Dịch vụ môi trường rừng: Tiến tới thanh toán điện tử
Bộ NN&PTNT đang đôn đốc các địa phương nhanh chóng triển khai chi trả chính sách dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) bằng hình thức thanh toán điện tử (qua thẻ ATM) nhằm góp phần thực hiện chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ; đồng thời rút ngắn thời gian thanh toán chi trả cho người dân tham gia bảo vệ rừng (BVR). Ở Quảng Nam, hình thức chi trả này đang được các chủ rừng tiếp cận.
Tổng cục Lâm nghiệp thông tin, đến nay 100% chủ rừng là tổ chức đã nhận thanh toán tiền DVMTR qua tài khoản. Cụ thể, cả nước có 1.342 chủ rừng là tổ chức được hưởng tiền DVMTR, số tiền đã giải ngân là 1.975,2 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch). Tổng số tiền được chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng chiếm 100%. Hộ gia đình cá nhân, cộng đồng, nhóm hộ được giao rừng đã mở được 44.095 tài khoản ngân hàng và giao dịch thanh toán điện tử để giải ngân được hơn 159 tỷ đồng.
Theo quyết định của UBND tỉnh, năm 2019, tổng diện tích rừng được chi trả DVMTR là 289.632ha, theo kế hoạch được duyệt là 120 tỷ đồng cho 12 đơn vị chủ rừng là tổ chức nhà nước, 17 UBND cấp xã được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng. Giám đốc Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh – ông Huỳnh Đức cho rằng, đến nay việc trả tiền DVMTR cho chủ rừng là hộ dân, cá nhân, cộng động dân cư vẫn được trả trực tiếp bằng tiền mặt nên mất nhiều thời gian, chi phí cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để khắc phục tình trạng này, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh đã tổ chức hội thảo, tập huấn với nhiều chủ rừng, chính quyền địa phương hướng dẫn cách thức chuyển tiền đến tài khoản của chủ rừng thông qua kênh ViettelPay. Bằng hình thức này, chủ rừng sẽ nhận được tin nhắn thông báo trên điện thoại về số tiền nhận được. Được biết, nếu muốn rút tiền mặt, chủ rừng có thể đến đại lý ủy quyền của Viettel nơi gần nhất để làm thủ tục nhận tiền. Bên cạnh đó, có thể sử dụng để thanh toán trực tuyến, chuyển khoản cho người thân hay thanh toán tiền điện, tiền nước qua thao tác trên điện thoại mà không cần dùng tiền mặt… Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Từ Văn Khánh đánh giá, việc chi trả DVMTR qua ứng dụng ViettelPay có nhiều tiện ích, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại; thuận lợi trong công tác kiểm tra, giám sát.
Tại cuộc họp mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đưa ra “tối hậu thư”, đến cuối năm 2019 các địa phương không dùng tiền mặt để chi trả tiền DVMTR. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, lộ trình năm 2020 chấm dứt sử dụng tiền mặt trong chi trả DVMTR khó triển khai đồng loạt ở các chủ rừng, địa phương trên địa bàn Quảng Nam, do nhiều chủ rừng mới triển khai thí điểm mô hình chuyển từ hình thức giao khoán BVR ở nhóm hộ, cộng đồng dân cư sang tổ chuyên trách BVR. Tỷ lệ giải ngân ở một số địa bàn vùng cao còn hạn chế do công tác kiểm kê rừng chưa hoàn thiện. Thêm vào đó là sự chậm chạp trong việc giao đất, giao rừng, số lượng lớn người cung cấp dịch vụ sống rải rác tại các huyện miền núi.