Ngọt ngào cam giấy Tiên Hà

LÊ HẰNG - NGUYỄN HƯNG 02/03/2020 12:51

Những năm gần đây nhiều nông dân xã Tiên Hà (Tiên Phước) cải tạo vườn tạp, chuyển sang trồng cam giấy đem lại hiệu quả kinh tế cao. Gia đình ông Phan Văn Tâm (thôn Tiên Tráng) là một trong những hộ tiên phong trong phát triển loại cây trồng này cho thu nhập khá.

Mô hình trồng cam giấy của gia đình ông Phan Văn Tâm, thôn Tiên Tráng, Tiên Hà (Tiên Phước). Ảnh: H.H
Mô hình trồng cam giấy của gia đình ông Phan Văn Tâm, thôn Tiên Tráng, Tiên Hà (Tiên Phước). Ảnh: H.H

Cách đây hàng chục năm, ông Tâm đã bắt đầu trồng cam, nhưng chỉ trồng dăm ba cây để ăn cho vui trong gia đình. Từ khoảng năm 2010 trở lại đây thấy cây cam giấy cho hiệu quả, gia đình đã mạnh dạn đầu tư cải tạo vườn tạp, mở rộng diện tích chuyển sang trồng cam giấy. Theo ông Tâm, giống cam giấy tương đối dễ trồng, tuy nhiên khi trồng phải thường xuyên chăm sóc theo dõi vì dễ bị sâu đục thân phá hại. Cây cam từ khi chiếc nhánh trồng xuống nếu chăm sóc tốt thì khoảng 4 - 5 năm cho trái.

Trên gần 1ha đất vườn, gia đình ông bố trí trồng khoảng 500 gốc cam giấy, trong đó có khoảng 150 cây cho ăn quả. Do hợp thổ nhưỡng nên cây cam giấy phát triển xanh tốt, ít sâu bệnh, sản phẩm cam ở đây được khách hàng, thương lái đánh giá cao bởi vị ngọt thanh và mọng.

Trung bình mỗi vụ, ông thu hoạch khoảng 5 - 7 tấn quả, giá bán 15 nghìn đồng/kg, cho thu nhập từ 70 - 80 triệu đồng/vụ. Hiện tại sản phẩm cam của gia đình ông Tâm ngoài bán trên địa bàn huyện còn được thương lái thu mua bán sang các huyện Thăng Bình, Hiệp Đức, Phước Sơn…

Thấy trồng cam cho hiệu quả kinh tế, ông Tâm và các hộ dân trong thôn thành lập CLB Cam giấy Tiên Hà. Tham gia CLB, các thành viên thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ cây giống, kỹ thuật trồng và cùng nhau tìm đầu ra cho sản phẩm.

Ông Tâm cho biết: “Trước đây vùng đất này gò đồi, chủ yếu là cây tạp, xen lẫn đôi ba cây cam của ông bà trồng ngày trước để lại. Nhận thấy giống cam giấy phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu nên gia đình tôi đã cải tạo vườn chuyển sang đầu tư mở rộng diện tích trồng cam với quy mô lớn hơn. Trung bình 1 sào có thể thu hoạch khoảng 1 tấn cam, lợi nhuận chừng 20 triệu đồng. Cam giấy ra hoa vào đầu tháng 3, đến khoảng đầu tháng 8 bắt đầu cho thu hoạch. Cam giấy trái tròn, ít hạt, thơm ngon và ngọt nên đầu ra cũng tương đối thuận lợi”.

Để tạo điều kiện cho ông Tâm nhân rộng phát triển mô hình, vừa qua Tiên Hà đã hỗ trợ 5 triệu đồng và hỗ trợ tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cam.

Ông Lê Hồng Phong - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiên Hà cho biết, mô hình trồng cam trên địa bàn mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người dân. Riêng thôn Tiên Tráng nhiều người dân đầu tư trồng cam, hộ ít thì dăm ba cây, hộ trồng nhiều vài trăm cây. Trong tổng số 20ha trồng cam, thì ở thôn Tiên Tráng người dân trồng khoảng 15ha, với khoảng 8.000 gốc. Thời gian tới, xã phối hợp với các cơ quan chức năng mở lớp tập huấn cho người dân về việc phát triển mô hình trồng cam, nhằm mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho người dân. Qua đó, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao năng suất, sản lượng trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

“Nhằm ổn định đầu ra và tạo thương hiệu cam giấy Tiên Hà, chính quyền xã đã hợp đồng với Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Hà thực hiện chuỗi liên kết giá trị. Được biết, hiện sản phẩm cam giấy Tiên Hà tham gia đăng ký chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được UBND tỉnh đánh giá 3 sao. Qua đó góp phần quảng bá thương hiệu, tạo đầu ra cho sản phẩm cam giấy, giúp bà con yên tâm sản suất, phát triển kinh tế địa phương” - ông Phong nói.

LÊ HẰNG - NGUYỄN HƯNG