Sắp xếp lại Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam và các ban quản lý rừng: Phân cấp quản lý cho địa phương
UBND tỉnh vừa phê duyệt đề án tổ chức lại Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam và các ban quản lý rừng. Điểm mới là phân cấp thẩm quyền cụ thể cho chính quyền cấp huyện và lực lượng kiểm lâm, đồng thời tinh gọn bộ máy giữ rừng.
Cải tổ bộ máy toàn diện
Ngày 1.8.2019, UBND tỉnh ra quyết định (số 2468) về ban hành Đề án tổ chức lại Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam và các ban quản lý rừng, xuất phát từ thực tế tổ chức bộ máy của Chi cục Kiểm lâm tỉnh thời gian qua còn cồng kềnh, nhiều mô hình, nhiều đầu mối trực thuộc. Việc sáp nhập còn do chức năng quản lý, bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng giữa cơ quan hạt kiểm lâm, ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, sản xuất gần như trùng lặp lẫn nhau, dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc” trong trường hợp xảy ra phá rừng. Điều chỉnh, sắp xếp bộ máy lần này chuyển giao Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Mi trực thuộc UBND huyện Phước Sơn, Nam Sông Bung thuộc huyện Nam Giang và Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh trực thuộc UBND huyện Bắc Trà My. Đồng thời chuyển giao 3 ban quản lý rừng đặc dụng gồm Sông Thanh, Sao La, Voi và Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam về trực thuộc Sở NN&PTNT. Ngược lại, giải thể 5 Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Nam Sông Bung, Bắc Sông Bung, A Vương, Sông Kôn và Đắc Mi; giải thể 3 Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Sông Bung, A Vương, Sông Kôn (do đã chuyển giao diện tích rừng quản lý về các Ban Quản lý rừng phòng hộ Tây Giang, Đông Giang).
Như vậy, năm 2019 Quảng Nam chuyển giao 6 ban quản lý rừng phòng hộ (trừ Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam) và Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh từ thuộc Chi cục Kiểm lâm sang trực thuộc UBND huyện. Ở Tây Giang, thành lập Ban Quản lý rừng phòng hộ Tây Giang trực thuộc UBND huyện Tây Giang, quản lý diện tích 50.572ha (gồm diện tích rừng phòng hộ Bắc Sông Bung 31.713,6ha và diện tích rừng phòng hộ A Vương). Tại Nam Giang, chuyển giao nguyên trạng Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung về trực thuộc UBND huyện và đổi tên thành Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Giang diện tích quản lý 55.510ha. Tương tự, ở Phước Sơn chuyển giao nguyên trạng Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Mi về trực thuộc UBND huyện và đổi tên thành Ban Quản lý rừng phòng hộ Phước Sơn, diện tích quản lý 39.153,7ha…
Lý giải vì sao đưa các ban quản lý rừng về chính quyền huyện quản lý, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Minh Hưng cho rằng, trước đây việc phân giao lâm phận cho các ban quản lý rừng quản lý theo lưu vực sông, nên diện tích rộng, liên quan đến nhiều địa phương. Tại một số huyện, trên một địa bàn có nhiều đơn vị quản lý là hạt kiểm lâm, ban quản lý rừng; diện tích đất lâm nghiệp của một số xã thuộc lâm phận của 3 - 4 chủ rừng, nên có những khó khăn trong công tác chỉ đạo của chính quyền địa phương. Đơn cử, huyện Đông Giang có 4 ban quản lý rừng, 5 hạt kiểm lâm gồm Đông Giang - Tây Giang, A Vương, Sông Kôn, Sao La và Bạch Mã; Tây Giang có 4 hạt kiểm lâm gồm Đông Giang - Tây Giang, Sao La, Bắc Sông Bung, A Vương và 3 ban quản lý rừng. Mấu chốt nằm ở chỗ, công tác giao khoán bảo vệ rừng (BVR) vẫn còn bất cập dẫn đến một số diện tích rừng đã giao khoán nhưng vẫn bị lâm tặc chặt phá. Mô hình giao khoán BVR, nhất là mô hình giao khoán đến hộ, nhóm hộ hiệu quả chưa cao. Việc chuyển giao các chủ rừng là ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, sản xuất từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh về các địa phương quản lý là nhằm mục đích nâng cao trách nhiệm BVR của UBND cấp huyện.
