“Đau đầu” với nguồn cây giống lâm nghiệp
Vào mùa trồng rừng mới nhưng ngành lâm nghiệp và các địa phương vẫn đang lúng túng trong việc tìm kiếm nguồn cây giống lâm nghiệp đảm bảo chất lượng.
Khó xác định nguồn gốc giống
Quảng Nam không thể tiến hành trồng rừng gỗ lớn như kế hoạch đề ra nếu như không rà soát, tổ chức, quản lý, đầu tư lại vườn ươm cây giống đảm bảo chất lượng. Nhiều năm nay, huyện Đại Lộc vẫn “giẫm chân tại chỗ” trong phát triển kinh tế rừng, mà nguyên nhân được xác định là do hạn chế về nguồn cây giống.
Phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc thông tin, địa phương chỉ có 1 cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp đủ điều kiện, có nguồn gốc rõ ràng cung ứng ra thị trường mỗi năm 1 triệu cây con; trong khi đó nhu cầu của nhân dân, đơn vị trên địa bàn cần mỗi năm ít nhất 4,5 triệu cây. Vì “cầu vượt cung” nên chủ rừng phải đi mua cây giống tại các cơ sở đảm bảo chất lượng ở ngoài tỉnh, thậm chí chấp nhận mua cây giống trôi nổi không rõ nguồn gốc trên thị trường. Không chỉ ở Đại Lộc mà hầu hết các huyện miền núi cũng đang gặp khó khăn trong tìm kiếm giống cây lâm nghiệp rõ ràng nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng.
Năm 2015, UBND tỉnh phê duyệt Đề án thí điểm mô hình trồng rừng sản xuất bằng giống keo nuôi cấy mô giai đoạn 2015 – 2022. Theo đó, dự án có quy mô rộng hơn 13,5ha, thực hiện tại 2 huyện Đông Giang và Thăng Bình. Ngoài ra, ngân sách tỉnh còn hỗ trợ mô hình phát triển hơn 1 triệu cây giống lâm nghiệp (keo tai tượng Úc, keo nuôi cấy mô, cây giổi và cây lim xanh). Mặc dù các chuyên gia lâm nghiệp đánh giá, việc phát triển thâm canh rừng trồng gỗ lớn, rừng trồng bền vững đạt chứng chỉ quốc tế (FSC) có giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với trồng 5 năm khai thác, nhưng tiến độ trồng rừng để công nhận đạt chứng chỉ FSC hiện vẫn còn khá khiêm tốn. Theo thống kê, trong số 2.292ha rừng trồng theo các tiêu chí FSC trên địa bàn tỉnh thì đến nay mới có 822ha rừng trồng được công nhận chứng chỉ FSC.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, các đơn vị sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh nhỏ lẻ, tự phát, sử dụng giống có chất lượng thấp. Nói về khó khăn trong quản lý nguồn giống, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Minh Hưng cho rằng, hiện nay chưa có quy định của Chính phủ, Bộ NN&PTNT về xác nhận nguồn gốc giống, công nhận nguồn giống cây dược liệu thuộc loài thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm nằm trong Công ước CITES và theo quy định của pháp luật Việt Nam, nên gặp khó khăn trong xác nhận nguồn gốc giống cây dược liệu.
Cần kiểm soát chặt
Trên địa bàn tỉnh có 186 đơn vị, cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp; trong đó có 47 cơ sở có giấy phép đăng ký kinh doanh, 139 cơ sở không đăng ký kinh doanh. Các vườn ươm sản xuất được hơn 41 triệu cây giống lâm nghiệp các loại. Trong đó, phần lớn là các loài keo (keo lai hom, keo nuôi cấy mô, keo tai tượng, keo lưỡi liềm) với số lượng hơn 39 triệu cây giống, quế gần 1,5 triệu cây, còn lại là sao đen, lim xanh, giổi, huỳnh đàn.
Từ đầu năm đến nay, Sở NN&PTNT công nhận nguồn giống cây trồng cho 2 vườn cây đầu dòng của Công ty TNHH Giống cây trồng Đồng Tâm và cơ sở vườn ươm của hộ ông Nguyễn Huy Cẩn; công nhận 53 cây quế trội tại huyện Phước Sơn và Bắc Trà My đảm bảo chất lượng giống. Tính đến nay, toàn tỉnh có 7 vườn cây đầu dòng còn hiệu lực khai thác, 83 cây quế trội và 10ha rừng giống quế được công nhận đảm bảo chất lượng. Chi cục Kiểm lâm tỉnh khuyến cáo, cây con xuất đi trồng phải có chứng nhận nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; tổ chức, hộ gia đình nên trồng rừng bằng các loại giống lâm nghiệp ưu trội đã được Viện Nghiên cứu giống và công nghệ sinh học (thuộc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam) nghiên cứu đưa vào trồng rừng cho năng suất cao tại các địa phương trong thời gian qua với các giống cây như như BV10, BV16, BV30, Clt7, giống keo tai tượng Úc và các loài cây bản địa hiện có.
Từ cơ chế ưu đãi, tỉnh đã thu hút một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất giống lâm nghiệp công nghệ cao. Đơn cử, hỗ trợ quỹ đất, cơ chế liên kết trồng rừng cho Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam đầu tư sản xuất giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tại xã Đại Hiệp (Đại Lộc); Công ty TNHH MTV Hào Hưng đầu tư sản xuất giống lâm nghiệp chất lượng cao tại xã Mà Cooih (Đông Giang) và Công ty TNHH Đầu tư quốc tế Phú Ninh đầu tư gieo ươm cây gáo vàng tại xã Cà Dy (huyện Nam Giang). Ngành lâm nghiệp lưu ý, cần phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng nguồn giống và hồ sơ vật liệu giống đối với cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp theo quy định tại Thông tư số 30, ngày 16.11.2018 của Bộ NN&PTNT.