Thực hiện Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư Trung ương: Phát triển bền vững ngành lâm nghiệp

TRẦN HỮU 24/09/2019 10:55

Sau 3 năm thực hiện Chỉ thị số 13, ngày 12.1.2017 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhiều địa phương trong tỉnh có chuyển biến rõ rệt về việc phát triển bền vững ngành lâm nghiệp. Cả hệ thống chính trị đã được huy động, trong đó gắn trách nhiệm của các tổ chức cơ sở đảng, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị với nhiệm vụ bảo vệ rừng (BVR).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh trong chuyến thị sát tại rừng phòng hộ Đắc Mi thuộc xã Phước Chánh, Phước Sơn.Ảnh: T.H
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh trong chuyến thị sát tại rừng phòng hộ Đắc Mi thuộc xã Phước Chánh, Phước Sơn.Ảnh: T.H

Bớt cồng kềnh bộ máy

Đầu tháng 8.2019, chính quyền tỉnh đã chính thức kiện toàn lại toàn bộ lực lượng ngành kiểm lâm theo hướng giảm bớt các đơn vị, củng cố lại 2 đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Đối với 9 huyện miền núi, mỗi huyện thành lập một hạt kiểm lâm cấp huyện; trong khi đó 9 huyện đồng bằng, trung du thành lập 3 hạt kiểm lâm liên huyện. Đáng chú ý là giải thể các hạt kiểm lâm trong các ban quản lý rừng và sắp xếp lại các ban quản lý rừng phòng hộ theo địa giới hành chính cấp huyện để thống nhất quản lý. Mặt khác, chuyển giao các ban quản lý rừng phòng hộ (trừ Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam) và Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh từ trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh sang UBND huyện quản lý. Ngoài ra, chuyển giao các ban quản lý rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao La, Voi và Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam từ trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh sang trực thuộc Sở NN&PTNT. Như vậy, trước đây tỉnh có 15 hạt kiểm lâm thì giảm xuống còn 12 hạt kiểm lâm và giảm 1 ban quản lý rừng phòng hộ.

Quảng Nam sẽ ưu tiên đầu tư cây giống đảm bảo chất lượng để phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững.Ảnh: T.H
Quảng Nam sẽ ưu tiên đầu tư cây giống đảm bảo chất lượng để phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững.Ảnh: T.H

Cùng với sắp xếp toàn diện bộ máy hoạt động kiểm lâm, thì đề án vị trí việc làm và cơ cấu công chức Sở NN&PTNT giai đoạn 2018 - 2021 đã được xây dựng nhằm nâng cao hiệu quả, giảm bớt sự cồng kềnh của bộ máy BVR, tránh tình trạng chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ công tác của lực lượng BVR. Từ khi có Chỉ thị số 13, kỷ luật kỷ cương trong quản lý, BVR đã được thực thi nghiêm túc. Tất cả điểm nóng phá rừng, vận chuyển, tiêu thụ lâm sản trái phép đều được các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc kịp thời, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Điển hình, giai đoạn 2017 - 2018, các vụ phá rừng ở xã Tiên Lãnh (Tiên Phước), khai thác lâm sản ở huyện Đông Giang, Nam Giang, Nam Trà My, Phước Sơn, Bắc Trà My đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo và xử lý nghiêm. Từ các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, liên quan đến công tác BVR gắn trách nhiệm cụ thể của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương, công tác BVR được xác định như nhiệm vụ chính trị quan trọng, là một trong những tiêu chí để xem xét tổ chức cơ sở đảng có trong sạch, vững mạnh hay không. Theo thống kê, từ năm 2017 đến tháng 6.2019, Quảng Nam đã xử lý 21 cán bộ công chức, viên chức liên quan đến trách nhiệm quản lý BVR. Trong đó, lãnh đạo 10 người; công chức, viên chức 11 người.

Theo ông Phan Tuấn - Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trước khi Ban Bí thư Trung ương ban hành Chỉ thị số 13 thì năm 2015, UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 17. Đây là công cụ pháp lý nhằm giải quyết tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật vốn dai dẳng ở các huyện miền núi. Nhiều nơi đã xác định ranh giới thực địa diện tích đã giao cho các chủ rừng, diện tích chưa giao hiện do UBND cấp xã quản lý. Đồng thời, để hạn chế tình trạng xâm lấn do không xác định được mốc giới, chức năng rừng và làm cơ sở để xử lý vi phạm, chính quyền tỉnh đã chỉ đạo ngành lâm nghiệp triển khai đóng mốc ranh giới lâm phận, các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và diện tích rừng tự nhiên do UBND xã quản lý.

