bị phát hiện và chặn đứng. Cụ thể, ngày 17.3, ô tô tải BKS 92K- 4449 (chưa rõ người điều khiển) vận chuyển gỗ không rõ nguồn gốc chạy trên tuyến quốc lộ 14E theo hướng Phước Sơn - Hiệp Đức. Lực lượng chức năng đã truy đuổi, đưa phương tiện cùng tang vật về cơ quan kiểm lâm tiếp tục điều tra xác minh.

Trước đó, ngày 12.3, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh tuần tra tại xã Phước Hiệp (Phước Sơn) phát hiện Lê Văn Sơn (SN 1978, trú xã Phước Hiệp) điều khiển  ô tô BKS 16M-2504 vận chuyển gỗ trái phép. Qua kiểm đếm có tổng cộng 23 phách gỗ gồm nhiều chủng loại: sến, huỳnh đường, chuồn… không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, với khối lượng gần 5m3. Mở rộng điều tra, lực lượng công an phát hiện đối tượng còn sử dụng biển số xe giả.

Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện truy quét cao điểm dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, tại địa bàn huyện Phước Sơn, lực lượng chức năng (chủ yếu kiểm lâm và công an) đã phát hiện và lập biên bản 16 vụ vi phạm (14 vụ vận chuyển và tàng trữ gỗ trái phép, 1 vụ vi phạm quy định về quản lý hồ sơ lâm sản và 1 vụ phá rừng trái phép). Theo đó, tịch thu gần 15m3 gỗ xẻ, tạm giữ 3 ô tô và 2 mô tô. Hạt Kiểm lâm huyện Phước Sơn nhận định, 2 xã Phước Hòa và Phước Hiệp là “điểm nóng” phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép dai dẳng; còn đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 14E là cung đường vận chuyển gỗ lậu.

Đề cập khó khăn trong quản lý, bảo vệ rừng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phước Sơn Nguyễn Văn Tình cho biết, áp lực về nhu cầu sử dụng gỗ để làm nhà của đồng bào dân tộc thiểu số là rất lớn bởi người dân bản địa còn thói quen khai thác gỗ tự nhiên để làm nhà. Thêm vào đó là sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các ngành và các cấp địa phương. Để chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực lâm sản, kiểm lâm địa phương yêu cầu các hộ dân có rẫy vùng giáp ranh không lấn chiếm vào rừng tự nhiên; đồng thời thường xuyên theo dõi, chặn đứng kịp thời tình trạng phá rừng tự nhiên để mở rộng diện tích nương rẫy...

TRẦN NGUYỄN