Điều chỉnh quy hoạch bảo vệ, phát triển rừng: Hướng đến chiến lược kinh tế rừng
Hơn 10 năm qua, Quảng Nam rất chú trọng công tác quy hoạch quản lý, phát triển các loại rừng theo hướng xây dựng đai rừng phòng hộ đồng đều giữa các vùng, đồng thời phát triển mạnh kinh tế lâm nghiệp.
Phủ đều đai rừng phòng hộ
Thời gian qua, Quảng Nam đã liên tục điều chỉnh bổ sung quy hoạch 3 loại rừng (phòng hộ, đặc dụng và sản xuất), để vừa có đủ quỹ đất hình thành vùng nguyên liệu rộng lớn, vừa đảm bảo chức năng phòng hộ. Theo Sở NN&PTNT, việc quy hoạch rừng và đất rừng được xây dựng qua từng thời kỳ, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của tỉnh cũng như quy hoạch của Trung ương.
Năm 2007, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 48 phê duyệt kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng với tổng diện tích 677.783ha (gồm rừng phòng hộ là 327.711ha; quy hoạch rừng sản xuất 216.300ha và đặc dụng 133.772ha). Đến năm 2013, quy hoạch giai đoạn 2011 - 2020 với diện tích lâm nghiệp được điều chỉnh tăng lên thành 719.922ha.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Minh Hưng cho biết, để đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo hướng phát triển bền vững, năm 2017, Quảng Nam đã rà soát, điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng với mục tiêu cụ thể hơn. Theo đó, tổ chức quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững diện tích rừng hiện có; nâng cao chất lượng 400.821ha rừng phòng hộ và rừng đặc dụng khu vực phía tây và 3.638ha rừng phòng hộ ven biển. Năm 2018, việc điều chỉnh quy hoạch rừng cũng chỉ cắt phần diện tích quy hoạch rừng phòng hộ nhưng không có rừng chuyển đổi sang đất sản xuất.
Ở vùng đông, ngoài nỗ lực bảo vệ 2.800ha rừng phòng hộ hiện hữu, các đai rừng ven biển đang được thiết lập. Diện tích đất doanh nghiệp bị chiếm dụng trước đây không sử dụng, cộng với diện tích đất hoang hóa được phủ xanh bằng việc trồng rừng qua các nguồn trồng rừng thay thế và ngân sách nhà nước cho phát triển rừng hàng năm. Theo ngành nông nghiệp, cái khó là vùng đông vẫn còn đơn điệu các giống cây bản địa, chưa tìm cây có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu cực đoan để trồng thay thế.
Tại Quyết định số 32, ngày 20.7.2017 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý, bảo vệ khu vực rừng phòng hộ ven biển gắn với thực hiện các dự án theo quyết định mở rộng Khu kinh tế mở Chu Lai, có lưu ý giai đoạn 2020 – 2030 phải tăng cường đầu tư hơn nữa hệ thống rừng để chống chịu gió bão, giảm tác động của biến đổi khí hậu.
Chiến lược kinh tế rừng
Từ quy hoạch không gian rừng sản xuất, hai năm nay, ngành nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với các địa phương miền núi chuẩn bị các điều kiện, nguồn lực cần thiết để rà soát ưu tiên bố trí phần đất trồng rừng gỗ lớn, dần dà loại bỏ thói quen trồng rừng với chu kỳ khai thác ngắn.
Một kế hoạch ngắn hạn của chính quyền tỉnh về trồng rừng gỗ lớn đã vạch ra, với kỳ vọng sẽ thuyết phục được các nhà đầu tư lẫn người dân an tâm chú trọng năng suất, hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích thâm canh rừng. Lộ trình trước mắt, 2 năm (2019 – 2020) thực hiện trồng rừng gỗ lớn với tổng diện tích 10.000ha và diện tích rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế (FSC) là 9.320ha. Giai đoạn này, phấn đấu đạt doanh thu rừng lên mức khoảng từ 20 – 25 triệu đồng/ha/năm. Toàn bộ diện tích rừng trồng gỗ lớn được khai thác sau 10 năm tuổi và sản phẩm gỗ rừng trồng đủ sức cung ứng cho các nhà máy chế biến sâu (ván ép, ván ghép thanh…) trên địa bàn tỉnh; đưa tỷ trọng ngành lâm nghiệp trong cơ cấu ngành nông nghiệp lên 8,5% vào năm 2020.
Để tận dụng cơ chế hỗ trợ của tỉnh, Phước Sơn đang tích cực rà soát quỹ đất quy hoạch vùng dược liệu cây ba kích nằm trong rừng phòng hộ Đắc Mi. Theo Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn Nguyễn Mạnh Hà, địa phương có ưu thế phát triển cây ba kích, bởi vậy kiến nghị tỉnh cần bổ sung loại dược liệu vừa phát hiện này vào quy hoạch chung của tỉnh. Chiến lược kinh tế rừng rõ nhất là tận dụng lợi thế của thổ nhưỡng, khí hậu ưu đãi, Quảng Nam đã quy hoạch vùng trồng sâm Ngọc Linh rất bài bản.
Được biết, từ khi quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030 với diện tích gần 64.200ha, đã mở ra cơ hội cho người dân lẫn doanh nghiệp đầu tư phát triển mạnh dược liệu dưới tán rừng tự nhiên, nhất là cây sâm Ngọc Linh. Thời điểm này, có ít nhất 5 doanh nghiệp mạnh dạn thuê dịch vụ môi trường rừng để đầu tư vùng trồng dược liệu quy mô.