Phước Sơn đề nghị tỉnh công nhận kết quả di thực sâm Ngọc Linh

ANH ĐÔNG 24/09/2019 10:52

Để có cơ sở triển khai Nghị quyết số 41/2017 của HĐND tỉnh về cơ chế khuyến khích bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn, UBND huyện Phước Sơn vừa có tờ trình gửi UBND tỉnh và các cơ quan liên quan đề nghị công nhận kết quả di thực sâm Ngọc Linh và mở rộng chỉ dẫn địa lý cho sâm Ngọc Linh tại huyện. UBND huyện cho biết, tại xã Phước Lộc và xã Phước Thành (Phước Sơn) có một khu vực rừng già nằm trong dãy núi Ngọc Linh - nơi có loài sâm Ngọc Linh sinh trưởng tự nhiên, có độ cao trung bình từ 1.400 - 1.600m, địa hình trên đỉnh núi không dốc; rừng già có tán che phù hợp, nền đất tơi xốp nhiều mùn phù hợp với điều kiện sinh trưởng và phát triển của cây sâm Ngọc Linh trong tự nhiên. 

Bên cạnh nhiều loại dược liệu quý được phát hiện trong tự nhiên như ba kích tím, sa nhân,... Phước Sơn còn có tiềm năng phát triển cây sâm Ngọc Linh. Ảnh: .ANH ĐÔNG
Bên cạnh nhiều loại dược liệu quý được phát hiện trong tự nhiên như ba kích tím, sa nhân,... Phước Sơn còn có tiềm năng phát triển cây sâm Ngọc Linh. Ảnh: .ANH ĐÔNG

Đặc biệt, khu vực này tiếp giáp với huyện Nam Trà My và huyện Đắk Glei (tỉnh Kon Tum), các xã thuộc hai huyện này nằm ở vùng tiếp giáp xung quanh núi Ngọc Linh đã có chỉ dẫn địa lý về sâm Ngọc Linh.

Từ năm 2004 - 2005,  được sự thống nhất của Ban Dân tộc tỉnh, Ban Định canh - định cư - kinh tế mới huyện Phước Sơn (sau này là phòng Dân tộc huyện) đã di thực trồng 10.680 cây sâm Ngọc Linh (nguồn giống từ huyện Trà My) tại thôn 6 xã Phước Lộc theo đề tài khoa học của Sở Y tế tỉnh (năm 2004: 680 cây, năm 2005: 10.000 cây), với diện tích khoảng 1ha. Năm 2008 (sau 4 năm trồng), Trường Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh đã kiểm nghiệm mẫu sâm Ngọc Linh trồng tại thôn 6 xã Phước Lộc, với kết quả tổng hàm lượng 4 saponin chính đạt 8,79% thấp hơn mẫu sâm đối chứng khoảng 25%.

Tháng 4.2018, kết quả báo cáo “Đề tài nghiên cứu cơ sở khoa học và thực hiện phục vụ đăng ký mở rộng phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ và phát triển vùng sâm Ngọc linh theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam” (của Viện Thổ nhưỡng Nông hóa thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cũng đã nêu lên sự phù hợp sinh trưởng của cây sâm Ngọc linh tại khu vực này. Trong khi đó, UBND huyện Phước Sơn cho biết, qua thực tế điều tra nắm thông tin, một số người dân tại thôn 6 xã Phước Lộc trong những lần đi rừng tìm cây thuốc đã gặp và khai thác nhiều cây sâm Ngọc Linh tự nhiên tại khu vực trên.

UBND huyện cho rằng, việc công nhận kết quả di thực thành công cây sâm Ngọc Linh và mở rộng chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh trên địa bàn, là cơ hội quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội địa phương, giúp người dân thoát nghèo, góp phần quản lý bảo vệ rừng bền vững.

ANH ĐÔNG