Hiệp Thuận hướng đến trồng rừng gỗ lớn

THANH HÀ 05/12/2019 11:58

Là một trong những địa phương có diện tích trồng rừng tương đối lớn, thời gian qua, xã Hiệp Thuận (Hiệp Đức) khuyến khích người dân chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn gắn với thị trường tiêu thụ gỗ keo rừng trồng có chứng chỉ FSC nhằm nâng cao giá trị kinh tế. Đây là hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông lâm ở xã Hiệp Thuận.

Toàn xã Hiệp Thuận có 821ha rừng gỗ lớn được cấp giấy chứng nhận FSC. Ảnh: Đ.H
Toàn xã Hiệp Thuận có 821ha rừng gỗ lớn được cấp giấy chứng nhận FSC. Ảnh: Đ.H

Trồng rừng gỗ lớn

Toàn xã Hiệp Thuận có 1.600ha rừng sản xuất, trong đó hơn 1.500ha trồng keo nguyên liệu, gần 80ha cao su tiểu điền. Những năm trước, kinh tế rừng ở địa phương này vẫn chưa mang lại hiệu quả cao, nguyên nhân chính là sử dụng nguồn giống không đảm bảo chất lượng, không rõ xuất xứ nguồn gốc. Cùng với đó, tâm lý lâu nay người dân trồng rừng gỗ nhỏ, chủ yếu sử dụng làm nguyên liệu giấy, dăm gỗ,… nên mang lại giá trị kinh tế thấp. Thực hiện chuyển đổi đề án tái cơ cấu nông nghiệp ở địa phương, những năm gần đây, xã Hiệp Thuận đã vận động khuyến khích người dân linh hoạt chuyển từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, trồng rừng theo mô hình trồng rừng gỗ lớn FSC và đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Lợi ích của trồng rừng gỗ lớn FSC không chỉ là giá trị kinh tế cao mà còn góp phần quan trọng để tăng khả năng giữ nước, giảm xói mòn, rửa trôi đất rừng, có khả năng điều tiết nguồn sinh thủy và góp phần bảo vệ môi trường. Theo ông Nguyễn Bốn (ở thôn 3), đối với cây keo lai thường trồng đến năm thứ 4, thứ 5 vẫn là rừng gỗ nhỏ nên chỉ có thể bán làm dăm gỗ, nguyên liệu giấy, mang lại doanh thu chừng 35 - 40 triệu đồng/ha. Thế nhưng, khi trở thành rừng gỗ lớn, tức là sau 10 năm mới khai thác, thì bán theo giá gỗ nguyên liệu, gỗ chế biến với giá trị 180 - 200 triệu đồng/ha. “Gia đình tôi đang trồng và chăm sóc 5ha rừng gỗ lớn FSC. Trồng rừng gỗ nhỏ chu kỳ khai thác ngắn hơn, còn trồng rừng gỗ lớn chu kỳ dài gấp đôi nhưng lợi nhuận cao hơn nhiều lần. Trồng rừng gỗ lớn không mất nhiều thời gian phát dọn hoặc làm cỏ, được hướng dẫn chăm sóc kỹ thuật, bảo vệ được môi trường và được hỗ trợ loại giống tốt hơn” - ông Bốn cho biết.

Hiện nay, trong tổng số hơn 1.600ha diện tích rừng sản xuất của Hiệp Thuận có đến 159 hộ tham gia trồng rừng keo lai gỗ lớn được cấp giấy chứng chỉ FSC với diện tích hơn 821ha. Ông Mai Tấn Lựu - Chủ tịch UBND xã Hiệp Thuận cho biết, keo và cao su là hai cây trồng chủ lực, đem lại giá trị lớn, mở hướng thoát nghèo, vươn lên làm giàu cho nhiều hộ ở địa phương. Khi có được vùng nguyên liệu tại chỗ, các doanh nghiệp sẽ mạnh dạn đầu tư, kéo theo loại hình dịch vụ công nghiệp phát triển. Thành công bước đầu rõ nét nhất trong công tác trồng rừng gỗ lớn ở địa phương là sự liên kết mật thiết giữa nông dân với hợp tác xã (HTX), nông dân với doanh nghiệp để tạo ra thị trường cung - cầu ổn định. Những năm gần đây, doanh thu hằng năm từ rừng ở địa phương đạt lên đến  20 - 25 tỷ đồng.

Bà đỡ cho nông dân

Tiên phong trong việc đầu tư, phát triển mô hình trồng rừng gỗ lớn FSC ở Hiệp Thuận là HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận. Hiện HTX có 15 thành viên tham gia trồng 200ha rừng, trong đó có hơn 100ha đã được cấp chứng nhận tiêu chuẩn FSC. Với mục tiêu phát triển rừng theo hướng bền vững, HTX Hiệp Thuận đang hướng đến chuỗi giá trị sản xuất khép kín từ cung ứng cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch, bao tiêu sản phẩm. Theo ông Nguyễn Hữu Dương - Giám đốc HTX Hiệp Thuận, để trồng rừng gỗ lớn quan trọng nhất phải đảm bảo được nguồn giống cây đạt chuẩn, điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng gỗ khi thu hoạch. Ngay từ ngày đầu đi vào hoạt động, HTX đã xúc tiến đầu tư hạ tầng xây dựng vườn ươm giống với quy mô 6.000m2, đảm bảo cung ứng nguồn cây giống chất lượng tốt, rõ nguồn gốc và hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc theo quy trình mới cho người dân và thành viên trong HTX theo mô hình trồng rừng gỗ lớn FSC. Đến nay, HTX Hiệp Thuận đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với 140 hộ dân trong và ngoài xã, tổng diện tích khoảng 760ha rừng keo gỗ lớn có giấy chứng nhận FSC, phục vụ cho việc sơ chế gỗ cây thành gỗ miếng, cung cấp cho các nhà máy sản xuất gỗ ghép thanh công nghiệp. Những thành viên và hộ dân đã được HTX ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm không chỉ được mua giống chất lượng từ vườn ươm với giá thấp mà HTX còn có chính sách hỗ trợ 30% giá trị rừng cho các hộ dân để họ giữ và kéo dài thời gian trồng rừng nhằm đảm bảo chất lượng gỗ khi khai thác.

Tuy nhiên, một chu kỳ của rừng trồng gỗ lớn phải mất 10 - 12 năm, dài hơn rất nhiều so với rừng trồng gỗ nhỏ chỉ 4 - 5 năm, dẫn đến quá trình khai thác thu hồi vốn đầu tư khá lâu. Trong khi đó, đời sống kinh tế người dân địa phương còn khó khăn, thu nhập thêm ngoài rừng chưa đảm bảo cho cuộc sống để “lấy ngắn nuôi dài”. “Mặc dù hiện nay Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách tín dụng để khơi nguồn phát triển lâm nghiệp, tuy nhiên các ngân hàng vẫn còn lo ngại cho vay đầu tư vào lĩnh vực này vì rủi ro cao, thời gian trả nợ khá dài. Đây thực sự là “điểm nghẽn”, một khó khăn, thách thức rất lớn đối với các đơn vị kinh tế HTX, người trồng rừng gỗ lớn FSC” - ông Dương nói.

THANH HÀ