Ngành gỗ rộng đường vào EU
Năm 2020, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và châu Âu - EU (EVFTA) bắt đầu có hiệu lực, là cơ hội để ngành công nghiệp chế biến gỗ thâm nhập sâu vào thị trường châu Âu.
Cơ hội mở rộng thị trường
Ngành gỗ sẽ được lợi gì khi gia nhập EVFTA? Cơ hội trước tiên thuộc về các doanh nghiệp (DN) tham gia chuỗi sản xuất, chế biến và xuất khẩu gỗ qua EU. Trước đây, khi xuất khẩu qua EU thì những mặt hàng gỗ phải chịu thuế. Nhưng từ năm 2020, dòng thuế giảm, thậm chí theo lộ trình sẽ miễn thuế nhập khẩu, giúp mặt hàng này có sức cạnh tranh hơn so với thời điểm chưa có EVFTA. EU là thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ lớn thứ 5 của Việt Nam, khi tham gia EVFTA gỗ và sản phẩm từ gỗ sẽ rộng đường hơn khi vào EU.
Tại Quảng Nam, DN xuất khẩu gỗ chủ yếu qua Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Đài Loan; còn đối tác EU vẫn ít ỏi do thị trường khó tính, kiểm soát sản phẩm gỗ nghiêm ngặt, từ xuất xứ nguồn gốc nguyên liệu đầu vào đến sử dụng công nghệ… Nhiều năm nay, các DN như Công ty CP Cẩm Hà (Hội An), Công ty CP Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam (phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn), Công ty CP Gỗ Minh Dương Chu Lai (Bắc Chu Lai)... phải nhập khẩu ít nhất 30% nguồn nguyên liệu gỗ nước ngoài để chế biến, rồi xuất khẩu qua Mỹ, một số nước EU.
Đại diện Công ty Gỗ Minh Dương Chu Lai cho biết, công ty vừa mua gỗ rừng trồng trong nước vừa nhập bên Mỹ. Về nguồn nguyên liệu trong nước, chủ yếu mua lại cây cao su của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam và người dân đã thanh lý do lâu năm không khai thác. Về thị trường EU, công ty đang cân nhắc tính toán mở rộng. Còn theo Công ty CP Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam, với ngành gỗ Nhà nước khuyến khích nên thuế xuất khẩu 0%. Suốt 20 năm nay, công ty sử dụng gỗ nguyên liệu rừng trồng trong nước, gỗ lớn thì phục vụ xuất khẩu.
Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội cho DN trong nước xuất khẩu sang EU vì thuế suất một số mặt hàng theo lộ trình xuống còn 0%. Lợi thế của Công ty CP Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam là đang sở hữu gần 2.000ha gỗ rừng trồng được công nhận đạt chứng chỉ rừng quốc tế (FSC), đang liên kết hợp tác trồng rừng với người dân (DN bỏ vốn đầu tư, chăm sóc hưởng lợi theo tỷ lệ 60%, người dân 40%).
Theo nhiều DN xuất khẩu gỗ, hiện một số mặt hàng thuế nhập khẩu giảm sẽ tăng sức cạnh tranh so với thời điểm chưa có EVFTA. Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2019, Quảng Nam xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ đạt hơn 13 triệu USD, trong khi cả nước đạt 10,5 tỷ USD, cao nhất trong 10 năm trở lại đây.
Thực hiện kế hoạch hành động
Phấn đấu đầu năm 2021 có lô hàng đầu tiên được cấp giấy phép VPA/FLEGT
Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp – ông Nguyễn Quốc Trị cho rằng, khi có giấy phép VPA/FLEGT, khả năng cạnh tranh của sản phẩm gỗ trong nước sẽ được nâng cao hơn bởi các DN xuất khẩu vào EU sẽ không phải giải trình về truy xuất nguồn gốc. “Ngành lâm nghiệp đang có kế hoạch thực thi Hiệp định VPA/FLEGT để phấn đấu đầu năm 2021 có lô hàng đầu tiên được cấp giấy phép VPA/FLEGT khi xuất khẩu gỗ vào EU. Lúc này, gỗ Việt đến với EU sẽ rộng đường hơn” - ông Trị nói.
Để ký kết EVFTA, đương nhiên Việt Nam đảm bảo đầy đủ các quy tắc xuất xứ, phát triển bền vững… khi xuất khẩu vào thị trường EU. Các mặt hàng gỗ đã có Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và EU (có hiệu lực từ 1.6.2019).
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT – ông Lê Minh Hưng cho biết, thực thi VPA/FLEGT sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ giữa Việt Nam và EU, cũng như hướng đến một thị trường gỗ minh bạch, hợp pháp và quản lý rừng bền vững. Mới đây, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT. Trước khi EVFTA được ký kết, ngành nông nghiệp đã có quá trình chuẩn bị lâu dài, nhất là quy định chặt chẽ về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản cho các đối tượng có liên quan đến hoạt động trồng rừng, kinh doanh, chế biến, xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trên địa bàn tỉnh (bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước; các tổ chức xã hội, hiệp hội các DN gỗ, làng nghề, hợp tác xã, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, hộ kinh doanh chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ…). Sở NN&PTNT thừa nhận, vướng mắc chủ yếu khi thực hiện VPA/FLEGT là DN còn lơ là với trách nhiệm xã hội (sử dụng lao động, chế độ tiền lương, y tế, an toàn thực phẩm…); chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp.
Nói về cơ hội khi gia nhập EVFTA, ông Phạm Quốc Hùng – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN Quảng Nam cho rằng, với việc các dòng thuế giảm và một số mặt hàng có thể miễn về 0% theo lộ trình sẽ tạo thuận lợi cho những DN xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ nói riêng. Đây cũng là thời cơ cho DN mở rộng diện tích, tích tụ ruộng đất trồng rừng gỗ lớn, đạt tiêu chuẩn FSC. Ngoài thuế, EVFTA còn có nhiều thỏa thuận khác có lợi cho tương lai như quy định rất nhiều về thể chế, các vấn đề về điều kiện lao động, y tế, môi trường. DN phải bảo đảm sử dụng gỗ nguyên liệu 100% hợp pháp, bao gồm cả gỗ nhập khẩu và gỗ trong nước.
“Với EVFTA, thuận lợi nhất là DN xuất khẩu vừa có nhà máy chế biến dây chuyền hiện đại, vừa có nguồn nguyên liệu ổn định, rõ ràng về nguồn gốc. Đây sẽ là cơ hội để các tổ chức, DN trồng rừng gỗ lớn, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, nhưng đây cũng là thách thức cho tỉnh vì hiện nay DN gặp nhiều rào cản trong tích tụ đất đai để trồng rừng” – ông Hùng nói.
Về kế hoạch thực thi Hiệp định VPA/FLEGT trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã yêu cầu ngành chức năng đánh giá tác động của Hiệp định VPA/FLEGT đối với thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của các DN trên địa bàn tỉnh, từ đó đưa ra các biện pháp để mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành chế biến gỗ.