Quản lý rừng tận gốc
Giải thể 16 trạm kiểm lâm
Theo đề án được duyệt, từ nay đến năm 2020, sẽ giải thể 16 trạm kiểm lâm, trạm kiểm lâm địa bàn, gồm: Tam Dân, Tiên Phước, Tiên Hiệp, Thái Xuân (Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam); Trung Phước, Duy Xuyên (Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam); An Điềm, Điện Bàn, Hội An, Cù Lao Chàm (Hạt Kiểm lâm Bắc Quảng Nam); Sông Trà, Phú Bình (Phước Sơn - Hiệp Đức); Trà Dương, Sông Tranh (Bắc Trà My); Nước Xa (Nam Trà My); Tây Giang (Đông Giang - Tây Giang) và 1 Trạm Kiểm lâm huyện Núi Thành.
Theo Sở NN&PTNT, mục đích của cải tổ, sắp xếp toàn diện lực lượng giữ rừng theo đề án được UBND tỉnh duyệt là nhằm thực hiện chủ trương “quản lý rừng tận gốc”. Theo đó, thành lập các đội tuần tra BVR ở cộng đồng thì hạn chế việc thành lập trạm kiểm lâm; giải thể các trạm kiểm lâm không cần thiết để tăng cường đưa công chức kiểm lâm phụ trách địa bàn xã. Đảm bảo bố trí mỗi xã có rừng đều có kiểm lâm địa bàn; những xã có rừng tự nhiên lớn, trọng điểm thì bố trí thêm kiểm lâm địa bàn. Theo bộ máy mới, sẽ giải thể các hạt kiểm lâm rừng phòng hộ, đặc dụng; chuyển nhiệm vụ của hạt kiểm lâm rừng phòng hộ, đặc dụng về các hạt kiểm lâm huyện. Đối với 9 huyện miền núi đều có hạt kiểm lâm để tham mưu cho chủ tịch UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lâm nghiệp; 3 hạt kiểm lâm liên huyện ở đồng bằng, mỗi hạt mỗi hạt đều quản lý địa bàn 3 huyện.
Việc đưa các ban quản lý rừng về trực thuộc UBND huyện nhằm tăng cường trách nhiệm của chính quyền cấp huyện, cấp xã trong công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp trên địa bàn; nâng cao năng lực tổ chức phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên rừng; đồng thời giải quyết được những vấn đề trước mắt về công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật. Thời gian qua, bộ máy giữ rừng vận hành thiều đồng bộ; chức năng quyền hạn của kiểm lâm, chủ rừng có nơi còn khó phân biệt. Chi cục kiểm lâm đã tham mưu cấp thẩm quyền ban hành nhiều chủ trương, chính sách về công tác quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng; thường xuyên thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và thực hiện bảo đảm chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh. Còn các ban quản lý rừng là đầu mối tiếp nhận, triển khai các chương trình, dự án để trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, chăm sóc rừng, tổ chức giao khoán BVR theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các hộ dân tại địa phương; thực hiện các dịch vụ phục vụ sản xuất lâm nghiệp của nhân dân. Tuy nhiên, do bộ máy thiếu thống nhất dẫn đến hiệu quả giữ rừng không như mong muốn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định: “Đề án “Tổ chức lại Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam và các ban quản lý rừng” là yêu cầu cần thiết hiện nay. Việc cải tổ, sắp xếp lại nhằm quản lý rừng tận gốc, nâng cao năng lực tổ chức phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư về lâm nghiệp góp phần ổn định cuộc sống của người dân”.