Phát triển rừng bền vững

Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành hàng loạt nghị quyết, chỉ thị phát triển vùng tây, trong đó đặc biệt lưu tâm đến lĩnh vực kinh tế rừng. Các chính sách chi trả dịch vụ môi trường đã chi trả kịp thời, đồng thời ở vùng tây đã quy hoạch vùng dược liệu, mạnh dạn cho thuê môi trường rừng. Tại huyện Nam Trà My, đến nay có 6 tổ chức, doanh nghiệp thuê môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh với tổng diện tích hơn 197ha. Ba doanh nghiệp đang đăng ký thuê môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh với diện tích 3.000ha. Ngoài doanh nghiệp, còn có 450 hộ dân tại 6 xã (Trà Linh, Trà Cang, Trà Leng, Trà Dơn, Trà Nam và Trà Tập) thuê gần 429ha để trồng sâm Ngọc Linh. Để nâng cao giá trị rừng trên diện tích thâm canh, 3 năm nay, Quảng Nam chủ trương phát triển mạnh rừng trồng gỗ lớn, hoặc chuyển hóa sang rừng trồng gỗ lớn. Theo đó, giai đoạn 2019 - 2020, theo kế hoạch tỉnh sẽ trồng 10.000ha rừng trồng gỗ lớn. Hiện các địa phương miền núi đang trong giai đoạn chuẩn bị hiện trường, cây giống, lập hồ sơ thiết kế. Nhằm cụ thể hóa lộ trình nâng cao năng suất và giá trị rừng trồng, ngành nông nghiệp còn “lo xa” bằng việc đầu tư vườn ươm giống keo nuôi cấy mô; hỗ trợ người dân giống keo Úc nhập khẩu khi trồng. Đồng thời, thông qua các hình thức tuyên truyền phổ biến để nhân dân, tổ chức doanh nghiệp mạnh dạn trồng rừng gỗ lớn đạt chứng chỉ quốc tế (FSC).

Ngoài thực hiện nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về lâm nghiệp, Quảng Nam đã kiểm soát chặt chẽ rừng tự nhiên khi chuyển sang các mục đích khác. Ba năm gần đây, miền núi hầu như không phê duyệt bất kỳ dự án, công trình nào liên quan đến chuyển đổi mục đích đất rừng tự nhiên sang mục đích khác. Ấn tượng rõ nhất là độ che phủ rừng của tỉnh xếp vào loại cao trong cả nước. Đến cuối năm 2018 độ che phủ rừng đạt 58,6%, tăng hơn 1,2% so với năm 2017. Tuy nhiên, nhìn lại 3 năm qua khi thực hiện Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư Trung ương, Tỉnh ủy thừa nhận, công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng của tỉnh lộ diện nhiều bất cập. Trong đó, nổi lên một số cơ chế, chính sách từ các đề án, dự án được phê duyệt (cả cấp Trung ương và địa phương) vẫn còn nằm… trên giấy, thiếu nguồn lực tài chính để triển khai. Vi phạm pháp luật về lâm sản, quản lý, bảo vệ rừng ở vùng giáp ranh các huyện miền núi chưa có dấu hiệu dừng lại, đặc biệt là tình trạng khai thác gỗ tự nhiên làm nhà tại chỗ của đồng bào dân tộc thiểu số.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng, trong các giải pháp, thì địa phương lưu tâm đến thực hiện có hiệu quả quy hoạch, kế hoạch, đề án bảo vệ, phát triển rừng đã được phê duyệt. Hiện thực hóa đề án hiện đại hóa, nâng cao năng lực giám sát rừng bằng công nghệ thông tin, nhằm ngăn ngừa, phát hiện sớm việc mất rừng, cháy rừng. Bên cạnh đó, đưa nội dung thực hiện Chỉ thị số 13 vào chỉ tiêu đánh giá hoàn thành nhiệm vụ với tổ chức đảng và đảng viên chi bộ, đảng bộ hàng năm. Ngành nông nghiệp cần tiếp tục rà soát quỹ đất lâm nghiệp trên địa bàn; đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng, thuê đất, thuê rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân phát triển kinh tế lâm nghiệp, lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu dưới tán rừng. Để thực hiện Chỉ thị số 13, Quảng Nam đề xuất Bộ NN&PTNT đưa địa phương vào khu vực ưu tiên thực hiện thí điểm kế hoạch hành động quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng và nâng cao trữ lượng các-bon theo chương trình REDD+ giai đoạn 2011 - 2020.

TRẦN HỮU