Tái cơ cấu toàn diện ngành lâm nghiệp
Năm 2020, ngành kiểm lâm xác định nhiệm vụ trọng tâm là tái cơ cấu toàn diện tổ chức bộ máy và hoạt động, bằng cách tinh gọn lực lượng và giao trách nhiệm cho các chủ rừng để công tác quản lý, bảo vệ rừng (BVR) đạt hiệu quả cao.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, 2019 là năm đầu tiên Luật Lâm nghiệp và các nghị định, thông tư hướng dẫn có hiệu lực thi hành nên nhiều chủ trương, biện pháp cấp bách về quản lý, BVR đã được triển khai đồng bộ. Năm qua, lực lượng kiểm lâm và các cơ quan chức năng của tỉnh lập biên bản 562 vụ vi phạm (giảm 25,3% số vụ so với năm 2018); trong đó phá rừng 33 vụ, diện tích rừng bị thiệt hại 17ha (giảm 24,3% so với năm 2018). Từ việc cải tổ toàn diện bộ máy kiểm lâm và các ban quản lý rừng phòng hộ, áp dụng công nghệ, chuyển đổi các hình thức giao khoán BVR mà diện tích rừng bị xâm hại đã giảm rõ rệt...
Tuy nhiên, theo ông Phan Tuấn – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, tồn tại nhất vẫn là tình trạng vi phạm các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực lâm nghiệp xảy ra tại một số địa bàn, tạo dư luận không tốt trong xã hội. Vì vậy, năm 2020, lực lượng kiểm lâm đề cao vai trò giám sát và tham gia của người dân trong thực hiện chính sách, pháp luật về BVR theo nội dung chương trình hành động về thực hiện Chỉ thị số 13 ngày 12.1.2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Nghị quyết số 06 ngày 4.11.2016 của Tỉnh ủy. Tăng cường đề xuất cơ chế chính sách, xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án theo hướng phát triển lâm nghiệp bền vững nhằm duy trì và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên; nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích và hiệu quả sử dụng môi trường rừng để phát triển dược liệu và lâm sản ngoài gỗ; triển khai phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng.
Đáng chú ý trong các nhóm giải pháp, ngành kiểm lâm tập trung vào quy hoạch bảo vệ phát triển rừng; xử lý các tụ điểm thường xảy ra tình trạng khai thác rừng trái phép; rà soát các chỉ tiêu quy hoạch bảo vệ, phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020, thiết lập các đai rừng phòng hộ ven biển và diện tích rừng tự nhiên ngoài quy hoạch cũng như các quy hoạch chuyên đề khác có liên quan để xây dựng quy hoạch lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2030.
“Chúng tôi lập kế hoạch triển khai, quán triệt các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực lâm nghiệp ban hành vừa có hiệu lực (Luật Lâm nghiệp, các nghị định, thông tư). Đề cao vai trò, trách nhiệm, nhất là người đứng đầu của các địa phương, đơn vị trong công tác quản lý BVR” – ông Tuấn nói.
Ngành lâm nghiệp tái cơ cấu theo hướng triển khai phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng; đầu tư công tác giống lâm nghiệp theo hướng hiện đại; xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các bon rừng (REDD+), giai đoạn 2011 - 2020. Bên cạnh đó, triển khai đề án hiện đại hóa, nâng cao năng lực giám sát rừng bằng áp dụng công nghệ thông tin hiện đại để theo dõi tài nguyên, phát hiện sớm nguy cơ mất rừng, cháy rừng bằng thiết bị flycam.
Hiện nay, các huyện Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Giang đang tích cực thống kê diện tích đất rừng sản xuất, đất khác chuyển sang đất rừng phòng hộ, đặc dụng để có phương án giải quyết quyền lợi hợp pháp đối với đất rừng sản xuất, đất vườn, đất nông nghiệp, đất ở thuộc quyền sử dụng hợp pháp của người dân. Đẩy mạnh công tác giao đất, giao rừng, thuê đất, thuê rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn, các tổ chức cá nhân phát triển kinh tế lâm nghiệp; cắm mốc ranh giới lâm phận và diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn toàn tỉnh.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT – ông Lê Minh Hưng cho rằng, chủ trương của tỉnh là chuyển những diện tích thực hiện giao khoán cho hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng dân cư hiện nay sang hình thức chủ rừng tự tổ chức quản lý BVR và đến nay tất cả diện tích giao khoán được thực hiện theo hình thức chủ rừng tự quản lý. Diện tích rừng do UBND xã quản lý được chuyển giao lại cho ban quản lý rừng quản lý.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thực hiện chủ trương “quản lý rừng tận gốc” theo hướng thành lập các đội tuần tra BVR ở cộng đồng đã hạn chế việc thành lập trạm kiểm lâm; giải thể các trạm kiểm lâm không cần thiết để tăng cường đưa công chức kiểm lâm phụ trách địa bàn xã. Việc bố trí sắp xếp lại các ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng nhằm để tăng cường trách nhiệm của chủ rừng, thực sự là chủ rừng đại diện cho Nhà nước, chịu trách nhiệm trước pháp luật trên lâm phận được giao; đảm bảo gắn kết công tác bảo vệ và phát triển rừng với các chương trình, dự án về lâm nghiệp và tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng...