Doanh nghiệp đầu tư vào rừng
(Xuân Canh Tý) - Miền núi đã “chọn mặt gửi vàng”, tạo điều kiện để một số nhà đầu tư đến trồng rừng gỗ lớn. Song, để đưa kinh tế lâm nghiệp phát triển đột phá, cần gỡ ngay những vướng mắc về đất đai, vốn, cơ chế chính sách…
Liên kết trồng rừng
Lâm nghiệp trong suốt thời gian dài vẫn phát triển chậm chạp. Bởi vậy, chính quyền tỉnh khuyến khích bỏ dần kiểu sản xuất rừng trồng chu kỳ ngắn, chuyển sang trồng rừng gỗ lớn để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Theo ước tính, mỗi héc ta rừng trồng chu kỳ 5 - 6 năm thu hoạch, chỉ đạt tối đa 60 triệu đồng; trong khi đó sau 10 năm khai thác, mỗi héc ta có thể đạt bình quân 215 - 250 triệu đồng.
Hơn 3 năm đầu tư đưa vào vận hành dây chuyền sản xuất ván gỗ MDF tại xã Quế Thọ (Hiệp Đức), nhà máy sản xuất thuộc Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam vẫn thiếu hụt nguyên liệu đầu vào.
Ông Đoàn Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam cho biết, thuê quyền sử dụng đất hoặc liên kết làm ăn với người dân là 2 phương án mà doanh nghiệp đang triển khai.
Giai đoạn 2019 - 2023, công ty có kế hoạch trồng rừng, hình thành vùng nguyên liệu gỗ lớn 30.000ha (thuê đất của Nhà nước để trồng khoảng 2.000ha, liên kết với người dân khoảng 28.000ha). Hiện tại công ty xây dựng 2 vườn ươm sản xuất cây giống chất lượng cao, phục vụ kế hoạch trồng rừng gỗ lớn.
“Công ty tính toán mua lại rừng trồng của người dân ở giai đoạn 4 - 5 năm tuổi theo giá thị trường, người dân tiếp tục quản lý bảo vệ đến lúc khai thác gỗ lớn, họ vẫn được hưởng phần giá trị tăng thêm từ rừng cho gỗ lớn” - ông Hùng nói.
Theo Giám đốc HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận (Hiệp Đức) Nguyễn Hữu Dương, đơn vị hỗ trợ vốn trồng rừng cho các xã viên và 30% vốn chi phí duy trì kéo dài thời gian sinh trưởng của cây rừng, cam kết bao tiêu sản phẩm. Trường hợp xảy ra thiên tai, hỏa hoạn thì người tham gia không phải hoàn trả chi phí mà HTX đã đầu tư.
“Đến nay có 107 hộ của xã Hiệp Thuận trồng 567ha rừng đạt chứng chỉ quốc tế (FSC) đã tham gia ký hợp đồng với HTX và hơn 30 hộ dân của các xã lân cận tham gia liên kết trồng rừng gỗ lớn với diện tích hơn 200ha. Doanh thu của HTX năm vừa qua đạt 2,1 tỷ đồng” - ông Dương thông tin.
Gỡ rào cản
Hiện, Quảng Nam có 157.301ha rừng trồng sản xuất và 44.774ha được quy hoạch là diện tích đất trống. Khi mời gọi đầu tư trồng rừng gỗ lớn, đã có một số tổ chức quốc tế đồng hành, như dự án Trường Sơn Xanh với sự tài trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hoa Kỳ.
Công ty CP Đầu tư và phát triển lâm nghiệp Quảng Nam đang được dự án Trường Sơn Xanh hỗ trợ giống, kỹ thuật cho người dân 3 huyện Tiên Phước, Hiệp Đức và Phước Sơn trồng và chuyển hóa gần 2.400ha gỗ nhỏ 5 năm tuổi thành gỗ lớn 10 năm tuổi theo tiêu chuẩn FSC.
Tín hiệu vui là khi người dân hợp tác với doanh nghiệp, sẽ được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm; gỗ đạt chứng chỉ FSC bán cao hơn từ 10 - 15% so với giá thị trường.
Các nhà đầu tư trồng rừng tại huyện Hiệp Đức cho biết, cơ chế chính sách đã có, mấu chốt là làm thế nào để nó vận hành đồng bộ. Thêm vào đó, chính quyền phải đứng ra giải quyết những bất cập phát sinh về đất, vốn, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Nhà nước nhanh chóng cụ thể hóa chính sách ưu đãi về tiền thuê đất, vốn hỗ trợ, vốn vay và chính sách thuế để doanh nghiệp và người dân có điều kiện chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Minh Hưng cho rằng, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nói chung tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì thế ngành nông nghiệp sẽ thành lập quỹ dự phòng bảo hiểm trồng rừng gỗ lớn để người dân an tâm liên kết với đối tác sản xuất.
Còn theo Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức Nguyễn Như Công, người dân bây giờ phần lớn có quyền sử dụng đất, doanh nghiệp muốn đầu tư trồng rừng phải đứng ra thỏa thuận đất. Đất do Nhà nước quản lý, nhà đầu tư thuê lại rất dễ; còn đất thuộc quyền sử dụng của dân, doanh nghiệp rất khó khăn trong thuê, hoặc hợp tác liên kết sản xuất. Điểm tắc nghẽn cũng từ đây mà ra, nên tỉnh cần tháo gỡ kịp thời.