Tây Giang cần hướng tới đa dạng hóa sản phẩm cây dược liệu

BÍCH LIÊN 07/09/2019 20:59

(QNO) - Đó là ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh trong buổi làm việc giữa đoàn công tác HĐND tỉnh với UBND huyện Tây Giang về công tác bảo tồn, phát triển cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ dưới rán rừng và tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2019 vào chiều 4.9.

HĐND tỉnh làm việc với huyện Tây Giang về cơ chế, chính sách phát triển cây dược liệu và lâm sản ngoài gỗ. Ảnh: B.L
HĐND tỉnh làm việc với huyện Tây Giang về cơ chế, chính sách phát triển cây dược liệu và lâm sản ngoài gỗ. Ảnh: B.L

Báo cáo trước đoàn, ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, từ các nguồn vốn, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, nông thôn mới, Quyết định 2950 của UBND tỉnh, huyện Tây Giang đã hỗ trợ và một phần người dân tự trồng phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, lâm sản ngoài gỗ.

Cụ thể, diện tích cây táo mèo hiện đạt 127.906 cây/58ha, đảng sâm là 272,66ha, ba kích 245,56ha, thảo quả 10ha (Ch’Ơm 5ha, A Xan 5ha), tre điền trúc 31ha, sả chanh 34,35ha, gừng 26ha. Bên cạnh đó, huyện còn đầu tư phát triển bảo tồn 1 vườn ba kích với diện tích 5ha. Về sản lượng khai thác, cây đảng sâm thu hoạch đạt 7 tạ/ha/năm, bình quân 1 năm người dân thu hoạch được 30ha; cây táo mèo đạt 3 tạ/ha/năm, diện tích thu hoạch khoảng 20ha.

Ông Linh cho biết, hiện Tây Giang triển khai thực hiện 1 vườn bảo tồn cây dược liệu tại thôn T’coong (xã Lăng), do Hợp tác xã (HTX) Nông lâm nghiệp Thiên Bình phụ trách với diện tích 5ha từ nguồn vốn hỗ trợ bảo tồn dược liệu tỉnh Quảng Nam theo Quyết định số 301/QĐ-UBND năm 2018 của UBND tỉnh. Thực hiện Nghị quyết 202 của HĐND tỉnh, giai đoạn 2016 - 2017, tổng diện tích cây dược liệu triển khai theo nội dung hỗ trợ bảo tồn, sản xuất giống đạt 42,7ha với kinh phí hơn 1,46 tỷ đồng (ba kích 27ha/193.050 cây/54 hộ/6 xã; đảng sâm 15,7ha/112.255 cây/39 hộ/4 xã).

Năm 2018, triển khai Quyết định số 2950 của UBND tỉnh, tổng diện tích cây dược liệu được phân bổ phát triển là 60ha (2 tỷ đồng). Trong đó, ba kích là 35ha/250.250 cây/66 hộ/6 xã; đảng sâm 25ha/178.750 cây/49 hộ/3 xã. Năm 2019, tổng diện tích cây dược liệu triển khai là 43,75ha/312.500 cây/79 hộ (ba kích 28,75ha/50 hộ/6 xã; đảng sâm 15ha/29 hộ) với kinh phí 1,5 đồng.

Theo ông Linh, công tác bảo tồn, phát triển cây dược liệu trên địa bàn Tây Giang gặp không ít khó khăn. Đó là việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất giống cây dược liệu, kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc và chế biến sau thu hoạch còn yếu. Công tác bảo tồn và phát triển nguồn gen cây dược liệu chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh các sản phẩm dược liệu còn thấp.

Ngoài ra, việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, dược liệu trên địa bàn hết sức khó khăn. Công tác tổ chức và quản lý khai thác, thu mua dược liệu và các lâm sản ngoài gỗ còn nhiều bất cập. Công tác tuyển chọn giống cây dược liệu chưa được quan tâm. Việc giao đất giao rừng cho người dân còn vướng mắc...

Cây ba kích phát triển mạnh tại xã Lăng. Ảnh: B.L
Cây ba kích phát triển mạnh tại xã Lăng. Ảnh: B.L

Ông Bhling Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang chia sẻ thêm, Nghị quyết 202 của HĐND tỉnh là cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn, phát huy hiệu quả tích cực trong công tác bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn Tây Giang. Năm 2011, HĐND huyện cũng đã ban hành Nghị quyết 23 tập trung vào 3 cây chủ lực là ba kích, đẳng sâm và tr’đin.

Song, ông Bhling Mia cho rằng, Nghị quyết 202 đến năm 2020 là kết thúc, vì vậy đề nghị tỉnh tăng mức hỗ trợ về cơ chế, chính sách giống và các hỗ trợ khác. Trong đó, khuyến khích, đầu tư hỗ trợ những hộ gia đình đầu tư trồng, phát triển cây dược liệu theo quy mô lớn, hỗ trợ những mô hình chuyên sản xuất giống. Nghị quyết cần có sự sửa đổi, bỏ cơ chế đối ứng 20% về giống như hiện nay để người dân miền núi dễ dàng tiếp cận cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh…

Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận những nỗ lực của huyện Tây Giang cũng như HTX Nông lâm nghiệp Thiên Bình (xã Lăng) trong công tác bảo tồn và phát triển cây dược liệu. Đoàn đánh giá cao những nhân tố mới, cán bộ, đảng viên trẻ tuổi dám nghĩ dám làm như anh Nguyễn Bá Hiển (HTX Thiên Bình).

“Huyện cần nâng mức hỗ trợ phát triển cây dược liệu trong các hộ gia đình nhiều hơn (mức bình quân 0,6ha/hộ hiện nay là quá ít). Phát triển dược liệu cần thu hút doanh nghiệp, HTX tham gia, dẫn dắt cộng đồng tham gia, để tạo chuỗi liên kết sản xuất và cung ứng cây dược liệu. Tây Giang cần hướng tới đa dạng hóa sản phẩm cây dược liệu, không chỉ dừng lại ở bán thô đẳng sâm, ba kích, táo mèo… như hiện nay. Chú trọng tập huấn, tuyên truyền cho người dân biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng cây dược liệu và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Đặc biệt cần sâu sát, không để những cơ sở nhân giống, cung ứng giống lợi dụng chính sách hỗ trợ của tỉnh để nâng giá bán cây giống” - ông Nguyễn Hoàng Minh lưu ý.

BÍCH LIÊN