Khảo sát thực địa vùng trồng dược liệu ở Phước Sơn
(QNO) - Đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh vừa có chuyến thực địa tại khu vực trồng bảo tồn chủ động giống cây sa nhân tím trên diện tích 7,5ha thuộc khoảnh 8, tiểu khu 688 (xã Phước Kim, huyện Phước Sơn).
Hoạt động nằm trong kế hoạch giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh về công tác bảo tồn, phát triển cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng trên địa bàn các huyện miền núi từ năm 2016 đến ngày 30.6.2019.
Đoàn khảo sát buộc phải di chuyển bằng thuyền trên lòng hồ thủy điện Đăk Mi khoảng 30 phút, sau đó tiếp tục lội bộ băng rừng một quãng đường xa nữa mới đến khu vực trồng sa nhân tím.
Theo ghi nhận, phía bên ngoài khu vực trồng cây sa nhân tím được rào khá cẩn thận bằng lưới B40. Dưới tán rừng rậm rạp, những cây sa nhân tím được trồng cách đó khoảng 9 tháng đang phát triển khá tốt, nhiều cây mọc thành từng khóm. Đặc biệt, tại khu vực này còn xuất hiện khá nhiều loài dược liệu quý mọc tự nhiên như cây ba kích tím, đảng sâm, sa nhân…
Được biết, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Mi là đơn vị được tiếp nhận vật tư, phân bón, cây giống từ Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam để tiến hành trồng bảo tồn chủ động giống cây sa nhân tím tại vị trí nêu trên.
Theo đó, từ cuối năm 2018, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Mi đã thuê nhân công vận chuyển, gùi cõng giống cây sa nhân tím để thực hiện gây trồng. Tổng số lượng cây sa nhân đã trồng là hơn 18 nghìn cây, trồng theo mật độ 2.500 cây/ha, cây cách cây 1,5m, hàng cách hàng 1,6m. Xung quanh khu vực trồng được rào lưới B40 với chiều dài 1.420m.
Đến nay, theo đánh giá của chủ đầu tư là Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam, cây sa nhân tím sinh trưởng, phát triển khá tốt, tỷ lệ cây sống hơn 81%, chiều cao cây trung bình 50cm.
Ông Nguyễn Văn Tình - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Mi cho biết, do đơn giá thuê nhân công chăm sóc, bảo vệ cây sa nhân tím do Trung tâm Phát triển sâm Ngọc linh và dược liệu Quảng Nam đưa ra thấp (công chăm sóc 214 nghìn đồng/người/ngày và công bảo vệ 7,5ha chỉ gần 1,2 triệu đồng/tháng), trong khi khu vực trồng ở giữa rừng, rất xa khu dân cư nên đơn vị gặp khó khăn trong việc thuê nhân công. Nhiều năm nay, ban quản lý phải tận dụng lực lượng bảo vệ rừng làm thêm nhiệm vụ bảo vệ khu vực trồng sa nhân. Ông Tình mong muốn phía chủ đầu tư hỗ trợ thêm kinh phí chăm sóc và bảo vệ diện tích 7,5ha cây sa nhân tím trong lâm phận.