Nhiều doanh nghiệp đầu tư trồng dược liệu và lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng
Nhiều huyện miền núi Nam Giang, Tây Giang, Phước Sơn, Nam Trà My đã và đang nỗ lực thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như: xây dựng vườn ươm sản xuất giống, trồng cây dược liệu và lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng trên cơ sở thuê dịch vụ môi trường rừng. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp đang trong quá trình khảo sát, lập phương án trồng cây dược liệu, chỉ một số ít doanh nghiệp đã bắt tay đầu tư.
Tại Phước Sơn, theo Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắc Mi, đơn vị đã khảo sát, quy hoạch diện tích rừng tự nhiên với tổng diện tích 500ha cho 2 doanh nghiệp thuê dịch vụ môi trường rừng để trồng cây dược liệu. Theo đó, Tổng Công ty Dược liệu Miền Nam thuê 400ha và Công ty TNHH Sâm Sâm thuê 100ha để trồng sâm ba kích và một số loài dược liệu khác. Ngoài ra, theo ông Nguyễn Quảng - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, ngoài 2 doanh nghiệp kể trên, huyện cũng tích cực kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp khảo sát, nghiên cứu, lập dự án đầu tư trồng cây dược liệu trên địa bàn. Cụ thể, Công ty M-Lead (Kon Tum) đã khảo sát khu vực trồng sâm Ngọc Linh tại thôn 6, xã Phước Lộc; Công ty CP Đầu tư xây dựng thương mại Hòa Bình Xanh khảo sát trồng dược liệu, kết hợp phát triển du lịch trên địa bàn xã Phước Lộc, Phước Chánh; Công ty CP Sacha Inchi Phước Sơn khảo sát trồng dược liệu, nuôi ong mật… tại xã Phước Chánh. UBND huyện cũng cho phép Công ty CP Đầu tư & phát triển lâm nghiệp Quảng Nam liên kết với Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện để thực hiện các mô hình trồng cây dược liệu xen với cây keo, cây ăn quả tạo tán với diện tích 6,2ha.
Tại huyện Nam Giang, đến nay, đã có một số doanh nghiệp đến khảo sát, lập phương án đầu tư trồng cây dược liệu trên địa bàn. Đó là, Công ty TNHH Đầu tư quốc tế Phú Ninh thực hiện dự án vườn ươm giống cây lâm nghiệp trên tổng diện tích gần 4.800m2 tại xã Cà Dy; Công ty CP Đầu tư phát triển nông lâm nghiệp Nam Giang đang lập thủ tục thuê đất với diện tích 53,51ha tại xã Tà Pơơ; Công ty TNHH Sâm Sâm lập thủ tục xin chủ trương đầu tư trồng thí điểm cây dược liệu tại xã Tà Bhing với diện tích trên 70ha. Tại Tây Giang, đối với khu vực xã Lăng, HTX Thiên Bình đã đăng ký triển khai trồng khoảng 100ha ba kích dưới tán rừng tự nhiên và hiện diện tích trồng ba kích của HTX đã lên tới vài chục héc ta. Công ty CP Dược sâm Ngọc Linh hiện đầu tư liên kết với người dân trồng dược liệu gồm sả chanh trên địa bàn A Xan, Ch'Ơm với gần 5ha có bao tiêu sản phẩm. Theo UBND huyện Nam Trà My, hiện có 6 doanh nghiệp đăng ký trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện với tổng diện tích 100ha và đã có 3 doanh nghiệp triển khai trồng sâm trên địa bàn.