Cách nào để phát triển rừng gỗ lớn?

TRẦN HỮU 21/11/2019 11:22

Nguồn lực đất đai dồi dào, lại nằm trong vùng sản xuất nguyên liệu của miền Trung, nhưng Quảng Nam vẫn phát triển chậm chạp cánh rừng gỗ lớn. Cách nào để tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong hợp tác liên kết chuỗi sản xuất trồng rừng gỗ lớn là bài toán cần lời giải sớm với ngành nông nghiệp hiện nay.

Khó khăn nhất của doanh nghiệp chế biến gỗ là thiếu nguồn nguyên liệu tại chỗ đảm bảo chất lượng. TRONG ẢNH: Phân xưởng sản xuất của Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam, tại huyện Hiệp Đức.Ảnh: T.H
Khó khăn nhất của doanh nghiệp chế biến gỗ là thiếu nguồn nguyên liệu tại chỗ đảm bảo chất lượng. TRONG ẢNH: Phân xưởng sản xuất của Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam, tại huyện Hiệp Đức.Ảnh: T.H

Tại cuộc hội thảo “Trồng rừng gỗ lớn liên kết chuỗi tại Quảng Nam” do Sở NN&PTNT phối hợp với dự án Trường Sơn Xanh vừa tổ chức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, Quảng Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển trồng rừng gỗ lớn. Sắp tới, địa phương sẽ nghiên cứu hình thức hợp tác công - tư để phát triển chuỗi giá trị gỗ lớn FSC, định hướng phát triển chuỗi giá trị trồng rừng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Từ chủ trương lớn của tỉnh, sẽ tạo điều kiện giúp người trồng rừng tiếp cận thông tin, hỗ trợ kỹ thuật và nguồn vốn để trồng rừng FSC hiệu quả cao hơn.

Rào cản

Nhiều năm qua, kinh tế rừng trong tỉnh đạt giá trị thấp do sử dụng giống cây trồng chất lượng thấp, không rõ xuất xứ, nguồn gốc; tâm lý người dân giữ thói quen trồng rừng gỗ nhỏ chủ yếu phục vụ cho thị trường dăm gỗ, trong khi thị trường này gần như không có yêu cầu nghiêm ngặt trong kiểm soát chất lượng và nguồn gốc sản phẩm. Diện tích rừng trồng sản xuất của tỉnh phần lớn từ các dự án viện trợ nước ngoài (WB3, Carbi, BCC, KFW6…), dự án hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước và của tổ chức, hộ gia đình tự bỏ vốn đầu tư trồng rừng. Loại cây trồng chủ yếu là keo làm gỗ nguyên liệu giấy, dăm gỗ. Sở NN&PTNT thống kê, từ năm 2016 đến nay, tổng diện tích đã thực hiện trồng rừng sản xuất là 52.198ha, trong số này diện tích rừng trồng từ nguồn vốn tự có của tổ chức, hộ gia đình chiếm hơn 50.578ha. Diện tích lớn, nhưng chất lượng năng suất bình quân rất thấp, chỉ đạt 70 - 75m3/ha/chu kỳ 5 năm; sản lượng gỗ khai thác rừng trồng sản xuất bình quân hàng năm khoảng 1 triệu mét khối.

Rào cản lớn mà các doanh nghiệp gặp phải khi trồng rừng gỗ lớn là loay hoay tìm quỹ đất, hoặc liên kết thuê đất của người dân. Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam đưa kế hoạch, giai đoạn 2019 – 2023, công ty liên kết với người dân trên địa bàn các huyện, tạo ra vùng nguyên liệu để cung cấp gỗ lớn khoảng 30.000ha. Trong đó, thuê quyền sử dụng đất của Nhà nước để trồng khoảng 2.000ha, liên lết với người dân 28.000ha. Ông Đoàn Văn Hùng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam cho biết, hiện đơn vị sản xuất 2 dòng sản phẩm chính (gỗ ghép thanh và gỗ dán). Khó khăn nhất trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nằm ở chỗ nguồn nguyên liệu đầu vào không đạt chất lượng do nhỏ, non, không đồng đều. Hiện nguyên liệu tại chỗ chỉ có thể cung cấp khoảng 30 - 40% nhu cầu nguyên liệu cho nhà máy. Công ty dự kiến sẽ mua lại rừng trồng của người dân ở giai đoạn 4 - 5 năm tuổi theo giá thị trường, người dân tiếp tục quản lý bảo vệ đến lúc khai thác gỗ lớn, vẫn được hưởng phần giá trị tăng thêm do rừng cho gỗ lớn. «Người dân có quyền sử dụng đất, doanh nghiệp đầu tư trồng rừng, chăm sóc rừng. Tùy theo điều kiện cụ thể về quy mô diện tích, điều kiện lập địa, hạ tầng để hai bên có thỏa thuận tỷ lệ thành quả được hưởng thông qua hợp đồng. Đến thời điểm khai thác, các bên định giá theo thị trường để phân chia theo tỷ lệ đã cam kết. Doanh nghiệp đang tính toán thuê quyền sử dụng đất lâu dài của người dân, tối thiểu 20 năm” – ông Hùng cho biết.

