Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Đa dạng hình thức giao khoán
Nguồn tài chính dồi dào từ dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) cùng với sự đa dạng các hình thức giao khoán bảo vệ đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều địa phương trong tỉnh quản lý rừng một cách bền vững.
Năm 2019, theo kế hoạch, Quảng Nam sẽ thu hơn 136 tỷ đồng từ nguồn tiền DVMTR. Nhưng, theo báo cáo của Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh, tính đến ngày 20.11.2019, đơn vị nhận ủy thác thu được hơn 77 tỷ đồng (đạt hơn 56,6% tổng số tiền thu trong năm), trong đó chi 56,4 tỷ đồng. Để làm căn cứ cho việc xác định chi đúng đối tượng, diện tích, thời gian qua Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh hỗ trợ các chủ rừng thực hiện giải đoán ảnh và lập bản đồ biến động rừng định kỳ (mỗi quý 1 ảnh) để cung cấp và khuyến cáo đến chủ rừng, hạt kiểm lâm phục vụ cho công tác theo dõi diễn biến rừng. Quỹ cũng phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh làm việc với các hạt kiểm lâm huyện, UBND các xã hỗ trợ cập nhật biến động rừng trong vùng chi trả DVMTR theo đúng lộ trình.
Sau khi Nghị định 99 (năm 2010) ban hành chính sách về DVMTR rừng, ngành lâm nghiệp tham mưu cho chính quyền tỉnh triển khai thí điểm nhiều mô hình giao khoán bảo vệ rừng (BVR). Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hiện nay Quảng Nam đang triển khai nhiều hình thức khoán BVR. Đầu tiên là khoán rừng cho nhóm hộ năm 2012. Đây là hình thức phổ biến, được thực hiện trên cơ sở áp dụng kết quả thí điểm giao khoán rừng cho nhóm hộ của dự án do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ. Tổng diện tích rừng giao cho nhóm hộ là 216.500ha, bình quân mỗi nhóm hộ được giao 213,2ha (mỗi hộ nhận khoảng hơn 10ha, mỗi nhóm khoảng 10 - 20 hộ; thu nhập 60 triệu đồng/nhóm hộ/năm). Kế tiếp là mô hình khoán rừng cho cộng đồng, thực hiện 2 năm (2016 – 2017).
Đến nay, diện tích chi trả DVMTR tỉnh là 283.329ha, với 15 đề án chi trả được UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó diện tích giao khoán 226.982ha cho 610 nhóm/12.842 hộ và 142 cộng đồng; diện tích các chủ rừng tự bảo vệ là 56.347ha. Tổng số tiền thu, chi DVMTR từ năm 2013 đến nay là 481 tỷ đồng.
Từ bất cập trong BVR của một số nhóm hộ, tỉnh đã chủ trương giao cho các chủ rừng căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương. Đến nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ A Vương, Sông Kôn đã chuyển đổi một số diện tích sang khoán theo hình thức cộng đồng. Tổng diện tích giao khoán là 7.390ha cho 22 cộng đồng; bình quân mỗi cộng đồng được nhận khoán diện tích 336ha. Một mô hình khác là giao khoán cho đội BVR của xã. Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh đang triển khai hình thức này với diện tích khoán 3.128ha/28 thành viên, thu nhập của đội BVR khoảng 500 triệu/năm. Hình thức giao khoán khác nữa là các chủ rừng tự bảo vệ. Hầu hết chủ rừng đều có một số diện tích tự bảo vệ nằm ở xa khu dân cư. Các chủ rừng, dựa trên nguồn chi trả nhận được để hợp đồng một số lao động thực hiện. Các lao động này vừa trực tiếp bảo vệ diện tích rừng của ban tự quản lý vừa chịu trách nhiệm giám sát việc BVR của các nhóm hộ. Và, cuối cùng là hình thức tổ BVR chuyên trách mà tỉnh đang triển khai thí điểm ở nhiều chủ rừng.
Từ kết quả của các dự án thực hiện thí điểm do Ngân hàng ADB, tổ chức Trường Sơn Xanh, dự án thí điểm chi trả DVMTR về hấp thụ và lưu giữ các bon tài trợ, 6 năm qua Quảng Nam đã triển khai việc xây dựng 15 đề án chi trả DVMTR tại các lưu vực thủy điện, nơi thí điểm về hấp thụ và lưu giữ các bon, được UBND tỉnh phê duyệt. Tổng diện tích lưu vực thuộc địa bàn 70 xã thuộc 11 huyện Núi Thành, Phú Ninh, Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Nông Sơn, Đại Lộc, Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang và Duy Xuyên. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT – ông Lê Minh Hưng cho rằng, kinh nghiệm của tỉnh là thí điểm một số mô hình trước, không triển khai ồ ạt, sau đó đúc kết thực tiễn. Hình thức nào phù hợp, hiệu quả thì triển khai nhân rộng; ngược lại hình thức nào bất cập thì loại bỏ. “Mỗi mô hình giao khoán đều có tính ưu việt, hạn chế riêng, nhưng hình thức thành lập tổ BVR chuyên trách có thể là xu hướng được lựa chọn, bởi hiệu quả nằm ở chỗ lực lượng tuần tra không đông nhưng đủ mạnh để giữ rừng” - ông Hưng nói.