Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Phục hồi “lá phổi xanh”
Hầu hết diện tích rừng tự nhiên bị mất do chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã được trồng rừng thay thế (TRTT) từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Trong khi đó, ngành kiểm lâm đang thay đổi toàn diện mô hình giữ rừng, điều chỉnh nhiều chính sách phù hợp với thực tiễn.
Trả xong nợ rừng
Theo Sở NN&PTNT, tính đến nay Quảng Nam đã chuyển đổi hơn 1.878ha rừng sang mục đích sử dụng khác. Trong đó, có 1.441ha chuyển sang xây dựng các công trình thủy điện, còn lại là chuyển sang khai thác khoáng sản, du lịch 109ha và 328ha chuyển sang xây dựng các công trình công ích. Để khôi phục “lá phổi xanh”, UBND tỉnh phê duyệt phương án TRTT với tổng diện tích 2.039ha, lớn hơn diện tích đất rừng tự nhiên đã mất do chuyển đổi mục đích sử dụng.
Tính đến tháng 7.2019, các địa phương đã hoàn thành xong diện tích TRTT đã được phê duyệt, ngoại trừ còn 26,6ha do chuyển đổi mục đích sử dụng rừng cuối năm 2018. Chi cục Kiểm lâm tỉnh đánh giá, diện tích TRTT có tỷ lệ sống bình quân đạt hơn 75%, đang trong quá trình chăm sóc và bảo vệ. Tại huyện Nam Giang, một số loại cây trồng trong giai đoạn đầu phát triển rất tốt nhưng sau đó bị thú rừng ăn, nhất là những cây có vị ngọt như cây lát hoa. Thời gian qua, ngành nông nghiệp chỉ đạo trồng dặm cây sao đen hoặc lim xanh thay thế cho những cây lát hoa bị thú rừng ăn. Ngoài ra, các huyện miền núi cao của tỉnh như Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My có lượng mưa nhiều, độ ẩm lớn nên thực bì phát triển rất nhanh, bao phủ, lấn át không gian sống của các loại cây gỗ được trồng. Hiện các đơn vị trồng rừng phải nâng số lần chăm sóc, phát thực bì từ 2 lên 3 lần/năm. Theo Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh, tại các huyện Nam Giang, Phước Sơn, Đông Giang, Bắc Trà My, thông thường các chủ rừng thuê lại đơn vị thi công TRTT và kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ khâu chọn cây giống, trồng, chăm sóc, bảo vệ. Việc đấu thầu chọn đơn vị trồng diễn ra công khai, minh bạch.
Với các dự án TRTT đã triển khai trên địa bàn tỉnh, thời điểm này chưa có dự án nào kết thúc, vì theo quy định mỗi dự án kéo dài 10 năm (1 năm trồng, 4 năm chăm sóc và 5 năm quản lý bảo vệ). Theo ông Huỳnh Đức – Giám đốc Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh, với các diện tích TRTT có tỷ lệ cây chết cao, đơn vị cùng với các ngành chức năng yêu cầu đơn vị thi công trồng và chăm sóc lại, khi nào đạt yêu cầu thì chủ rừng mới tiến hành giải ngân. Theo dõi các đai rừng phòng hộ ở vùng cát Thăng Bình, Tam Kỳ, hay vùng cao Nam Giang, Bắc Trà My từ nguồn tiền chi trả DVMTR cho TRTT, chúng tôi nhận thấy nhiều loại cây sinh trưởng, phát triển nhanh. Tuy nhiên, không ít diện tích rừng ở đất cát ven biển bị hư hại do cháy rừng trong các đợt nắng nóng cao điểm vừa qua, cần được triển khai thiết kế trồng bổ sung.
Liên tục ban hành chính sách
Cả nước thu hơn 1.136 tỷ đồng từ DVMTR
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, tính đến cuối tháng 5.2019, cả nước đã thu được hơn 1.136 tỷ đồng từ DVMTR (đạt 36% kế hoạch thu năm 2019 và bằng 107% so với cùng kỳ năm 2018). Trong đó, quỹ trung ương thu được 795,3 tỷ đồng, đạt 35% kế hoạch năm 2019; quỹ tỉnh thu 340,7 tỷ đồng, đạt 38% kế hoạch năm 2019 và bằng 103% cùng kỳ năm 2018. Cũng tính đến tháng 5.2019, lũy kế giải ngân tiền DVMTR năm 2018 đến chủ rừng của cả nước là 2.125,8 tỷ đồng (đạt 85% kế hoạch).
Trước các bất cập trong quản lý, bảo vệ rừng (BVR), năm 2018, HĐND tỉnh đã ra Nghị quyết số 46/2018/NQ-HĐND quy định mức chi hỗ trợ công tác quản lý BVR tự nhiên trên địa bàn giai đoạn năm 2019 - 2020. Sau đó, ngày 21.1.2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 266 về việc triển khai Nghị quyết 46. Ngày 24.4.2019, UBND tỉnh ra Kế hoạch 2219 về việc triển khai Nghị quyết số 46 và Quyết định số 266. Nhận diện những tồn tại trong hình thức giao khoán BVR từ chính sách chi trả DVMTR, đầu tháng 8.2019, UBND tỉnh phê duyệt Quyết định số 2468 về ban hành Đề án tổ chức lại Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam và các ban quản lý rừng. Đề án này thống nhất chỉ để lại các hạt kiểm lâm liên huyện ở khu vực đồng bằng với ba huyện do một hạt kiểm lâm quản lý; nhưng khu vực miền núi mỗi huyện sẽ do một hạt kiểm lâm độc lập để gắn với chính quyền cơ sở. Đối với ban quản lý rừng, giao về trực thuộc cấp huyện quản lý, để chính quyền kịp thời chỉ đạo điều hành hoạt động BVR của địa phương. Các ban quản lý rừng phòng hộ được chuyển về trực thuộc huyện. Đến năm 2020, sẽ chuyển toàn bộ những diện tích thực hiện giao khoán cho hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng dân cư hiện nay sang hình thức chủ rừng tự tổ chức quản lý BVR thông qua các đội chuyên trách BVR do chủ rừng quyết định. Chủ rừng phối hợp với cộng đồng dân cư thôn để bình chọn thành viên tham gia BVR và mỗi cộng đồng dân cư thôn là một đội; ký kết hợp đồng với từng thành viên trong đội và quản lý điều hành, xây dựng kế hoạch hoạt động cho đội tuần tra BVR.
Theo UBND tỉnh, việc cải tổ toàn diện bộ máy điều hành ngành kiểm lâm là để thống nhất đầu mối quản lý, lựa chọn mô hình giữ rừng hiệu quả, không đông nhưng đủ mạnh; đồng tiền chi trả DVMTR sẽ được sử dụng đúng đối tượng, hiệu quả hơn. Cùng với chính sách của tỉnh, ở phạm vi Trung ương, nhiều chính sách về lâm nghiệp vừa có có hiệu lực như Hiệp định Đối tác tự nguyện giữa liên minh châu Âu và Việt Nam về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản; Nghị định số 35 ngày 25.4.2019 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp có hiệu lực từ 10.6.2019... Đây là những cơ chế, chế tài góp phần thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp phát triển bền vững và bảo vệ hiệu quả “lá phổi xanh” môi trường.