Đề xuất nhiều giải pháp

Cần trồng rừng gỗ lớn gắn với thị trường

Sở NN&PTNT thống kê, hiện cả tỉnh có 216.292ha rừng trồng, trong đó có 157.301ha rừng trồng sản xuất và diện tích đất trồng được quy hoạch sản xuất là 44.774ha. Bình quân diện tích trồng rừng sản xuất hàng năm khoảng 13.000ha, chủ yếu là trồng lại sau khai thác.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Minh Hưng cho rằng, một “cuộc cách mạng” trong phát triển kinh tế rừng là thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó sớm thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị trồng rừng gỗ lớn gắn với thị trường tiêu thụ gỗ keo rừng trồng có chứng chỉ rừng FSC. Các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp đóng vai trò rất lớn trong việc phát triển trồng rừng gỗ lớn từ việc trồng đến bao tiêu sản phẩm.

Thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh chưa thể đẩy mạnh việc trồng rừng gỗ lớn liên kết sản xuất theo chuỗi được do chậm tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. Tại huyện Bắc Trà My, tuy chính quyền có chủ trương trồng rừng gỗ lớn từ rất sớm, nhưng diện tích cánh rừng gỗ lớn hiện nay vẫn còn khá khiêm tốn. Hầu hết rừng trồng theo cách tiếp cận đạt chứng chỉ FSC đều từ dự án tài trợ của nước ngoài. Theo Phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My, việc vay vốn để đầu tư trồng mới rừng gỗ lớn không hề dễ dàng. Dù Nhà nước có những chính sách tín dụng để phát triển lâm nghiệp, nhưng thực tế các ngân hàng thường ngại cho vay về lĩnh vực này vì sợ rủi ro cao, thời gian trả nợ kéo dài. Đây thực sự là một khó khăn lớn đối với người trồng rừng. Chủ trương của địa phương là tận dụng sự hỗ trợ, liên kết và đầu tư trồng rừng của các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư để liên kết với người dân. Các chính sách trồng rừng gỗ lớn tính toán giảm thiểu sự đầu tư, nhất là về vốn đối ứng do người dân bỏ ra. Nghịch lý ở chỗ, trồng rừng gỗ lớn có chu kỳ kinh doanh dài, trong khi thủ tục vay vốn từ các ngân hàng còn rườm rà, thời gian cho vay lại ngắn, khó tiếp cận. Đây là một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp và hộ gia đình thường trồng rừng gỗ nhỏ để xoay vòng vốn nhanh. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My – ông Huỳnh Ngọc Thiệu đề xuất, cần chuyển từ vay vốn cho không để trồng rừng sản xuất sang vay vốn ưu đãi trồng rừng gỗ lớn để phát triển rừng theo hướng bền vững và kéo dài thời gian vay vốn.

Ở huyện Phước Sơn, có một số doanh nghiệp đến thuê quyền sử dụng đất của dân, đầu tư vườn ươm cây giống đạt chuẩn để phục vụ rừng trồng sản xuất. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phước Sơn - ông Nguyễn Văn Thanh kiến nghị, chính quyền tỉnh cần quy hoạch cụ thể diện tích trồng rừng gỗ lớn; bổ sung các chính sách vay vốn ưu đãi để phục vụ trồng rừng gỗ lớn. Thêm vào đó, miễn giảm tiền thuê đất đối với những diện tích trồng rừng gỗ lớn; xây dựng các nhà máy chế biến lâm sản gắn với vùng nguyên liệu; triển khai quyết liệt công tác thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép để trồng lại rừng. “Nhà nước phải cụ thể hóa chính sách ưu đãi về tiền thuê đất, vốn hỗ trợ, vốn vay và chính sách thuế để doanh nghiệp và người dân có điều kiện chuyển đổi, trồng mới rừng cho gỗ lớn. Khi đã ban hành chính sách, ngân hàng và các tổ chức tín dụng phải đồng hành với người dân và doanh nghiệp trong phát triển cánh rừng gỗ lớn, chứ không thể có chuyện trên bảo dưới không nghe” – ông Thanh nói.

Ngành nông nghiệp tỉnh còn đề xuất thành lập quỹ dự phòng bảo hiểm trồng rừng gỗ lớn để sử dụng trong trường hợp rủi ro, thiên tai nhằm tạo lòng tin cho người dân.

TRẦN HỮU